Phải cho báo chí kiện ra tòa nếu bị né cung cấp thông tin

(PLO) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, thực tiễn hoạt động báo chí có nhiều vấn đề đã “vượt ra ngoài các qui định của pháp luật”, bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại nên cần sửa đổi Luật Báo chí để khắc phục.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, đại diện nhiều cơ quan báo chí và các luật gia tham gia tọa đàm góp ý Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sáng qua (26/6) thấy nhiều qui định trong Dự thảo cần được mang “hơi thở” đời sống báo chí nhiều hơn nữa mới tạo điều kiện cho hoạt động báo chí  phát triển phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Tổng Biên tập là “chức danh đặc thù”
Đa số ý kiến không thống nhất với qui định về người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc/Giám đốc như Dự thảo vì khiến cơ quan báo chí “mang hơi hướng doanh nghiệp” trong khi không nhiều ý kiến đồng thuận với  việc qui định “cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện”.
Hơn nữa, theo đại diện nhiều cơ quan báo chí, qui định như vậy là học tập kinh nghiệm nước ngoài để “đón đầu” việc hình thành các tập đoàn báo chí với nhiều loại hình hoạt động, nhưng quản lý báo chí ở Việt Nam có đặc thù là các cơ quan báo chí đều có “cơ quan chủ quản” nên không cần “một ông chủ bút” của cơ quan báo chí.
Quan trọng là chức danh Tổng Biên tập (TBT) được hình thành từ lâu và là “đặc thù của nghề báo” nên TBT Báo Lao động & Xã hội Nguyễn Thành Phong đề nghị dự thảo Luật chỉ qui định về người đứng đầu một số cơ quan báo chí đặc thù là Tổng Giám đốc/Giám đốc, còn lại giữ nguyên chức danh TBT như hiện nay.
Bên cạnh đó, qui định “một người chỉ được đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, TBT, Phó TBT tại một cơ quan báo chí”, theo nhận xét của đại diện một số cơ quan báo chí là không phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí. TBT Báo Khoa học và Đời sống Nguyễn Minh Quang cho biết, mặc dù mỗi cơ quan báo chí hiện chỉ có một TBT nhưng thực tế có nhiều TBT đang là TBT của nhiều ấn phẩm thuộc cơ quan báo chí đó.
Không cho “né cung cấp thông tin cho báo chí”
Trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí cũng là một nội dung được nhiều báo chí quan tâm nhất. Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật, qui định về nội dung này còn “nhạt”. Từ thực tế vẫn có tình trạng “né tránh cung cấp thông tin cho báo chí”, ông Vũ Thế Lân – nguyên Trưởng ban Chính trị xã hội Báo Nhân dân thấy rằng, cần qui định chế tài về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu “né tránh cung cấp thông tin cho báo chí”.
Nhận xét qui định cung cấp thông tin cho báo chí theo Luật “quá lạc hậu”, ông Trần Hoàng Hưng  - Phó TBT Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho rằng, qui định này cần được mở rộng để tương thích với yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay. 
Quyết liệt hơn, ông Nguyễn Minh Quang kiến nghị Dự thảo Luật cần qui định cho cơ quan báo chí được “kiện ra tòa” nếu cơ quan có thẩm quyền không trả lời ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến mới đảm bảo trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân để giải quyết tình trạng “chậm trễ” trả lời báo chí.
Cộng tác viên (những người hoạt động báo chí nhưng không làm việc ở cơ quan báo chí) là lực lượng quan trọng không kém lực lượng phóng viên của các cơ quan báo chí nên nhiều ý  kiến thấy rằng Dự thảo Luật cần có qui định để cấp thẻ hành nghề cho họ. “Nhưng để tránh cấp thẻ tràn lan, đại trà thì cần kèm theo các qui định ngặt nghèo về số lượng tin, bài được sử dụng, được đa số phóng viên trong cơ quan đồng ý…”,   ông Lê Xuân Sơn – TBT Báo Tiền Phong đề nghị.

Đọc thêm