Cuộc truy bắt tên tội phạm chỉ mê đàn bà tên Phượng

(PLO) - Đã 13 năm trôi qua, Trung tá Trần Nhật Tân, (Phó đội trưởng Đội 2 Phòng PC52, Công an Hà Nội) chưa thể quên được khoảnh khắc đối mặt với tử thần trong cuộc truy bắt đối tượng Huy "Bá Kiến". Nổ súng nhanh hơn đối tượng vài phần trăm giây, Trung tá Tân vừa bảo vệ được bản thân, đồng đội, lại bắt gọn một đối tượng truy nã nguy hiểm.
Trung tá Trần Nhật Tân (ngoài cùng bên trái) dẫn giải một đối tượng truy nã nguy hiểm.
Trung tá Trần Nhật Tân (ngoài cùng bên trái) dẫn giải một đối tượng truy nã nguy hiểm.
Trong hồ sơ của lực lượng cảnh sát hình sự còn lưu giữ thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ trước Vũ Quang Huy (tức Huy "Bá Kiến", SN 1974 trú tại Khương Trung, Đống Đa, Hà Nội) là một trong những "hung thần đường phố". Mỗi khi gây án Huy đều mang theo hàng nóng. 
Cho đến đầu năm 1998, trong một vụ vây bắt sới bạc tại Thanh Trì, Huy "Bá Kiến" đã sa lưới pháp luật.
Sát thủ có hàng ria con kiến
Tuy nhiên ngay trong đêm đầu tiên bị bắt giữ, lợi dụng sơ hở của các cán bộ trông giữ Huy đã đào thoát khi hai tay vẫn bị còng. Sau khi lần theo những dấu vết mà y để lại, Các trinh sát thuộc Đội Cảnh sát hình sự Đặc nhiệm Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt lại được y. 
Huy "Bá Kiến" sau đó đã bị Tòa án nhân dân thành phố xử 11 năm tù giam về các tội cướp giật và tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép và được đưa đi cải tạo tại Trại giam số 3.
Tháng 7/2001, Vũ Quang Huy một lần nữa đào thoát khỏi nơi giam giữ. Ngay sau đó trên địa bàn TP Hà Nội lại liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ cướp giật có sử dụng súng trên đường phố mà chỉ cần thoáng nghe kể về phương thức, thủ đoạn gây án, các trinh sát đã biết chắc chắn rằng thủ phạm của các vụ cướp manh động này là do Huy “Bá Kiến” gây ra.
Vũ Quang Huy đã trở thành đối tượng số 1 mà các lực lượng hình sự Hà Nội hạ quyết tâm phải tóm bằng được. Trung úy Trần Nhật Tân, trinh sát trẻ măng của Đội Phòng chống tội phạm cướp, cướp giật đã được giao nhiệm vụ "bám sát" đối tượng. 
Tân kể, sở dĩ Huy có biệt danh đó là vì hắn để một hàng ria "con kiến". Để đối phó với Cơ quan Công an, khi trốn về Hà Nội, Huy không liên hệ với bất kỳ ai trong gia đình. Huy cũng không bao giờ sa vào các cuộc rượu chè. 
Hắn thường cặp với các tiếp viên nhà hàng và sống với nhau như vợ chồng, song liên tục thay đổi chỗ ở. Ngay cả với cánh cùng hội cùng thuyền, Huy cũng cảnh giác không bao giờ gặp mặt đến lần thứ hai.
Tuy nhiên, qua công tác trinh sát cho thấy Huy đã bộc lộ điểm yếu là thú đam mê cờ bạc, và mê những người đàn bà tên là Phượng. Sau lần bắt hụt Huy ở bến phà Tân Đệ (Thái Bình), các trinh sát hình sự tiếp tục lần ra Huy đang cặp với một tiếp viên tên Triệu Thúy Phượng (SN 1977, trú ở làng Mai Động). Lực lượng điều tra cũng xác định được nơi Huy thuê trọ là xóm Mới (Tân Triều, Thanh Trì).
