Sự việc này một lần nữa làm nóng lên câu chuyện cuộc oanh tạc chiến lược nhằm vào “Công xưởng Skoda” của Đức Quốc xã của Thiếu úy Hesley và đồng đội, nỗi khổ tâm của hậu phương cũng như nghi vấn về cái chết của Hesley nửa thế kỷ trước …
Công xưởng Skoda - khu phức hợp nhà máy này cung cấp cho quân đội Đức Quốc xã mọi thứ: đạn dược, xe tăng, động cơ máy bay, súng cỡ nòng 88mm... Đây là một mục tiêu quan trọng nhiều lần được quân Đồng Minh nhắm tới và tiến hành tấn công. Tuy nhiên, cuộc tấn công cuối cùng vào công xưởng này trước khi Đại chiến Thế giới lần thứ 2 kết thúc đến giờ vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Những tình tiết chưa từng công bố về vụ đánh bom chấn động thế giới, phá sập hoàn toàn xưởng chế tạo vũ khí quan trọng của Adolf Hitler được đề cập đến trong bài viết của tác giả Brian Mockenhaupt (cựu binh quân đội Mỹ) - biên tập viên của tạp chí Outside và là cây bút kỳ cựu của các báo và tạp chí nổi tiếng như The Atlantic, The New York Times, Esquire...
Nhiệm vụ cuối cùng
Đại chiến Thế giới lần thứ hai đã đến lúc cao trào và sắp chấm dứt, cục diện chiến tuyến đang thay đổi: quân Đức gần như lui về cố thủ khi mà quân Mỹ và quân Anh đẩy lùi từ phía Tây, và quân Nga chèn từ phía Đông. Các oanh tạc cơ đã hủy diệt phần lớn cơ sở hạ tầng giá trị của quân Đức cũng như san phẳng vài thành phố lớn. Nhưng lính Đức vẫn tiếp tục chiến đấu.
Lúc 2h sáng ngày 25/4/1945, Thiếu úy William Hesley choàng tỉnh giấc đột ngột và nhận lệnh phải bay gấp. Hesley mới nhập ngũ được 4 tháng và đang phục vụ tại Căn cứ bay Podington (Bắc London). Một sĩ quan tình báo vén bức màn sang một bên để lộ ra tấm bản đồ ở góc phải, quân Đức đang bị dồn về phía Tây Tiệp Khắc. Được lệnh bay trên thành phố Pilsen (Tiệp Khắc, nay là Cộng hòa Séc), các phi công trên chiếc pháo đài bay B-17 có nhiệm vụ đánh bom Skoda Works (tạm dịch ‘Công xưởng Skoda’) - một tổ hợp nhà máy khổng lồ rộng tới 162 hecta, nơi được trang bị cho Đế quốc Áo-Hung trong thời Đại chiến Thế giới lần thứ nhất (ĐCTGI).
Xưởng chế tạo vũ khí của Đức Quốc xã bị tiêu diệt |
Kể từ khi Đức Quốc xã xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1939, hơn 40.000 người bản địa đã được trưng dụng làm thợ để chế tạo ra xe tăng và pháo, súng máy và đạn dược cho quân đội Đức. Các oanh tạc cơ quân Đồng Minh đã vài lần cố gắng tấn công nhà máy này nhưng đều thất bại. Mùa xuân năm 1945, liên quân Anh Mỹ có thêm một lý do khác để hủy diệt nhà máy Skoda, đó là họ không muốn người Nga tháo dỡ nhà máy để mang linh kiện về nước khi đại chiến kết thúc, và hành động tiêu diệt nhà máy này như là nước cờ tiên phong của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Trong sứ mạng bay, Thiếu úy Hesley được phân công lái chiếc B-17 Checkerboard Fort. Anh chưa từng bay chung với phi hành đoàn này bao giờ. Sứ mạng bay cũng đánh dấu kỷ niệm 3 năm ngày cưới của chàng phi công trẻ, mà nếu sống sót anh sẽ về ngôi nhà ở Paris (tiểu bang Texas) nơi có bà xã Maribelle cùng cậu con trai 2 tuổi John đang chờ đợi.
