Dân bị chiếm nhà, công an thờ ơ?

(PLO) - Sau khi mua và sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở, căn nhà hợp pháp của một cặp vợ chồng bị một nhóm người ngang nhiên cắt khóa chiếm giữ…
Cây hương được dựng trái phép trong nhà ông Sơn
Cây hương được dựng trái phép trong nhà ông Sơn
Nhà vừa mua, bị người khác đến “chiếm” 
Theo phản ánh của gia đình ông Trần Hồng Sơn, trú tại 177 phố Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vợ chồng ông Sơn tích cóp mua lại căn nhà 2,5 tầng tại số 2 hẻm 210/41/11, phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội của vợ chồng ông bà Vũ Hồng Thu, Nguyễn Mạnh Hùng. 
Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật, ngày 15/3/2013 vợ chồng ông Sơn được UBND quận Ba Đình cấp GCNQSDĐ số BN 371912. Niềm vui mua được nhà không được bao lâu khi chỉ một tuần sau đó (ngày 23/3/2013) lợi dụng lúc ông Sơn không có ở căn nhà trên, một số đối tượng đã phá khóa vào nhà cho người xây dựng cây hương, cúng bái, ăn ở, sinh hoạt trong căn nhà.
Ông Sơn đã đến Công an phường Đội Cấn cũng như Công an quận Ba Đình trình báo. Lực lượng chức năng đã có mặt nhưng sau khi lập biên bản sự việc thì Công an phường Đội Cấn bảo “cứ về đi”... trong khi các đối tượng vẫn “định cư” trong căn nhà của ông. Cũng theo ông Sơn, khó hiểu hơn khi các đối tượng chiếm giữ căn nhà của ông đã hơn một năm qua nhưng Công an phường Đội Cấn cũng như Công an quận Ba Đình vẫn không có biện pháp nào bảo vệ người bị chiếm nhà và xử lý đối tượng xâm phạm chỗ ở của người khác. 
“Sống giữa Thủ đô, bị người khác xâm phạm, chiếm giữ trái phép chỗ ở, lực lượng Công an đến rồi để các đối tượng ở đó. Công an quận Ba Đình điều tra, xử lý một vụ việc đã quá rõ ràng mà kéo dài hơn một năm liệu có điều gì bất thường?”- ông Sơn bức xúc.
Ông Sơn bất lực đứng nhìn căn nhà của mình bị chiếm giữ trái phép
Ông Sơn bất lực đứng nhìn căn nhà của mình
bị chiếm giữ trái phép
Công an địa phương nói gì?
Lý giải vì sao Công an phường không “mạnh tay” giải quyết vụ việc, Trung tá Đường Văn Phong, Phó trưởng Công an phường Đội Cấn cho rằng: “Vụ việc trên, Công an phường Đội Cấn không đủ thẩm quyền để giải quyết nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên Công an quận Ba Đình”. 
Còn Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng Công an quận Ba Đình cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã nhanh chóng vào cuộc, sự việc này tương đối phức tạp, hiện nay chúng tôi đang tích cực điều tra, xác minh làm rõ”.
Liên quan đến sự việc, được biết trước đó tại Văn bản số 118/UBND-VP ngày 25/4/2013, UBND phường Đội Cấn đã kết luận: “Việc chuyển nhượng, sang tên GCNQSDĐ của ông Trần Hồng Sơn là hợp pháp và việc các con của cụ Trương Thị Quyên (trong đó có ông Nguyễn Đắc Tiếp - PV) tự ý xây dựng cây hương trong nhà đất số 2 hẻm 210/41/11 phố Đội Cấn là trái phép. 
UBND phường Đội Cấn đã lập hồ sơ vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng và yêu cầu các con của cụ Trương Thị Quyên phải tự dỡ bỏ trước ngày 04/5/2013. Quá thời hạn trên, UBND phường sẽ phối hợp với các lực lượng có liên quan tiến hành cưỡng chế, dỡ bỏ phần vi phạm theo quy định của pháp luật... 
UBND phường Đội Cấn sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong việc sử dụng, sở hữu nhà đất tại số 2 hẻm 210/41/11 phố Đội Cấn của ông Trần Hồng Sơn”. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV, khi tìm đến căn nhà trên vào chiều 29/5 thì cây hương các đối tượng dựng trong nhà ông Sơn vẫn chưa được dỡ bỏ.
Như vậy, mặc dù các văn bản từ phía cơ quan chức năng đều khẳng định việc mua bán chuyển nhượng nhà đất, sang tên đổi chủ mảnh đất tại số 2 hẻm 210/41/11 phố Đội Cấn từ bà Vũ Hồng Thu sang tên vợ chồng ông Trần Hồng Sơn là đúng trình tự thủ tục, đúng pháp luật, nhưng đến nay vợ chồng ông Sơn vẫn không thể vào ngôi nhà hợp pháp của mình. 
Thiết nghĩ, Công an TP.Hà Nội cần chỉ đạo Công an Ba Đình vào cuộc tích cực hơn nữa để giải quyết dứt điểm vụ việc này. 
PLVN sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc này.

Đọc thêm