Vụ việc xảy ra vào sáng 30/10 khi đoàn cưỡng chế của UBND xã Trung Yên tiến hành cưỡng chế “khôi phục hiện trạng ban đầu” đối với phần đất rộng hơn 6m2 mà cơ quan này cho rằng ông Khen đã “tự ý lấn chiếm” đường đi vào đồi chè của một gia đình hàng xóm.
Ngoài Ban chỉ đạo cưỡng chế gồm 14 lãnh đạo UBND và các đoàn thể trong xã thì đoàn cưỡng chế còn có hơn 10 người trực tiếp cưỡng chế, 15 công an huyện và 5 dân quân xã làm nhiệm vụ bảo vệ, cùng đại diện một số cơ quan, ban ngành của huyện Sơn Dương như: Phòng Tư pháp, Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế & Hạ tầng… (tổng cộng khoảng trên 50 người).
Theo Công an huyện Sơn Dương thì sau khi đại diện UBND xã Trung Yên đọc Quyết định cưỡng chế, tổ thi hành, bảo vệ Quyết định cưỡng chế đã làm nhiệm vụ khôi phục trả lại đường mà gia đình ông Khen đã phá, rào.
Nhưng do không đồng ý với Quyết định cưỡng chế nên ông Khen và người thân đã nhặt đá hoặc phân gia súc ném về phía tổ thi hành, bảo vệ cưỡng chế khiến một cán bộ Công an huyện và một đoàn viên thanh niên xã bị thương.
Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản bắt giữ bà Nguyễn Thị Kiên (63 tuổi, chị gái ông Khen) và một ngày sau thì Cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Dương đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố ông Khen cùng vợ, con và em gái (tổng cộng 8 người) về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Sự việc 8 người trong một gia đình bị khởi tố, trong đó có 6 người bị tạm giam đã làm chấn động một xã miền núi vốn yên bình như xã Trung Yên - nơi mà 1m2 đất đồi có giá trị chưa đến 25.000đ (theo khung giá Nhà nước) thì dư luận buộc phải đặt câu hỏi do đâu mà ông Khen và người thân lại phản ứng quyết liệt trước việc bị chính quyền xã cưỡng chế?
Công tác tuyên truyền, thuyết phục của chính quyền tiến hành ra sao mà để xảy ra nghịch lý số tiền chi phí cho một lực lượng hùng hậu đến cưỡng chế lớn gấp hàng chục lần giá trị diện tích đất bị coi là vi phạm?
Có việc cưỡng chế “quá tay”?
Trao đổi với phóng viên, ông Nông Quang Minh- Chủ tịch UBND xã Trung Yên cho hay, ông Khen đã tiến hành đào bới phần “ta luy âm” của đường vào đồi chè nhà ông Nguyễn Văn Hý. Lối đi này vốn rộng 2m nên xã tiến hành cưỡng chế để kè, đắp vào cho đủ chiều rộng như cũ.
Và trong quá trình cưỡng chế, lực lượng cưỡng chế đã không chỉ tiến hành kè, đắp phần “ta luy âm” mà còn có dấu hiệu “quá tay” khi tiến hành đào bới đất ở phần “ta luy dương” – vốn là đất vườn nhà ông Khen, đã được Nhà nước cấp sổ đỏ.
Ông Minh một mực phủ nhận lực lượng cưỡng chế đã cuốc vào đất vườn của ông Khen. Còn ông Ma Văn Đề - cán bộ địa chính xã Trung Yên thì cho hay: “Chúng tôi chỉ… cào cào”.
Tuy nhiên, hiện trường vụ việc cho thấy rõ dấu vết cuốc đất vào đồi nhà ông Khen và nhiều người khẳng định lực lượng cưỡng chế đã cuốc đất ở phần “ta luy dương” để gạt đất xuống “ta luy âm” hoặc cho đất vào bao tải làm kè, xâm phạm vào quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Khen.
Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng, cụ Đoàn Thị Cẩm (SN 1928, mẹ ông Khen và cũng là mẹ của 5 bị can khác trong vụ án) viết: “đề nghị làm rõ trách nhiệm của lực lượng cưỡng chế khi đào vào đất vườn nhà tôi, lấy đất vào bao tải để đắp thành đường đi cho ông Hý mà không có Quyết định thu hồi đất, không đền bù đất cho gia đình tôi”.
Trong vụ việc này, Chủ tịch UBND xã Trung Yên xử phạt ông Khen 1.250.000 đồng và áp dụng biện pháp khôi phục hiện trạng ban đầu vì cho rằng ông Khen đã có hành vi lấn, chiếm đất.
Nhưng theo quan điểm của một số luật sư thì giả sử ông Khen có đào, bới ở phần “ta luy âm” thì hành vi này cũng không phải là “lấn, chiếm đất” bởi dưới phần “ta luy âm” là phần đất công (hồ nước thủy lợi do Nhà nước quản lý). Việc đào bới (nếu có) thì cũng chỉ làm mở rộng diện tích hồ nước chứ không phải là mở rộng diện tích đất trong sổ đỏ nhà ông Khen (ở phần “ta luy dương”).
Ngoài ra, với hồ sơ hiện nay thì cũng không rõ lối đi trước đây rộng bao nhiêu để mà yêu cầu ông Khen khôi phục hiện trạng cũ. Liệu có trường hợp nước hồ thủy lợi đã làm xói lở đường đi vào đồi chè nhà ông Hý?
Nhưng theo quan điểm của một số luật sư thì giả sử ông Khen có đào, bới ở phần “ta luy âm” thì hành vi này cũng không phải là “lấn, chiếm đất” bởi dưới phần “ta luy âm” là phần đất công (hồ nước thủy lợi do Nhà nước quản lý). Việc đào bới (nếu có) thì cũng chỉ làm mở rộng diện tích hồ nước chứ không phải là mở rộng diện tích đất trong sổ đỏ nhà ông Khen (ở phần “ta luy dương”).
Ngoài ra, với hồ sơ hiện nay thì cũng không rõ lối đi trước đây rộng bao nhiêu để mà yêu cầu ông Khen khôi phục hiện trạng cũ. Liệu có trường hợp nước hồ thủy lợi đã làm xói lở đường đi vào đồi chè nhà ông Hý?