“Đại chiến” giữa các "đại gia" viễn thông

 

Thay vì đua nhau giảm cước, thị trường viễn thông năm nay đang ghi nhận ưu thế của các nhà mạng có vùng phủ sóng lớn trong những cuộc đua khuyến mại khốc liệt.

 Thay vì đua nhau giảm cước, thị trường viễn thông năm nay đang ghi nhận ưu thế của các nhà mạng có vùng phủ sóng lớn trong những cuộc đua khuyến mại khốc liệt.

“Tặng 100% thẻ nạp”

Rất tự nhiên, từ lâu người dùng điện thoại di động, nhất là thuê bao trả trước, luôn chờ ngày nhà mạng “tặng 100% thẻ nạp” để nạp tài khoản. Không kéo dài, chỉ trong vòng 2 – 3 ngày nhưng với tần suất thường xuyên, “tặng 100% thẻ nạp” đã trở thành một chương trình khuyến mãi “tất yếu” để khách hàng so sánh nhà mạng này với nhà mạng khác.

Ông Nguyễn Văn Huyên, chủ đại lý thẻ nạp tiền ở đường Vạn Bảo, cho hay, những ngày khuyến mãi “tặng 100% thẻ nạp”, lượng thẻ bán ra tăng vọt. Ngay đến người bán hàng cũng khuyên khách hàng chờ đến ngày khuyến mãi hãy nạp tiền cho rẻ, và cũng bởi vì chẳng phải mất công chờ lâu, vì các mạng thay phiên nhau liên tục có chương trình khuyến mãi.

Thực ra, các mạng di động nhỏ khuyến mãi thẻ nạp “khủng” hơn các mạng lớn, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, lượng khách hàng quan tâm tới đợt khuyến mãi của mạng nhỏ không nhiều, chủ yếu do vùng phủ sóng hạn chế và số lượng thuê bao chừng mực. Vì thế, tâm điểm của thị trường vẫn là 3 mạng di động lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Chị Phạm Thu Hằng (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) cho hay, vào những ngày mạng MobiFone chị đang sử dụng khuyến mãi “tặng 100% thẻ nạp”, chị sẵn sàng mua một lúc vài thẻ nạp trị giá 100.000 đồng, “thể nào cũng phải nạp tiền mà như thế lại được lợi nhiều hơn”. Vì thế, chị Hằng tỏ ra hài lòng vì riêng trong tháng 5/ 2011, mạng MobiFone có tới 7 ngày khuyến mãi “tặng 100% thẻ nạp”, chia làm 2 lần trong tháng. 

“Miễn cước nội mạng”

Cuộc đua miễn cước nội mạng là một cuộc đua mà các mạng nhỏ luôn tiên phong nhưng cũng là người luôn đứng ngoài thèm thuồng nhìn theo cuộc đua của các đại gia viễn thông. Kiểu khuyến mại gọi nội mạng miễn phí như “gọi 10 phút tính tiền 1 phút” hay “6000 đồng nói thả phanh”… được triển khai từ năm 2010, và đến giờ vẫn thu hút được sự quan tâm của các thuê bao cả trả sau và trả trước.

Có thể kể tên một số chương trình đang “hot”: các thuê bao MobiGold đã đăng ký tham gia chương trình khuyến mãi từ ngày 19/4/2010, đang hoạt động 2 chiều, không bị chặn do nợ cước tính đến ngày 10/4/2011 mới được miễn phí hoàn toàn mọi cuộc gọi dưới 10 phút đến các thuê bao của MobiFone, VinaPhone và số cố định của VNPT, có hiệu lực tới 31/12/2011, chỉ với mức phí hàng tháng (ngoài cước thuê bao) là 60.000 đồng. VinaPhone cũng tung ra chương trình “thoải mái alo” tương tự như vậy. Mới đây, chương trình “MobiFone và VinaPhone – VNPT chúc mừng ngày quốc tế lao động” năm 2011 dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ của mạng này trên địa bàn Hà Nội được gia hạn thêm cho đến hết 15/6/2011, và tùy vào gói cước lựa chọn mà trong suốt 1 năm khách sẽ được miễn phí các cuộc gọi nội mạng VinaPhone, gọi đến cố định/Gphone VNPT Hà Nội, gọi đến MobiFone, cố định/Gphone VNPT trên toàn quốc.

Hiện tại, số lượng thuê bao di động, cố định của toàn Tập đoàn VNPT ước khoảng 90 triệu thuê bao, việc liên kết giữ VinaPhone, MobiFone và các đơn vị viễn thông trong tập đoàn đã tạo nên một khối vững chắc đủ sức thu hút sự quan tâm của bất kỳ người tiêu dùng nào, kể cả những người ngoài 2 mạng di động nói trên.

Không chịu thua, Viettel cũng có những chương trình khuyến mãi “Gọi cả ngày chưa đến 1000 đồng”. Với một mức phí tham gia chương trình “rất tượng trưng”, khách hàng của mạng này được hưởng khuyến mãi gọi miễn phí nội mạng Viettel trong nước 12 tháng với thời lượng tối đa là 10 phút. Trong những lần triển khai trước đó, Viettel cho biết đã có hơn 1 triệu khách hàng đăng ký tham gia chương trình này để hưởng khuyến mãi miễn phí 10 phút nội mạng.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia viễn thông, các cuộc chạy đua khuyến mãi như kiểu miễn cước nội mạng khiến các mạng này rơi vào tình cảnh cung cấp dịch vụ mà gần như không còn lợi nhuận. Những cuộc đua nhàm chán đó chính là một trong những nguyên nhân mà chỉ số tiêu dùng ngành hàng viễn thông tháng nào cũng giảm trong khi tất cả các chỉ số tiêu dùng khác tăng. “Không chóng thì chày, các nhà mạng cũng sẽ phải trả giá bởi hậu quả của chính những cuộc đua nhàm chán này” – vị chuyên gia bình luận.

Hằng Nga

Đọc thêm