Hành trình 16 năm tạo vắc xin của nữ bác sĩ bé nhỏ

(PLO) - Tại Việt Nam đã từng có một loại vắc xin phòng tiêu chảy ra đời góp phần đưa nền khoa học, y học nước ta sánh ngang tầm với thế giới. Nhưng ít người nghĩ rằng, người tạo ra thành tựu kỳ diệu đó lại là một người phụ nữ nhỏ bé, giản dị... 
Từ 16 năm mày mò 
Người phụ nữ đó là PGS. TS Lê Thị Luân (SN1962) - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế. Thời điểm BS Luân nhận bằng Tiến sỹ Y học cũng là lúc bệnh dịch tiêu chảy ở trẻ em bùng phát dữ dội ở nước ta, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phía Bắc. Chị Luân cho biết, trẻ bị tiêu chảy thành dịch thường xảy ra vào mùa đông ở miền Bắc với các triệu chứng nôn, sốt, tiêu chảy, mất nước…, điều trị kháng sinh không có kết quả, phải truyền dịch để điều trị. 
Chị Luân (người ngồi giữa hàng dưới) tham gia đào tạo kỹ thuật sản xuất vắc xin.
 Chị Luân (người ngồi giữa hàng dưới) tham gia đào tạo kỹ thuật sản xuất vắc xin.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới về giám sát bệnh tiêu chảy do virut rota tại Viện Nam, Bộ Y tế đã làm cuộc giám sát khẩn cấp về dịch bệnh. Kết quả giám sát bệnh 3 năm cho thấy nguyên nhân tiêu chảy do virut rota chiếm tỷ lệ rất cao, hơn 50% tỷ lệ các cháu vào viện và kết quả phân tích chủng lưu hành gây bệnh chủ yếu tại nước ta. 
Từ những kết quả này, các chuyên gia trong nước đã trao đổi với các chuyên gia Mỹ giúp đỡ nghiên cứu sản xuất vắc xin này từ chủng của nước ta. Đây là ý tưởng được các chuyên gia quốc tế ủng hộ và giúp đỡ về kỹ thuật trong tạo hệ thống chủng giống vắc xin và năm 2001 là dấu mốc cho việc nghiên cứu vắc xin này bằng việc mang mẫu bệnh phẩm Việt Nam sang Mỹ tạo chủng.
Là một trong những thành viên chính của nhóm nghiên cứu, TS. Lê Thị Luân đã dồn hết tâm sức và trí lực của mình cho việc nghiên cứu để tạo ra hệ thống chủng giống để phục vụ cho việc sản xuất vắc xin phòng tiêu chảy cho trẻ em sau này. Phải mang mẫu bệnh phẩm sang tận nước Mỹ xa xôi để tạo chủng đã là khó khăn. Còn gian nan gấp ngàn lần khi bắt tay vào nghiên cứu, nhóm nghiên cứu phải vất vả chọn lọc tới hàng nghìn chủng ban đầu mà vẫn không tìm được chủng nào thích hợp trên nuôi cấy tế bào. Phải đến khi dùng kỹ thuật tách dòng, tách từng hạt virut riêng rẽ mới chọn được dòng virut với tất cả những đặc tính cho ứng cử viên sản xuất vắc xin. Quá trình này kéo dài ròng rã 4 năm trời.
Cuối cùng, Công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2005 mang tên: “Nghiên cứu tạo chủng virut rota làm chủng dự tuyển cho chế tạo vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam” đã được nghiệm thu với kết quả xuất sắc. Sản phẩm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam chủ động tạo nguồn nguyên liệu  cho sản xuất vắc xin cập nhật quốc tế không cần phải đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại. 
Đến thành quả để đời
Vắc xin Rota đã nhanh chóng được sản xuất và đưa ra thị trường cho trẻ uống từ tháng 8/2012 trên toàn quốc. Tới nay trên cả nước đã sử dụng được gần 100.000 liều, quá trình sử dụng chưa có trường hợp nào phàn nàn về chất lượng. Thành công này đã khẳng định một lần nữa Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế. Công trình này đã đem lại hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao, góp phần làm giảm từ 5.300-6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut Rota...
Cùng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, vị nữ TS. BS này cũng rất say mê với việc chăm sóc gia đình. Với chị, “đây là niềm hạnh phúc sau khi rời nhiệm sở”. Và, còn vinh dự nào hơn khi đúng vào ngày trọng đại nhất của phụ nữ - Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2014, chị được nhận Giải thưởng Kovalevskaia – giải thưởng cao quý nhất dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc. 

Đọc thêm