Thượng úy Lewis Fisher (lái chính) điều khiển chiếc máy bay 4 động cơ khổng lồ, chở đầy bom nhấc mình khỏi đường băng và vùng quê Anh dưới chân họ đang mờ dần. Hesley trải các tấm bản đồ và tính toán tọa độ nơi mà đội Không lực số 8 sẽ thực hiện những đợt đánh bom cuối cùng của Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Kế hoạch lần này là ném bom ở cự ly gần ở mức đủ an toàn.
Khi đánh bom các mục tiêu công nghiệp của Đức, quân Đồng Minh trước đây thường tấn công vào các khu dân sự nhằm giảm nhuệ khí chiến đấu của quân Đức. Nhưng mục tiêu tấn công lần này lại nằm trên lãnh thổ Séc, và người Séc không phải là kẻ thù, rõ ràng việc cố tình giết hại hàng ngàn người chỉ mang dụng tâm xấu, làm chậm sự phục hồi của họ thêm nhiều năm. Tốt hơn hết là đánh bom gần để giảm thiểu thiệt hại sinh mạng.
Lần đầu tiên trong thời chiến, quân Đồng Minh đã dùng đài phát thanh BBC để kêu gọi công nhân rời khỏi nhà máy Skoda: “Các công nhân phải nhanh chóng rời khỏi nhà máy và ở yên đó đến tận chiều”. Tín hiệu cảnh báo mặt khác cũng cho người Đức biết họ cần tập trung ở đâu để phòng thủ. Còn đối với các phi công trên oanh tạc cơ bay đến Pilsen, cơ hội sống sót của họ cũng mong manh như sứ mạng cuối cùng.
Và lá thư linh cảm về sự cái chết của người lính
Người Anh thích rải thảm bom xuống các thành phố của Đức như việc người Đức đã làm với họ. Với loại bom công nghệ cao Norden, người Mỹ thừa sức hạ các mục tiêu cụ thể như các xưởng vũ khí và đường sắt mà không cần chiến đấu cơ bay hộ tống. Dù các pháo đài bay B-17 được trang bị hàng tá súng máy cỡ nòng 50mm từ đầu đến đuôi máy bay, nhưng nếu tấn công ban ngày họ vẫn e ngại lưới phòng không của Đức có thể bắn hạ các chiến đấu cơ.
Trong một sứ mạng hủy diệt nhà máy của Đức vào tháng 10/1943, đã có 60 chiếc B-17 bị bắn rơi. Bài học nhãn tiền vẫn còn đó. Trong cuộc không chiến trên khắp châu Âu, đội Không lực số 8 đã khiến cho 26.000 lính bị chết khi thi hành nhiệm vụ (hơn số lính thủy đánh bộ Mỹ bị tử trận ở Nam Thái Bình Dương). Nhắn gửi với người vợ trẻ Maribelle ở quê nhà, phi công Hesley khẳng khái: “Nếu anh hy sinh, thà tử trận trên trời hơn là lao xuống bùn”.
Trước khi rời nước Anh vào cuối năm 1944, Hesley viết thư gửi cho con trai nhân sinh nhật con tròn 2 tuổi với những dòng đầy yêu thương và trách nhiệm: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào có thể xảy ra bây giờ hay sau đó, con hãy thay cha chăm sóc mẹ”. Trong sinh nhật John tròn 21 tuổi, bà Maribelle viết thư cho con, giải thích: “Nói lời tạm biệt con là thứ khó nhất mà cha trăn trở. Bởi vì trong tim ông ấy hiểu rằng đó có thể là lần cuối nhắn với con trên đời này”.
(Kỳ tới: Nghi vấn về cái chết của Hesley trong cuộc không chiến)