Mới 10 tuổi đầu, bé Thúy (con của anh chị Tư – Lưu) đứng bơ vơ ngoài cửa giữa mùa đông giá lạnh mà không hiểu tại sao bố mẹ lại đối xử với mình như thế…
Vì tình yêu mới, bố mẹ luân phiên nuôi con
Ngày hai vợ chồng ra tòa ly hôn, bé Thúy mới gần 3 tuổi nên đương nhiên được ở với mẹ. Dắt con ra khỏi tòa, chị Lưu tuyên bố: “Nếu tòa mà tuyên con ở với bố thì có chết cũng phải đòi con lại. Con ở với cha chẳng sớm thì muộn cũng bị dì ghẻ hành”. Thế nhưng thực tế nuôi con của chị Lưu lại không như lời chị nói.
Sau 2 năm ly hôn, chị Lưu lấy chồng khác. Ông bố dượng không có thiện cảm với con riêng của vợ nên chị Lưu đành tìm đến chồng cũ lúc này vẫn đang độc thân, ngọt nhạt đề nghị nuôi con hộ. “Máu chảy ruột mềm” nên tất nhiên anh Tư đồng ý. Bé Thúy lục tục chuyển từ nhà mẹ sang nhà bố, tập làm quen với cuộc sống mới vắng mẹ.
Nuôi con được 3 năm thì anh Tư quyết định lấy vợ. Cũng như ông bố dượng, bà mẹ kế này không hề muốn có sự hiện diện của bé Thúy trong nhà. Thế là lại có cuộc thương lượng ngược lại, lần này là của anh Tư với chị Thúy để… “nhờ” mẹ nuôi con. Sau nhiều lần bàn bạc với nhau và với những người bạn đời mới, anh Tư và chị Thúy đạt được thỏa thuận: mỗi người sẽ nuôi con một tháng, để cùng chia sẻ trách nhiệm và khỏi “làm phiền” ông bố dượng, bà mẹ kế. Thế là cứ một tháng, bé Thúy lại lục tục dọn quần áo từ nhà bố sang nhà mẹ hoặc ngược lại.
Được một thời gian, không hiểu nghĩ thế nào, người vợ mới của anh Tư ra tối hậu thư cho chồng: hoặc chọn vợ hoặc chọn con riêng. Và thế là xảy ra cảnh vừa nhác thấy bóng của vợ cũ chở con đến theo đúng hạn, anh Tư vội gọi người giúp việc đóng cửa lại và dặn nói anh đi vắng cũng như không được cho đứa trẻ vào nhà. Còn chị Lưu, vợ cũ của anh Tư cũng thừa biết “trò né” của chồng nên dặn con cứ đứng đợi bố trước cửa, rồi phóng xe đi mất, vì chồng mới không cho phép chị nuôi con lâu hơn thỏa thuận.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Bảo vệ trẻ em và cảnh báo cha mẹ
Câu chuyện này người viết bài tình cờ nghe được từ cán bộ làm công tác gia đình trong chuyến đi công tác địa phương ở tỉnh H. Cũng theo cán bộ này kể lại, ông bà ngoại bé Thúy khi biết tin cháu mình sống cảnh lay lắt nay nhà bố mai nhà mẹ đã tức tốc lên tìm cháu. “Hai bác ấy kể với tôi là khi thấy con bé gầy rộc, ngơ ngác, đã ôm cháu bật khóc và mang luôn cháu về quê. Họ tìm tôi để hỏi phải làm thủ tục gì để được nuôi cháu.” – người cán bộ kể lại.
Vào thời điểm ông bà ngoại của bé Thúy đặt câu hỏi, Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) năm 2000 vẫn đang có hiệu lực và theo đó, Luật quy định chỉ bố mẹ mới có quyền và nghĩa vụ đối với con cái trước và sau thời kỳ hôn nhân. Việc này sẽ không được chuyển giao cho ai khi bố, mẹ vẫn còn năng lực dân sự. Quy định có phần hạn hẹp này chính là căn nguyên nỗi lo lắng trong thời gian dài của những người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em - Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), luật pháp các nước quy định rất cụ thể quyền và nghĩa vụ của bố mẹ đối với con cái. Nếu bố mẹ không đủ tư cách để chăm sóc, giáo dục con cái thì sẽ bị tước quyền nuôi con bất kể trong thời kỳ tồn tại hôn nhân hoặc sau ly hôn. Theo đó, trẻ sẽ được giao cho người thân trong gia đình có đầy đủ điều kiện, tư cách để nuôi dưỡng trẻ hoặc trẻ sẽ được đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Vì vậy, mọi quyền lợi và nghĩa vụ của trẻ được bảo vệ.
Còn Luật HN-GĐ năm 2000 vẫn bắt buộc bố mẹ có trách nhiệm, nghĩa vụ chính với con cái (trừ trường hợp bố mẹ mất năng lực dân sự) khiến nhiều đứa trẻ không được bảo vệ, chăm sóc đầy đủ khi bố mẹ ly hôn. Tình trạng ly hôn liên tục tăng trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây, nhiều đứa trẻ cũng vì thế bị bỏ bê. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy trẻ vào con đường phạm pháp, làm cho tội phạm vị thành niên không ngừng gia tăng.
Khi xây dựng Luật HN-GĐ năm 2014, vấn đề này đã được các nhà làm luật lưu tâm. Và các quy định trong điều luật về vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đã có nhiều bổ sung mới. Cụ thể, bên cạnh quy định cũ về căn cứ để thay đổi như cha mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con…,“trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự” theo Khoản 4 Điều 84 Luật HN-GĐ năm 2014. Như vậy, theo quy định của luật, cha mẹ sau ly hôn mà bỏ bê, trốn tránh trách nhiệm nuôi dưỡng con cái sẽ bị truất quyền làm cha mẹ.
Đánh giá về thay đổi này, TS Nguyễn Văn Cừ - Trưởng Khoa Pháp luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội cho rằng quy định đã đạt được hai mục đích lớn đó là vừa bảo vệ quyền và lợi ích của đứa trẻ, đồng thời qua đó cảnh báo những bậc làm cha mẹ bỏ bê trách nhiệm của mình sẽ bị truất quyền nuôi con hợp pháp./.