Hành trình vượt mọi định kiến của hoa khôi thể thao Hà thành một thời

(PLO) - Đã 70 tuổi nhưng bà vẫn đẹp nền nã. Dù được đánh giá là một phụ nữ “rất Hà Nội” trong từng cử chỉ, ánh nhìn, nhưng ở bà vẫn có một “nét riêng” đặc biệt. Đó là sự mạnh mẽ, dạn dĩ của người chơi thể thao, cả một đời cống hiến cho nền thể thao nước nhà.
Đã 70 tuổi nhưng bà An vẫn đẹp nền nã.
Đã 70 tuổi nhưng bà An vẫn đẹp nền nã.
Vượt qua định kiến để đến với thể thao
Bà Nguyễn Hoàng An (SN 1944, hiện đang sống tại khu vực sân vận động Quần Ngựa) là con gái Hà Nội chính gốc. Có lẽ vì thế, ở bà toát lên một vẻ thanh lịch, đài các đặc biệt. Nhưng ngoài nụ cười tươi như “mùa thu tỏa nắng”, bà còn phá bỏ quan niệm, định kiến về người phụ nữ Hà thành xưa khi cả đời cống hiến cho nền thể thao nước nhà dưới vai trò của một vận động viên rồi huấn luyện viên. Ngắm nhìn bà, để thấy rằng phụ nữ không chỉ là sự duyên dáng, hiền lành mà còn là sự mạnh mẽ, dám sống hết mình với đam mê.
Cho đến giờ, bà đã trải qua rất nhiều thời khắc của lịch sử thể thao nước nhà, từ cơn bĩ cực cho đến giây phút huy hoàng. Ban đầu, bà là vận động viên điền kinh. Sau này, bà phấn đấu trở thành huấn luyện viên ở nhiều bộ môn khác nhau như bơi lội, bóng đá... Nhưng để làm được như vậy, bà đã phải vượt qua rất nhiều rào cản, định kiến về việc con gái chơi thể thao lúc bấy giờ.
Ngay từ nhỏ, bà không chỉ học tốt các môn văn hóa mà còn tỏ ra có năng khiếu đặc biệt ở các môn thể thao như bóng chuyền, bơi lội, nhảy xa. “Nhưng đó đều là các môn thể thao của con trai. Con gái thời đó ít ai dám chơi và dám thích, bởi đã bị bó buộc vào quan niệm phận gái liễu yếu đào tơ, dịu dàng, thục nữ” - bà An cười nhớ lại.
Tuy nhiên vì đam mê, trong cuộc thi điền kinh của học sinh, sinh viên toàn miền Bắc (năm 1958), bà An mạnh dạn xin phép được tham gia. Không ngờ, cú nhảy ngoạn mục đoạt ngôi vô địch trong giải thể thao đó đã đưa bà từ một cô bé ngây thơ, cá tính 14 tuổi đến với con đường thể thao chuyên nghiệp.
Bà được chọn vào Trường huấn luyện thể dục thể thao Trung ương. Bà kể lại: “Thời kỳ ấy ngành thể dục thể thao nước ta còn hết sức non trẻ, trang thiết bị luyện tập thiếu thốn. Vậy mà mấy đứa trẻ bọn tôi vẫn hăng say luyện tập không biết mệt. Lúc đó vẫn chưa ý thức được đam mê rồi màu cờ sắc áo là gì, cứ thích là lao vào luyện tập thôi”. 
Nghị lực, lòng say mê cùng năng khiếu và công sức khổ luyện đã đưa cô bé 14 tuổi đến những thành công lớn như kỷ lục nhảy xa, kỷ lục thể thao phối hợp nhiều môn của nữ... Không lâu sau đó, bà được chọn vào Đội tuyển quốc gia, tích cực luyện tập dưới sự dìu dắt của nhiều chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc. 
Tuổi trăng tròn, bà đẹp mặn mà. Bà cao 1m60, nước da trắng nõn, khuôn mặt trái xoan, nụ cười duyên dáng để lộ hàm rằng đều hạt bắp khiến ai nhìn cũng phải mê đắm. Đặc biệt, ở bà người ta còn thấy được nét đẹp pha trộn giữa sự khỏe khoắn, sức sống căng tràn của tuổi trẻ cùng với vẻ nhã nhặn, đài các vốn có của người con gái Hà thành. 
Nhưng ở thời điểm này, niềm đam mê của bà vấp phải nhiều thử thách. Bố mẹ, người thân muốn bà theo học Trường Đại học Ngoại thương. Bạn bè cùng trang lứa lại muốn bà ra trận, nơi hàng ngàn trai, gái đang chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập nước nhà. Tuy vậy, bà vẫn quyết chọn thể thao, bởi với bà đây là “màu cờ sắc áo”, cũng là một mặt trận khốc liệt cần sự khổ luyện chiến đấu, hy sinh và nếu chiến thắng, đất nước sẽ được “mở mặt” với thế giới ở một góc độ nào đó.
