“Lận đận thân cò”
Người ta ví đời bà chẳng khác gì thân cò. Dáng người dong dỏng gầy hao, cái khuôn mặt đượm sầu. Bà kể, đời bà hiu hắt, lấy chồng từ năm 18 tuổi. Khi đứa con đầu lên 1 tuổi, đứa con thứ hai mới 6 tháng thì chồng bà đi bộ đội. Ròng rã bao năm đợi chờ, rồi bà nhận được giấy báo tử. Đó là năm 1968. Bà còm cõi nuôi con khôn lớn, rồi dựng vợ gả chồng cho con yên bề gia thất.
Nhưng chuyện đời bà chưa hết trắc trở. Vào một ngày bà điếng người khi nghe hung tin, người con trai duy nhất tử vong do tai nạn giao thông. “Năm đó nó 40 tuổi. Cả gia đình trông cậy cả vào nó thì ông trời lại cướp nó đi...”, bà Khiêm không cầm được nước mắt.
Gạt dòng lệ quanh vết chân chim nơi khóe mắt, bà tiếp tục trải lòng, “Con dâu không lâu sau cũng đi bước nữa và bỏ lại cho tôi 5 đứa cháu nheo nhóc. Đứa đầu vừa học xong cấp 3, đứa bé nhất thì lên 3 tuổi. Tôi chẳng trách gì con dâu, cũng vì quá khổ thôi. Tôi khổ mãi rồi cũng quen, nhưng nhìn các cháu mất bố lại phải xa mẹ, tôi thương lắm”.
Vậy mà bà vẫn nuôi các cháu lớn khôn. “Cũng chỉ trông cậy vào 5 sào ruộng, công thêm trồng khoai sẵn trên đồi nhưng tôi không để cho đứa nào phải thất học. Một tay tôi làm tất, các cháu thương bà nên chăm chỉ và ngoan ngoãn. Ngoài học hành đạt nhiều thành tích thì chúng đều giúp tôi rất nhiều việc kiếm thêm thu nhập”, bà Khiêm tâm sự. Bà ví đời mình như thân cò, nên gắn bó với cò như cái “duyên trời định”.
Chuyện gắn bó với đàn cò bắt đầu từ khi một ngày cò bay về trắng xóa khu vườn nhà, bố bà dùng mọi cách đuổi đi nhưng chúng vẫn bay quẩn lại. Không phải vì bất lực, mà vì nghĩ “đất lành chim đậu” nên gia đình quyết định để cò trú ngụ lại.
Bà Khiêm bên vườn cò |
“Năm héc ta đất vườn trồng nhiều tre và cây lấy gỗ nên rất rậm rạp. Cò kéo đến mỗi ngày một đông. Ban đầu vì sợ cò sẽ làm gãy cành, chết cây nên bố tôi mới cố đuổi chúng đi. Nhưng về sau chính ông cụ lại là người cố gắng bảo vệ chúng trước sự xua đuổi của dân làng. Và trước khi lìa xa đời, ông cụ đã dặn dò tôi phải chăm sóc, chở che cho những đàn cò”, bà Khiêm tâm sự.
Cò là loài động vật hoang dã nên không phải chăm sóc. Công lao lớn nhất của bà Khiêm được mọi người biết đến là việc bà hy sinh cả khu vườn để làm chỗ trú ngụ cho cò. Khu vườn của bà có rất nhiều cây gỗ lâu năm giá trị, nhưng dù bao lần túng thiếu đều nghĩ đến việc bán đi lấy tiền trang trải, bà vẫn không làm. Nhiều cây gỗ lớn giá tiền triệu chết khô do phân cò, bà không hề tiếc, vì bà nghĩ sự hy sinh đó cũng đáng để “những đàn con” của mình an toàn.
Những tháng ngày gian truân một mình nuôi 5 đứa cháu nhỏ đầy khó nhọc, túng thiếu nhưng chưa bao giờ bà nghĩ đến việc xẻ thịt cò làm thức ăn, ngay cả đụng đến một quả trứng. Cò chết, bà xót xa đem đi chôn cất. Cò bị thương bà chăm bẵm đến khi lành lặn.
