Lời ru buồn và cuộc trùng phùng trên đất khách
Bên con khe Tiêu chảy qua bản Lưu Thắng, lời ru buồn của những ông bố, những người bà ru con, ru cháu vì mẹ bị bán sang Trung Quốc là điều không còn xa lạ. Theo chân ông Cụt Thanh Sơn – Trưởng bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, chúng tôi đến nhà Cụt Văn Sang (SN 1988), người vừa trở về sau gần 15 ngày sang Trung Quốc thăm vợ và em gái bị lừa bán. Đau lòng hơn, hai người phụ nữ ấy giờ đã là vợ của hai người đàn ông Trung Quốc. Ngồi tần ngần trước hiên nhà, Sang kể về hành trình tìm vợ và em gái bất thành, rồi đến một ngày, nhận được điện thoại của em gái mới đau lòng biết em đã bị lừa sang Trung Quốc lấy chồng.
Vợ của Sang là chị Moong Thị May (SN 1985) cũng bị bán sang Trung Quốc, giờ cũng đã làm vợ của người xa lạ. Sang kể, hai người lập gia đình cuối năm 2007, rồi sinh con trai đặt tên là Cụt Văn Đức vào năm sau. Cuộc sống đang hạnh phúc thì khoảng cuối năm 2010, khi con trai chưa cai sữa, tai họa bỗng ập đến. May bị một người phụ nữ ngụ xã Hữu Kiệm lừa bán sang Trung Quốc. Gia đình đi tìm khắp nơi nhưng không có thông tin gì. Nỗi đau chưa dừng lại. Khoảng tháng 2/2014, em gái của Sang là Cụt Thị Mỹ (SN 1993) cũng bị một người trong xã lừa bán sang Trung Quốc.
Ông Cụt Phò Sáng (bố của Sang) nhớ lại:“Vợ thằng Sang bị lừa đi khi con chưa bỏ bú, mới chập chững tập đi, vì con khóc đòi mẹ nên bà nội phải cho bú dù không có sữa. Vợ thằng Sang giờ là vợ người Trung Quốc rồi, thằng Sang mới sang thăm vợ và em gái bên nớ về đó…”. Cuộc trùng phùng bất ngờ nơi xứ lạ, hai anh em mừng mừng, tủi tủi, ôm nhau khóc. Theo như em gái Sang kể, cô bị một người phụ nữ lừa đi làm vàng ở Đà Nẵng, nhưng khi đi đến Yên Lý (đoạn QL 1A bắt xe ra Bắc) thì không phải đi Đà Nẵng mà bán sang Trung Quốc.
Trở lại câu chuyện, sau khi mất tích thời gian dài, khoảng tháng 4/2014 chị May mới điện về cho gia đình chồng báo tin là đang ở Trung Quốc và đã bị ép lấy chồng. Dù rất đau lòng nhưng ông Sáng vẫn kịp nhờ con dâu tìm con gái bên đó. Sau thời gian tìm kiếm, May đã tìm được em gái chồng. My đã điện về nhà, gia đình chồng mời bố mẹ My sang Trung Quốc chơi.
Anh Sang kể: “My được người ta nói là đi làm công ty trong miền Nam nên đồng ý đi. Nhưng không phải là đi miền Nam mà đi Trung Quốc, My không đồng ý thì bị nhóm người nhốt lại trong nhà rồi đưa lên xe khách và đưa qua Trung Quốc…”. Cả ba con người vốn là người một nhà, gặp nhau trên đất khách quê người, nước mắt sụt sùi mừng, tủi lẫn lộn.
“Trung Quốc không phải nơi chôn nhau cắt rốn của mình, không phải là đất của mình, chỉ muốn con gái và con dâu về nhà với gia đình” - ông Cụt Phò Sáng rưng rưng nước mắt. Được biết, sau khi con gái và con dâu bị lừa bán sang Trung Quốc, gia đình ông Sáng đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng nhưng việc tìm kiếm không có kết quả. Vợ ông Sáng cũng vì thương nhớ con gái và con dâu mà mắc bệnh, qua đời ít lâu sau đó.
Cả bản có gần 50 người mất tích
Ngoài gia đình ông Sáng, tại bản Lưu Thắng còn rất nhiều trường hợp phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc hoặc mất tích không có thông tin. Gia đình ông Cụt Khăm My (SN 1962) có 7 người con, đứa con gái thứ 6 là Cụt Thị Bông (SN 1993) bị lừa bán sang Trung Quốc hơn 3 năm nay. Ông My cho biết, con gái đã lấy chồng bên đó và sinh một bé gái. Khoảng đầu năm 2014, con gái ông mới bỏ trốn về thăm gia đình được mấy hôm, nhưng con đang còn nhỏ nên đành quay lại Trung Quốc với chồng con. “Con gái nói chờ con to lên chút rồi về nhà với gia đình, giờ con đang nhỏ quá. Họ cướp con gái mình mà không ai biết, gia đình báo cáo vụ việc để báo công an nhờ họ tìm giúp nhưng không được…”.
Nỗi nhớ con gái hiện rõ trên gương mặt ông Cụt Khăm My. |
Theo ông Cụt Thanh Sơn thì cả bản tính đến thời điểm trung tuần tháng 10/2014, có đến 49 người mất tích không rõ lý do và không biết nơi cư trú. “Hiện có gần 50 người phụ nữ không biết thông tin họ đang ở đâu, làm gì, có một số đã điện thoại về báo là đang ở Trung Quốc và đã lấy chồng”. Theo ông Sơn, từ năm 2010, tình trạng người địa phương đi làm ăn xa, đi Trung Quốc mới diễn ra rầm rộ. Một vài người đi biệt một thời gian rồi trở về quê, đưa theo người thân, anh em, con cháu mình sang bên đó.
Như trường hợp bà Cụt Thị Đức, sang Trung Quốc lấy chồng từ năm 2010, sinh con đẻ cái bên đó. Được ít lâu, bà trở về bản, dẫn theo một đứa cháu con chú con bác sang Trung Quốc. Cháu gái đó giờ cũng đã lấy chồng và sinh con.
Điều đáng buồn là trong số 49 người mất tích thì chỉ 5-7 người biết thông tin về con cái mình, còn lại đều không biết. Chị Xeo Thị Kiệm sang Trung Quốc được 4 năm, vừa qua dẫn theo chồng người Trung Quốc về thăm nhà, bây giờ cả nhà đưa nhau sang Trung Quốc làm ăn sinh sống. Trong bản duy nhất có trường hợp chị Mong Thị Hiền, sang lấy chồng và sinh con tại Trung Quốc nhưng vì nhớ gia đình và quê hương quá, đã lừa chồng xin về thăm nhà ngoại và ở lại bản, không sang Trung Quốc nữa.
Những ông bố ngóng con, những người chồng ngóng vợ và những đứa con ngóng mẹ… là cảnh tràn ngập trong bản làng nơi miền Tây xứ Nghệ này. Cháu Cụt Văn Đức (con trai Sang) cầm những bức ảnh mà bố chụp ảnh mẹ tại Trung Quốc, miệng lí nhí hỏi: “Mẹ sinh em bé rồi à bố, khi mô mẹ mua quần áo và kẹo về với con…”. Câu hỏi của bé Đức cũng là của hàng chục, hàng trăm đứa trẻ khác ở bản Lưu Thắng và đâu đó nơi đại ngàn này…