Đà Nẵng trở thành một điểm đến trong tuyến dịch vụ vận tải với Nhật Bản

(PLVN) - Thông tin từ đại diện Cảng Đà Nẵng cho biết, Cảng Đà Nẵng đã chính thức trở thành một điểm đến trong tuyến dịch vụ vận tải của tàu LANTAU BEACH (hãng tàu SITC) với lịch trình Danang - Ningbo - Shanghai - Hakata - Moji.
Cảng Đà Nẵng tổ chức lễ đón tấn hàng đầu năm 2019

Tàu LANTAU BEACH có trọng tải 12.400 DWT, chiều dài hơn 140m, sức chở hơn 1.000 TEUs đã chở theo gần 200 TEUs xuất nhập cập bến Tiên Sa 6 trong chuyến tàu đầu tiên này.

Việc hãng tàu SITC mở tuyến dịch vụ mới đến Cảng Đà Nẵng sẽ góp phần làm sôi động hơn thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đến các cảng lớn khác trên thế giới. Đồng thời tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại Cảng Đà Nẵng.

Năm 2018, sản lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng chính thức đạt mốc 8,65 triệu tấn, tăng hơn 7,7% so với 2017, trong đó sản lượng container của năm 2018 đạt 370.000 Teus, tăng 5,9% so với 2017; số lượt tàu đạt 1967 lượt, tăng 3,85% so với cùng kỳ, trong đó tàu container gần 1112 lượt. Nhờ đó, Cảng Đà Nẵng tiếp tục giữ vững vị thế là cảng số 1 ở khu vực miền Trung và là một trong những cảng biển lớn hiện đại nhất Việt Nam.

Tàu Lantau Beach cập bến Tiên Sa 6

Không chỉ mạnh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, Cảng Đà Nẵng còn thu hút khách du lịch đường biển. Thời gian qua, Cảng Đà Nẵng cũng có những nỗ lực thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng tàu khách. Năm 2018, Cảng đón 109 lượt tàu du lịch với hơn 200.000 hành khách và thuyền viên, tăng 31% so với năm 2017 về lượt tàu và 35% về số lượng hành khách cập cảng.

Đáng chú ý, gần đây, Cảng Đà Nẵng đã chính thức đưa vào sử dụng 2 cầu tàu mới trong dự án mở rộng giai đoạn II Cảng Tiên Sa, với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng, gồm một cầu tàu dài 310m khả năng tiếp nhận tàu container lên đến 4.000 Teus và một cầu tàu dài 210m.

Cầu tàu mới được trang bị hệ thống cẩu QCC hiện đại, với sức nâng đạt 40 tấn, tầm với 40m và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đi kèm. Các bến mới này đi vào hoạt động đã giúp giảm tỷ lệ tàu nằm chờ ngoài vịnh một cách rõ rệt, số lượng khách hàng hài lòng về cầu bến tăng lên đáng kể.

Từ thành công của giai đoạn II Cảng Tiên Sa này, Cảng Đà Nẵng mong muốn Cảng được là nhà đầu tư cho dự án Cảng Liên Chiểu. Được biết, dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn khởi động năm 2022 khu bến đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chở từ 6.000-8.000 TEUs, năng lực thông qua cảng năm 2022 khoảng 17 triệu tấn/năm (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn đầu tư của Nhà nước dự kiến là 3.426 tỷ đồng (Hợp phần A); phần vốn đầu tư của tư nhân dự kiến là 3.951 tỷ đồng (hợp phần B), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất đầu tư thông qua Công ty CP Cảng Đà Nẵng. Hợp phần do tư nhân đầu tư bao gồm 2 bến cảng: số 1 và số 2.

Đọc thêm