Dấu ấn ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng

(PLO) - Nhiều người dân ở Đà Nẵng ví von: Nhịp sống của Đà Nẵng hôm nay cũng như dàn đồng ca, trong đó một trong những người “lĩnh xướng” thành công nhất chính là ông Nguyễn Bá Thanh.

Một góc Đà Nẵng
Một góc Đà Nẵng

“Kiến trúc sư trưởng” phát triển đô thị

Tên ông Thanh gắn liền với những chương trình, quyết sách mang tính đột phá từ những ngày đầu chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997, Đà Nẵng thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng đường xá còn nhỏ hẹp, cư dân thưa thớt, nhiều quận huyện thuần nông. Chỉ sau một thời gian ngắn, với cương vị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Thanh đã tập trung mọi tâm huyết, sức lực, huy động sức mạnh người dân biến Đà Nẵng thành “hoàng tử” quyến rũ.
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhắc lại, đầu tiên phải kể đến bờ Đông sông Hàn với cảnh nhà nhếch nhác, người dân bao đời lênh đênh trên sông nước, đã được thay đổi hoàn toàn nhờ chiếc cầu quay sông Hàn nổi tiếng nối 2 bờ Đông - Tây vào năm 2000.
Tiếp nối, cầu Thuận Phước, chiếc cầu dây văng dài nhất miền Trung đến thời điểm này được đưa vào sử dụng cuối năm 2009. Rồi Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Tuyên Sơn, Cẩm Lệ, Hòa Xuân…đã giúp cho những vùng đất phía Đông, Nam Đà Nẵng được “đánh thức”.
Những ngôi nhà xiêu vẹo đã được thay bằng những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi. Những thân phận lên đênh sông nước đã được an cư lạc nghiệp, con cái của họ được đến trường. Quận Sơn Trà mọc lên những con đường đẹp. Tuyến đường ven biển Đà Nẵng nối từ bán đảo Sơn Trà đến Quảng Nam được ví là tuyến đường “5 sao” của miền Trung và trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Khu vực phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) được ông Thanh cho “giải tỏa trắng” để xây dựng khu đô thị sinh thái. Ngay trong những ngày đầu, dự án đã gặp không ít trở ngại, đích thân ông Thanh tổ chức buổi đối thoại với trên 1000 hộ dân nơi đây để tìm cách tháo gỡ vướng mắc. Và đến bây giờ, cả khu vực Hòa Xuân rộng trên 1000 hecta đã khoác lên mình chiếc áo mới khang trang, hiện đại.
Ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp gặp người dân để nghe bày tỏ tâm tư nguyện vọng
 Ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp gặp người dân để nghe bày tỏ tâm tư nguyện vọng
Riêng ở lĩnh vực giải phóng mặt bằng, dân quy hoạch lẫn “cò đất” ở Đà Nẵng vẫn còn nhắc lại chuyện ông Thanh có những việc làm “không giống ai” khiến họ “hết cách kiếm chác”. Khi giải phóng mặt bằng làm đường, ông chỉ đạo, phải lấy vào hai bên đường mới một khoảng không 30 - 50m. Nhiều kỹ sư quy hoạch hỏi nhau, rồi quay ra hỏi ông, ông bảo cứ làm đi rồi biết. Khi hình hài con đường hiện ra, khoảng không trên trở thành “đất vàng” được bán đấu giá công khai; nhà mọc lên từ những mảnh đất này, phố sá sầm uất, khang trang hẳn cũng nhờ những ngôi nhà có kiến trúc đẹp.
Làm Chủ tịch UBND TP trong 7 năm (1997 - 2003) và Bí thư Thành ủy 9 năm (2003 - 2012), dấu ấn ông Thanh không chỉ in đậm ở nhiều công trình trọng điểm mà ngay cả việc nâng cấp, mở rộng những tuyến đường trong khu vực nội thị. Đơn cử các tuyến đường Phan Thanh, Lê Duẩn, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Điện Biên Phủ… từ chật chội, nhếch nhác đã trở nên thông thoáng, hiện đại, văn minh. Nhiều người “tâm phục, khẩu phục” cho rằng, nếu ông Thanh không vận dụng tối đa chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; đích thân ngồi lắng nghe ý kiến người dân rồi giải thích, diễn giải thiệt hơn… thì “thành phố lấy đâu ra tiền mà làm cho nỗi”.
Cũng nhờ ông Thanh mà dân hai bên đường sẵn sàng hiến đất, không nhận tiền đền bù hoặc chỉ nhận hỗ trợ 1 phần kiến trúc cổng ngõ, tường rào. Đến thời điểm hiện tại, nhiều khu đô thị mới ở các quận, huyện vùng ven, như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang … đều mang đậm dấu ấn của người từng đứng đầu TP. Đà Nẵng này.