Bà lão chấp nhận để khu vườn 5 ha chỉ làm nơi cho cò sinh sống suốt hàng chục năm nay |
“Có người từng khuyên tôi mang cò đi bán, có người ở xã về còn gạ mua vườn cò giá tiền tỉ, hoặc đổi một ngôi biệt thự, nhưng tôi đều lắc đầu” bà Khiêm tâm sự. Chẳng bạc vàng nào mang lại niềm vui cho bà. Niềm vui lớn nhất của bà là được nhìn thấy đàn cò vằn, cò ngàng, cò ruồi, cò cổ rắn, chim cốc... ríu rít bay lượn.
Nỗi trăn trở của “người mẹ cò”
Chẳng mấy khi bà chia sẻ chuyện đời mình cũng như những khó khăn vất vả khi “làm mẹ” của những đàn cò. Nay gặp nhà báo, bà mới trải lòng: “Trước kia cò về đông hay sà xuống lúa nên dân làng thường xua đuổi chúng đi. Việc tôi bảo vệ chúng khiến người ta bức bối”.
Ông Nguyễn Tiến Lượng, trưởng thôn Dừa Lẽ cho biết, mãi sau này mọi người mới hiểu, rồi cảm phục tấm lòng và việc làm của bà Khiêm với vườn cò. Tiếng lành đồn xa, thậm chí mới đây còn có một đơn vị về xây dựng dự án bảo vệ vườn chim, đầu tư thuê người, dùng dây thép gai bao hết toàn bộ 5 héc ta vườn cò.
Địa phương cũng có những lần họp dân tuyên truyền về ý nghĩa của vườn cò, bảo vệ thiên nhiên. Xã thành lập một đội bảo vệ khu vườn gồm 12 thành viên. Nhiệm vụ của đội là hỗ trợ bà Khiêm làm công tác bảo vệ vườn cò; túc trực, sẵn sàng có mặt để ngăn chặn hành động đột nhập vườn để săn bắn cò.
Việc làm bảo vệ thiên nhiên của bà lão đã được nhiều người hưởng ứng, một đơn vị thậm chí còn đầu tư rào chắn khu vườn. |
Hơn ai hết, bà Khiêm là người nắm rõ nhất lịch sinh hoạt của đàn cò. “Tháng 8, tháng 9 chúng đem con đi. Mỗi con đẻ 2 – 3 trứng. Chính thời điểm mùa đẻ cò dễ bị bắt nên giai đoạn đó rất vất vả với việc ngăn chặn người trộm cò vào vườn”, bà Khiêm chia sẻ.
Nhiều đêm đang nằm ngủ chợt thấy cò bay nháo nhác ngoài vườn, bà lại vùng dậy lần ra vườn bất chấp hiểm nguy. “Trước kia mẹ ở một mình trong căn nhà ở khu vườn, vợ chồng tôi thấy lo lắng nên đã bảo mẹ về ở chung. Tuy nhiên ngày nào mẹ cũng qua vườn cò xem xét như thói quen. Ngay cả ban tối khi nghe tiếng cò bay nháo nhác mẹ lại gọi con cháu dậy. Chúng tôi có lúc còn sợ có ngày mẹ gặp nạn vì đàn cò”, con gái bà Khiêm chia sẻ.
Thấy con gái nói vậy, bà Khiêm lại cười: “Biết là nguy hiểm nhưng nghĩ trộm đến bắt cò mà không ngăn cản thì họ sẽ quen mà đến tiếp. Bây giờ việc trông coi vườn cò được mọi người quan tâm nên cũng đỡ vất vả hơn”.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, bà Khiêm trầm ngâm nhìn về phía khu vườn. “Con cháu chúng có công việc và cuộc sống riêng của chúng. Chẳng có ai muốn gắn chọn cuộc đời với vườn cò này như tôi. Lỡ một ngày tôi không còn trên đời này thì ai sẽ thay tôi bảo vệ “những đứa con của trời” này?”, nước mắt khẽ lăn trên gò má gầy.
Cũng bởi đau đáu nỗi lo “đàn con” bơ vơ không ai bảo vệ mà mỗi khi trái gió, ốm phải nằm nhà, bà lại khóc. “Tôi chỉ mong cho vườn cò nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người, cũng như chính quyền, có ai đó đảm nhận công việc này thay tôi. Tôi sẵn sàng bàn giao lại toàn bộ vườn cò cho người có tâm huyết và thực sự yêu chúng. Chỉ khi đó tôi mới yên tâm nghỉ ngơi”, bà lão tâm sự./.