Tổ công tác Phòng Cảnh sát hình sự lập tức bí mật bao vây khu vực này. Cũng không ai ngờ tại đây đã chứng kiến giờ phút sinh tử của chàng trung úy trẻ măng cùng đồng chí công an xã Đại Kim.
Trung úy Tân không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy…
Phát súng sinh tử
Thời điểm năm 2002, Tân đã phục vụ trong lực lượng Cảnh sát hình sự được 6 năm, và anh đã cùng đồng đội phá nhiều ổ nhóm cướp giật nguy hiểm. Song phải đến Huy "Bá Kiến" mới thực sự là đối tượng sừng sỏ đầu tiên Tân chạm mặt. 
Tân và Huy "Bá Kiến" cũng không lạ gì nhau, bởi trong những chuyến tuần tra trên phố, không ít lần Tân cùng đồng đội bắt hụt Huy và đồng bọn sau những cú "ăn hàng". Không chỉ Tân mà nhiều trinh sát hình sự thật sự rất "cay mũi".
Tuy nhiên, khi tổ chức lực lượng vây bắt Huy "Bá Kiến", Tân còn nhớ rất kỹ những lời căn dặn của Đại tá Nguyễn Thanh Hùng (khi đó đang là Trung tá, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, nay là Trưởng phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm). Huy là đối tượng gian manh, liều lĩnh, lúc nào cũng có súng trong người; đặc biệt đã không ít lần thoát khỏi vòng vây của lực lượng công an. 
Do đó Đại tá Hùng dặn cần phải làm rất "cơ bản", không được nóng vội và cũng không được trù trừ mà hỏng việc.
Lần đầu tiên mặt đối mặt với tên tội phạm khét tiếng khiến Tân không khỏi hồi hộp. Anh nhớ rất rõ lúc đó là vào khoảng 17 giờ ngày 28/1/2002, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự gồm 10 đồng chí tiến hành bao vây chặt khu vực xóm Định Công (Thanh Trì, Hà Nội). Sau đó, Tân cùng đồng chí Lê Việt Anh (Công an xã Đại Kim) tiến hành kiểm tra một dãy nhà trọ mà nhiều khả năng Huy đang lẩn trốn. Nhòm qua khe cửa, Tân phát hiện một cặp nam nữ đang ôm nhau ngủ trong phòng.
Lệnh kiểm tra hành chính được ban ra, Tân cũng không ngờ rằng trong lúc mặc quần áo đối tượng đã kịp giắt khẩu súng vào lưng, một viên đạn cũng đã được lên nòng sẵn. Vừa bước vào nhà, dù trời đang nhập nhoạng tối, và điện chưa bật song Tân khẳng định chắc chắn 100% rằng đối tượng chính là Huy "Bá Kiến". 
Huy vừa chìa ra một giấy chứng minh nhân dân giả, ngay lập tức, Tân lao lên giường, quật ngã hắn xuống đất.
Là tên tội phạm cáo già, sau phút bất ngờ Huy đã chống trả liều lĩnh. Đồng chí Lê Việt Anh cũng nhảy vào giúp sức. Chẳng ngờ bồ của Huy là Phượng cũng xông vào cào cấu vào lưng Trung úy Tân nhằm giải thoát đối tượng. Cả bốn người vật lộn, lăn tròn từ trong nhà ra tận đến bể nước thì Trung úy Tân khóa được một tay của Huy "Bá Kiến". 
Tuy nhiên, tay kia của Huy đã lăm lăm khẩu K59, chĩa thẳng vào đồng chí Lê Việt Anh. Trong khoảnh khắc, nhanh như cắt Tân rút khẩu K54, lên đạn bằng thắt lưng rồi không cần ngắm mà nổ một phát trúng cổ tay phải của Huy. 
Chỉ thấy đối tượng kêu lên một tiếng đau đớn, còn khẩu súng của hắn rơi đánh choang xuống đất. Tân bắn thêm 3 phát chỉ thiên để báo cho đồng đội đến giúp sức, bắt sống đối tượng.
Trung tá Trần Nhật Tân cho biết, giây phút ấy anh đã quyết định và thực hiện chỉ trong tích tắc.

Đọc thêm