Chăm lo đời sống dân sinh
Ông Trí bộc bạch: “Sẽ không có gì ngạc nhiên khi từ các cụ hưu trí, đến các em thiếu nhi và những người lao động, buôn bán bình thường, những ngày này quan tâm đến sức khỏe của ông Thanh như quan tâm đến người thân của mình vậy. Lý do, vì ông còn những việc làm “chẳng giống ai” đều với mục đích, muốn thật sự mang lại nguồn sinh khí mới cho người dân, cho toàn thành phố”.
Ông Trí giới thiệu, Đà Nẵng được du khách xa gần ngưỡng mộ với chương trình “Thành phố năm không” được ông Thanh đưa ra. Đà Nẵng không có người đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của giết người. Sau đó, phong trào “Thành phố ba có” với những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi người dân “có văn hóa văn minh đô thị, có nhà ở và có việc làm”. Và kết quả thể hiện rõ khi Đà Nẵng sạch bóng người xin ăn, trên 10 nghìn hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, cán bộ công chức… đã được bố trí đất ở hoặc căn hộ chung cư.
Một góc Đà Nẵng
 Một góc Đà Nẵng
Trong cuộc họp UBND thường kỳ, nghe Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thông báo Đà Nẵng được một tổ chức của thế giới công nhận thành phố nằm trong Top 20 thành phố “sạch nhất thế giới”, ông Thanh đáp nhanh: “Chu cha nhếch nhác, hôi hám rứa, đô thị chi mà đô thị”.
Sự dí dỏm của ông cũng thể hiện lòng tự trọng của tất cả mọi người để phấn đấu: “Họ bầu rồi thì ráng cho tốt, chứ không mang tiếng lắm”. Tại buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ thành phố vào tháng 2/2012, ông Thanh cho rằng, dư luận cả nước hay nhắc đến Đà Nẵng, bởi thành phố “có khát vọng chứ không phải tham vọng”.
Chính khát vọng đã thúc đẩy ông luôn đi tìm giá trị mới của cuộc sống bằng những việc làm thiết thực mà ông suy nghĩ, tìm tòi ra. Từ chủ trương ở tất cả các bệnh viện lớn nhỏ trong thành phố, người ra vào đều được gửi xe không phải trả tiền, đến người nghèo mắc bệnh nan y, ông Thanh chủ trương chữa trị miễn phí thông qua việc mua cùng lúc 10 máy chạy thận; hay việc kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để xây dựng Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Phụ nữ…
Dấu ấn của ông Thanh in đâm trong lòng người dân Đà Nẵng còn được thể hiện qua những chính sách, việc làm táo bạo, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, như: đổi nón bảo hiểm kém chất lượng cho người dân bằng việc bán nón bảo hiểm đạt chất lượng chỉ có 100 nghìn đồng. Rồi đến việc đối thoại với những ông chồng bạo hành, đối thoại thanh thiếu niên hư, chậm tiến để cảm hóa. Ngoài ra, ông Thanh còn gặp gỡ những người từng có tiền án, tiền sự ra tù, để hỏi họ có khó khăn gì không. Khi nghe nhiều người đã nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, ông thẳng thắn hỏi lại:
“Ngay bây giờ thành phố cho các anh vay vốn, các anh có cam kết làm ăn lương thiện và hoàn trả vốn đúng kỳ hạn không?”. Mọi người đều xuýt xoa, mừng rõ. Từ đó, “Quỹ hoàn lương” ra đời và nhiều người đổi đời, đoạn tuyệt quá khứ, quay về nẻo thiện.
Đặc biệt, trong những kỳ họp HĐND TP, người dân Đà Nẵng đều chăm chú theo dõi việc ông chất vấn, “truy” đến cùng lãnh đạo các sở, ngành còn gây phiền hà cho dân hay làm chưa được việc.
Đến khi ra làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nhưng trong những lần về tiếp xúc cử tri trên cương vị Đại biểu Quốc hội, người dân vẫn ùn ùn kéo đến để nghe ông nói; những vụ việc đáng lẽ lãnh đạo các quận, huyện phải giải quyết nhưng người dân vẫn trông chờ đến ông. “Nói như vậy để hiểu rằng, dấu ấn ông Thanh không chỉ thể hiện ở những công trình, những chính sách mang tính đột phá mà nó còn nằm trong lòng của từng người dân Đà Nẵng”, ông Trí nói./.

Đọc thêm