Trở thành vận động viên của Đội tuyển quốc gia, bà tập luyện hăng say. Với bà, giờ đây thể thao không đơn giản là niềm yêu thích nữa mà nó là một nhiệm vụ phải hoàn thành. Năm 1963, bà cùng toàn đội đi dự Đại hội thể thao ở Inđônêxia. Là thành viên của Đội tuyển điền kinh nhưng bà lại bất ngờ đem về tấm Huy chương Đồng quý giá ở bộ môn bơi lội. Tấm huy chương đó sau này được các chuyên gia thể thao đánh giá: “Nó không chỉ đánh dấu sự thành công của thể thao Việt Nam mà còn giúp các nước trên thế giới biết đến Việt Nam, một quốc gia độc lập có tên trên bản đồ thế giới, có khả năng về thể dục, thể thao”.
Bà Hoàng An thời trẻ.
Bà Hoàng An thời trẻ. 
Người truyền lửa cho các thế hệ sau
Chính bởi nhiệt huyết với thể thao luôn chảy trong huyết quản nên những năm tháng sau này, dưới vai trò người thầy, bà dễ dàng truyền được ngọn “lửa nghề” cho các thế hệ vận động viên đi sau.
Năm 1969, sau hơn 10 năm làm vận động viên, bà vào học tại Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh). Ra trường năm 1971, bà chính thức trở thành Huấn luyện viên điền kinh. Dưới sự huấn luyện của bà, hàng loạt gương mặt trẻ đã trưởng thành như: Trần Thanh Vân (vô địch cự ly 100m nữ cuối những năm 70), Hoàng Kim Cúc (vô địch đẩy tạ), Nguyễn Bích Vân (nhảy ba bước)…
Trong các học trò của mình, bà ấn tượng đặc biệt với vận động viên Vũ Bích Hường (vô địch 100m rào tại SEA Games 18, năm 1995), người đã đổi màu “vàng” cho tấm huy chương của điền kinh Việt Nam. Bà kể lại: “Trong giờ phút Hường thi đấu, tôi đã lén xuống sát đường chạy để cổ vũ con bé. Nhận thấy Hường xuất phát tốt, tôi hô to : “Tốt, con ơi. Lá cờ Tổ quốc trong tim”. Con bé hào hứng, băng băng lao về đích. Cô trò lịm đi vì sung sướng vì cuối cùng, lá cờ Việt Nam cũng được kéo lên vị trí cao nhất”.
Với bà An, có lẽ cái gì cũng bắt đầu bằng hai chữ “đầu tiên”. Điều đặc biệt nhất trong số đó, bà là “bảo mẫu” đầu tiên của Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, cũng là người dẫn dắt đội bóng giành được tấm Huy  chương vàng đầu tiên trong kỳ SEA Games. 
Bà kể, năm 2001 bà bất ngờ nhận được đề nghị của lãnh đạo Ủy ban Thể dục thể thao, giúp đỡ Đội tuyển bóng đá nữ trong vai trò HLV thể lực. Sau đó, bà không chỉ giúp các “cô gái vàng” có thể lực tốt mà còn là chiếc cầu nối giữa các thành viên Ban huấn luyện với các nữ cầu thủ để giải tỏa những khúc mắc tâm lý của các học trò… SEA Games năm ấy, lần đầu tiên các cô gái vàng của bóng đá nữ Việt Nam chơi với thể lực hoàn hảo và đánh bại mọi đối thủ, giành được tấm huy chương vàng đầu tiên.
Nhan sắc khó phai của bà Hoàng An.
Nhan sắc khó phai của bà Hoàng An. 
Nhiều người thắc mắc, bí quyết nào giúp bà An huấn luyện được nhiều nhân tài như vậy. Bà chỉ cười hiền: “Mỗi vận động viên giống như một tác phẩm nghệ thuật, người làm huấn luyện giống như nghệ nhân, nhào nặn, rèn luyện, giúp tác phẩm nghệ thuật ấy sáng như hòn ngọc”. Bà bảo, người “thầy” thể thao không chỉ giữ vai trò la hét, quát tháo, bắt học trò luyện tập theo ý mình mà phải hiểu được tâm lý của từng người, cổ vũ động viên bằng những lời ngọt ngào, ánh mắt âu yếm, để họ cảm nhận được tình yêu thương của người thầy mà như người mẹ”.
Mạnh mẽ, sâu sắc và sống hết mình với thể thao là vậy nhưng ít ai biết rằng, bà Hoàng An cũng từng có một thời trẻ mộng mơ, yêu say đắm và lãng mạn. Trong sự nghiệp, bà chọn thể thao, còn trong tình yêu, bà chọn ông Tô Hiền (cựu cầu thủ bóng đá). Đôi trai tài, gái sắc giữ kín tình yêu trong suốt 10 năm, cho đến ngày vào học tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn, ông mới dám ngỏ lời. 
Mang trong mình bản chất của người phụ nữ Hà thành, đảm đang, hết lòng vì chồng con, bà An vẫn hoàn thành nghĩa vụ của một huấn luyện viên. Vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ bà bỏ một buổi luyện tập nào, bởi với bà, thể thao là cả cuộc đời. 
Dù ở vị trí vận động viên hay huấn luyện viên, bà Hoàng An vẫn luôn cống hiến hết mình cho thể thao nước nhà. Đến giờ, dù đã lui về hậu trường, bà vẫn dõi theo từng bước phát triển của điền kinh Việt Nam. Thi thoảng bà vẫn tự đi xe máy vào sân vận động Mỹ Đình xem vận động viên thi đấu để tìm lại cái cảm giác xưa. Vẫn khuôn mặt phúc hậu và nụ cười tỏa nắng, người phụ nữ Hà thành bộc bạch: “Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn điền kinh”. 

Đọc thêm