Đại đức, liệt sĩ Thích Giác Lượng: Một nhân sĩ giàu lòng yêu nước

(PLVN) - Hy sinh khi tuổi đời mới ngoài 30, nhưng nhà sư Thích Giác Lượng - tức liệt sĩ Ngô Sáu đã sống một cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông từng là Ủy viên thường trực Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khu Trung bộ (Khu ủy khu 5).

“Thử đặt một hướng đi”

Qua lời kể, chứng từ của các cán bộ hoạt động cùng thời, Ðại đức Thích Giác Lượng tên khai sinh là Ngô Sáu, sinh năm 1934 trong một gia đình nông dân có 7 anh chị em ở xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông tham gia cách mạng từ năm 1954 làm phân đoàn trưởng thanh niên thôn Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ.

Cuối năm 1954, ông xuất gia đi tu ở chùa Long Khánh, thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng. Năm 1957, về tu tại chùa Hồ Sơn, làm đệ tử Hòa thượng Đặng Xuân Trường, sau đó lên chùa Minh Sơn, Minh Đức học đạo với Hòa thượng Hưng Từ.

Thầy Ngô Sáu thông minh lanh lợi nên được cho vào Sài Gòn học ở Đại học Vạn Hạnh. Tại đây, ông được tiếp xúc với các hòa thượng, thượng tọa tiến bộ, các nhân sĩ trí thức, sinh viên yêu nước; đồng thời tham gia nhiều cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh, phật tử và nhân dân chống ách áp bức của chính quyền tay sai.

Chân dung liệt sĩ, đại đức Thích Giác Lượng.

Năm 1960, Đại đức Thích Giác Lượng trở về Phú Yên tu hành. Sau đó, ông ra xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) phát nguyện lập chùa An Hòa. Chùa xây xong, đông đảo phật tử, người dân đến lễ chùa. Thấy vậy, ngụy quyền tìm mọi cách ngăn cản và gây khó khăn.

Trăn trở nhiều về đạo và đời, về nhân dân và Tổ quốc, năm 1962, Đại đức Thích Giác Lượng viết quyển sách “Thử đặt một hướng đi”, nội dung bày tỏ nguyện vọng tha thiết về một xứ sở thanh bình, quê hương không còn tiếng bom đạn.

Sau khi nghiên cứu kỹ chương trình hành động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và được Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Trung Trung bộ mời tham gia kháng chiến, Đại đức Thích Giác Lượng đã tạm biệt tăng ni, phật tử rồi lên chiến khu vào tháng 8/1964.

“Làm cách mạng là vì đời mà cũng là vì đạo”

Hai tháng sau khi lên chiến khu, Đại đức Thích Giác Lượng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên giải phóng khu Trung Trung bộ và bầu vào Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Trung Trung bộ.

Trong hoàn cảnh còn khó khăn, thiếu thốn, ông sẵn sàng từ chối những chế độ dù là ít ỏi, vẫn giữ sự chay tịnh của nhà tu hành. Ông nói: “Tôi đã phát nguyện làm người tu hành, suốt đời giữ giới hạnh. Ngày nay tôi làm cách mạng là vì đời mà cũng là vì đạo. Khi cách mạng thắng lợi, tôi sẽ trở về với tín hữu mà không có gì phải hổ thẹn”.

Đại đức Thích Giác Lượng đã đi đến nhiều thôn, xã, vào tận những vùng “sát nách” địch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi để thuyết pháp, giảng giải cho người dân thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; đồng thời kêu gọi con em ở “phía bên kia” làm điều lành, tránh điều dữ.

Bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Ngô Sáu.

Sự có mặt và tiếng nói của ông từ vùng giải phóng vang xa đến vùng địch kiểm soát, vào tận các thành phố, thị xã. Một số đạo hữu đã lặn lội vượt qua vòng kìm kẹp của địch để đến vùng giải phóng vấn an, thỉnh giáo ông.

Ngày 15/11/1967, trong chuyến đi từ huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) về huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam), Đại đức Thích Giác Lượng đã bị trúng bom và hy sinh. Tin buồn này đã gây xúc động lớn trong cán bộ, chiến sĩ, người dân và đông đảo phật tử.

Thi hài ông sau đó được chôn cất ở huyện miền núi Trà My. Đến năm 1997, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên đã tổ chức đưa hài cốt của liệt sĩ Ngô Sáu, tức Đại đức, Pháp sư Thích Giác Lượng về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Phú Yên.

Với những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đại đức Thích Giác Lượng đã được Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quyết thắng và Huân chương Giải phóng.

Cha mẹ của liệt sĩ Ngô Sáu có 7 người con thì đã có 3 người là liệt sĩ. Đó là các liệt sĩ Ngô Khá, Ngô Hãng, Ngô Sáu. Ngoài ra còn có liệt sĩ Ngô Thượng là cháu gọi liệt sĩ Ngô Sáu bằng chú ruột. Bà Nguyễn Thị Kỷ (mẹ và nội của các liệt sĩ) đã được truy phong là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đọc thêm