Hệ lụy từ việc “phớt lờ” tranh chấp

(PLO) - TAND huyện Ba Vì, Hà Nội đang giải quyết một vụ kiện mà đúng ra tranh chấp này phải được giải quyết trong một vụ kiện khác từng được Tòa này thụ lý cách đây hơn 3 năm. 
Nếu  giải quyết đúng tố tụng thì Tòa không chỉ tránh được một vụ kiện mới mà còn có cơ sở để xử lý đúng đắn các tranh chấp giữa hai đương sự; thậm chí, một  vụ “chống người thi hành công vụ” có thể đã không xảy ra. 
Một yêu cầu, bên “rút”- bên “giữ”
Theo hồ sơ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Trần Văn Tụ (trú tại thôn Phong Châu, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì), ranh giới đất với nhà hàng xóm- ông Trần Văn Chuyền - là một đường thẳng. Nhưng sau khi ông Chuyền xây nhà, ranh giới này là một đường gấp khúc nên ông Tụ cho rằng đã bị ông Chuyền lấn chiếm 9m2 đất. 
Nói chuyện không được, ông Tụ đã cho người đào một hố đất (dài 6m, rộng 1m) trên đất của gia đình mình, gần móng nhà ông Chuyền vào tháng 8/2009. Thấy vậy, ông Chuyền đã có đơn khởi kiện đối với ông Tụ với 3 nội dung là: Giải quyết tranh chấp đất; yêu cầu lấp hố vì gây mất an toàn cho ngôi nhà và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tháng 4/2010, TAND huyện Ba Vì đã thụ lý đơn khởi kiện này và gọi đây là vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Ông Tụ bên phần đất mà ông cho rằng đã bị hàng xóm lấn chiếm
Ông Tụ bên phần đất mà ông cho rằng đã bị
hàng xóm lấn chiếm 
Trong quá trình chuẩn bị xét xử, ông Chuyền - với tư cách là nguyên đơn - đã lần lượt rút yêu cầu khởi kiện tranh chấp đất và đòi bồi thường, chỉ còn giữ yêu cầu “lấp hố”. Trong khi ông Chuyền rút yêu cầu thì trong các lời khai của mình tại phiên hòa giải cũng như tại hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, phía bị đơn (ông Tụ) đều cho rằng việc đào hố xuất phát từ tranh chấp đất và nhất định đề nghị Tòa phải giải quyết tranh chấp này, buộc gia đình ông Chuyền phải trả đất đã lấn chiếm. 
Tuy vậy, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào tháng 12/2010, bà Ngô Thị Thu Hường - Thẩm phán TAND huyện Ba Vì  - vẫn “phớt lờ” yêu cầu đòi đất của ông Tụ để giải quyết duy nhất một nội dung là “lấp hố” (gọi là “tranh chấp nghĩa vụ đảm bảo an toàn với công trình liền kề”). Cả hai cấp (sơ thẩm và phúc thẩm) đều buộc ông Tụ phải lấp hố đã đào để đảm bảo sự an toàn cho nhà ông Chuyền.
Tòa đã bảo vệ công trình lấn chiếm?
Một số luật sư cho rằng, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì diễn biến trước phiên tòa sơ thẩm như trên được coi là “người khởi kiện rút đơn khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình”. 
Do vậy, ngoài việc đình chỉ giải quyết đối với 2 yêu cầu đã rút của ông Chuyền, thẩm phán phải tiếp tục giải quyết yêu cầu phản tố của ông Tụ (về việc đòi ông Chuyền 9m2 đất lấn chiếm) và yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu không thể nhập yêu cầu của các đương sự này vào một vụ án thì để đảm bảo chính xác và đúng luật, Tòa cần phải giải quyết vụ tranh chấp đất, xác định ranh giới giữa 2 nhà trước; từ đó mới có cơ sở giải quyết một cách đúng đắn yêu cầu của ông Chuyền đối với ông Tụ trong việc lấp hố.
Thực tế, Tòa đã giải quyết yêu cầu lấp hố mà phớt lờ việc giải quyết tranh chấp đất; thậm chí Hội đồng xét xử cũng không hướng dẫn ông Tụ khởi kiện một vụ án mới để Tòa giải quyết yêu cầu đòi đất. Như vậy, phán quyết của Tòa đã không dựa trên những chứng cứ đầy đủ về quyền sử dụng nhà, đất của ông Chuyền; chưa khẳng định rõ công trình bị coi là ảnh hưởng này xây dựng trên đất hợp pháp của ông Chuyền hay xây trên đất lấn chiếm của bị đơn. Nếu đúng là nhà ông Chuyền xây dựng trên đất lấn chiếm thì công trình không hợp pháp này có được pháp luật bảo vệ? 
Hệ lụy từ việc “phớt lờ” yêu cầu của bị đơn và xét xử “vội vàng” trên không chỉ khiến cho phán quyết thiếu cơ sở mà còn làm cho tranh chấp đất giữa 2 nhà bị kéo dài. Đến cuối năm 2011, gia đình ông Tụ tiếp tục gửi đơn kiện, đề nghị TAND huyện Ba Vì giải quyết quan hệ tranh chấp mà Tòa này đã từng “lờ” đi trước đó (tức yêu cầu ông  Chuyền phải trả 9m2 đất đã lấn để xây nhà) nhưng không hiểu sao cho đến tháng 4/2013, TAND huyện Ba Vì mới thụ lý vụ án và đến nay vẫn chưa thể mở phiên tòa sơ thẩm? Trong khi đó, ông Tụ vẫn liên tục có đơn đề nghị TANDTC và VKSNDTC xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm 2 bản án đã từng “bảo vệ” công trình của ông Chuyền xây dựng trên đất lấn chiếm trước đây. 
Một bản án “lấp hố”, hai người vướng vòng lao lý
Tháng 9/2011, cơ quan Thi hành án dân sự đã tiến hành cưỡng chế thực hiện san lấp hố trong đất nhà ông Tụ thì gặp sự phản ứng chống đối của các con ông Tụ. Kết quả, con dâu và con trai ông Tụ là Bùi Thị Minh và Trần Văn Bách đã bị khởi tố, bắt giam về tội “Chống người thi hành công vụ”, mỗi người bị phạt 6 tháng tù giam. HĐXX sơ thẩm cho rằng, nguyên nhân của hành vi chống đối của bị cáo là do gia đình ông Tụ không đồng ý với bản án đã có hiệu lực của TAND huyện Ba Vì và TAND TP.Hà Nội; còn gia đình ông Tụ thì cho rằng việc phản ứng với đoàn cưỡng chế là do những phẫn uất trước bản án xử “lấp hố” có nhiều khuất tất, tạo điều kiện cho ông Chuyền được tiếp tục xây nhà trên đất lấn chiếm.

Đọc thêm