“Đại hồng thủy” lịch sử nhấn chìm hơn 80.000 nhà dân Quảng Bình

(PLVN) - Trận mưa lũ lớn chưa từng có trong lịch sử đã nhấn chìm hơn 80.000 nhà dân ở Quảng Bình, làm 3 người chết và 4 người bị thương. Hơn 9.000 người dân đã phải di dời khẩn cấp.
Hơn 80.000 nhà dân Quảng Bình bị nhấn chìm trong trận “đại hồng thủy” lịch sử.

Từ tối 17/10 đến nay, người dân ở các vùng bị ngập lụt liên tục gọi điện thoại và thông tin trên mạng xã hội để cầu cứu lực lượng chức năng, các đội cứu hộ địa phương đến giải cứu.

Huyện Lệ Thủy là địa phương bị ngập lụt nặng nề nhất khi có tới 30.000 nhà dân ở hầu hết các xã bị ngập, các xã bị ngập sâu từ 1 – 4m như: An Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, thị trấn Kiến Giang… có nơi ngập sâu. Nước lũ làm cô lập và chia cắt hầu hết các tuyến đường giao thông tại huyện này.

Những ngày qua, cuộc sống của nhiều hộ dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là trên mái nhà.

Chủ tịch UBND huyện này – ông Đặng Đại Tình cho biết, suốt đêm 18 và ngày 19/10, lực lượng công an, quân đội, biên phòng và chính quyền địa phương đã ròng rã thực hiện di dời khẩn cấp hàng ngàn người dân trong lũ dữ.

Tại huyện Quảng Ninh, gần 15.000 nhà dân cũng bị ngập ở hầu hết các xã. Một số xã nằm ven sông Long Đại như: Tân Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Xuân Ninh… bị ngập sâu, lũ vây tứ phía, chia cắt cục bộ. Toàn huyện này có 57 thôn, bản trên 11 xã bị cô lập chia cắt.

Thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) cũng bị lũ dữ bao vây. 

Huyện Quảng Trạch có gần 4.000 nhà dân với hơn 13.000 nhân khẩu ở các xã Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Thanh, Liên Trường, Cảnh Hóa… bị lũ ngập. Chính quyền địa phương đã phải di dời 153 hộ dân 503 khẩu đến nơi an toàn.

Trong khi đó, tại thị xã Ba Đồn trong sáng nay đã có hơn 23.000 nhà dân bị ngập lụt, những địa phương này đều nằm ở khu vực hạ lưu sông Gianh như: Quảng Văn, Quảng Trung, Quảng Minh, Quảng Lộc, Quảng Hải… Ngay từ tối 18/9, thị xã Ba Đồn cũng đã tổ chức di dời hơn 8.500 người dân đến các điểm tập trung như trường học, nhà thờ để tránh trú.

Bất lực để đồ đạc, tài sản ngâm trong nước lũ ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng  Trạch (Quảng Bình).

Còn tại các địa phương khác, như: huyện Bố Trạch có gần 10.000 hộ dân bị ngập lụt; huyện Minh Hóa có 1.080 nhà; Tuyên Hóa 3.482 nhà; TP Đồng Hới cũng có 1.239 nhà bị ngập.

Theo Công ty Điện lực Quảng Bình, tính đến trưa 19/10, toàn tỉnh đã có 1.349 trạm biến áp bị hư hỏng và 188.992/tổng số 274.803 khách hàng của công ty này đã bị mất điện.

Một em bé ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) phải ngồi trên tra (gác xép kê tạm sát nóc nhà) để tránh lũ. 

Trận “đại hồng thủy” lớn chưa từng có trong lịch sử của tỉnh Quảng Bình đã làm 2 người ở xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy) và 1 người ở xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh) tử vong; 4 người ở huyện Tuyên Hóa bị thương nặng.

Mưa lũ cũng đã làm sạt lở, ngập lụt chia cắt nhiều tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, nhánh Tây. Các tuyến đường liên huyện thị, liên xã ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, Quảng Trạch, TP Đồng Hới, thị xã Ba Đồn... đã bị chìm ngập trong nước sâu từ 0,5m đến 2,4m.

Đặc biệt, trên tuyến quốc lộ 15 khu vực Sơn Trạch - Hưng Trạch (Bố Trạch) có đoạn ngập sâu đến 3,5m, riêng tại ngầm Bùng Km562+200 ngập sâu đến 5,3m. Nhiều phương tiện lưu thông qua khu vực này bị ùn tắc, chết máy.

Hiện tất cả các tuyến đường hàng không, đường bộ, đường sắt đến địa phương này bị gián đoạn. Lũ lớn đã làm ngập, hỏng nền 5 km đường sắt tại các khu gian Mỹ Đức - Phú Hòa, Ngân Sơn - Thọ Lộc, Lệ Sơn- Minh Lệ và Đồng Chuối - Kim Lũ.

Lực lượng cứu hộ tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch di tản dân ra khỏi vùng nguy hiểm. 

Rạng sáng 19/10, xe khách BKS 43B – 024.54 chạy tuyến Đà Nẵng - Nam Định chở trên xe 18 hành khách, khi qua địa phận thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch) đã bị lũ cuốn trôi gần 100m. Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng Quảng Bình đã trắng đêm vượt lũ dữ thực hiện cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp. Rất may, toàn bộ hành khách trên xe đã được giải cứu an toàn.

Công an Quảng Bình vẫn khẩn trương tích cực trong công tác cứu hộ, cứu nạn nhân dân các vùng lũ nặng. 

Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên các con sông được dự báo tiếp tục lên nhanh. Sông Kiến Giang tại huyện Lệ Thủy có khả năng đạt đỉnh 5.20m trên báo động III tới 2,5m, vượt lũ lịch sử 1979 là 1.29m. Sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 9,2m trên mức báo động III tới 2.7m.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến đặc biệt nghiêm trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã quyết định tạm hoãn Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (dự kiến tổ chức từ ngày 21 - 23/10).

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng vượt lũ cứu trợ nhân dân. 

Theo ông Trần Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định tạm hoãn Đại hội để tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời phân công lực lượng tăng cường về các địa phương để chỉ đạo, hỗ trợ cứu hộ, đặc biệt là những nơi có ngập sâu, nguy hiểm.

Đọc thêm