Giảm nhẹ các hình phạt tù
Tại hội thảo, các ý kiến nêu ra xoay quanh vấn đề cần thiết việc giảm nhẹ các hình phạt tù và áp dụng biện pháp phạt tiền, phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đối với đối tượng là NCTN. Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm; hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm… là những định hướng cơ bản, mang tính nhân văn sâu sắc đã được Đảng và Nhà nước ta xác định trong Chiến lược cải cách tư pháp và Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020.
Theo ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đây là đối tượng rất nhạy cảm, quy định chính sách đối với đối tượng này rất khó, cần đưa ra nghiên cứu lỹ lưỡng hơn; phải phân tích xem hai biện pháp giáo dục pháp luật và đưa vào trại giáo dưỡng có kết quả như thế nào, sau khi thi hành xong bản án thì những người vi phạm mức độ hoàn lương, vi phạm, tái phạm như thế nào. Tổng kết xem thử cái nào làm được, cái nào không để tìm ra nguyên nhân mới sửa được các chính sách hình sự.
Đồng quan điểm, PGS.TS Dương Tuyết Miên – Giám đốc Trung tâm Tội phạm học, Trường Đại học Luật Hà Nội phân tích: NCTN là người chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, chưa thể nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình đã thực hiện. Nhận thức của họ thường non nớt, thiếu chín chắn, dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo bởi bạn bè xấu hoặc người xung quanh. Đặc biệt, kinh nghiệm sống và khả năng kiềm chế của NCTN còn hạn chế nên việc phạm tội của họ thường là bột phát, nhất thời. Nhìn chung, NCTN là đối tượng có thể bị tác động dễ dàng hơn từ môi trường so với người đã thành niên.
Còn ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ: Chính sách hình sự không thể đặt ra ngoài những chính sách vĩ mô chung, nó có liên quan mật thiết đến những vấn đề xã hội, những chủ trương, đường lối… của Nhà nước ta. Chúng ta đang đứng trước một thách thức lớn đó là nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách pháp luật đối với đối tượng là NCTN.
Hiện đang có một xu hướng rất đáng buồn là “trẻ hóa” trong nhà tù và các đối tượng phạm tội, dư luận quần chúng nhân dân đang hết sức bức xúc với đối tượng phạm tội là NCTN và mong muốn phải nghiêm trị những đối tượng này.
Cũng theo ông Quyền, Nhà nước ta đã tham gia nhiều công ước quốc tế, trong đó có Công ước về quyền con người; Công ước bảo vệ trẻ em, bảo vệ thiếu nhi… đòi hỏi chúng ta phải dân chủ hóa và tìm các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất có thể việc trừng trị NCTN; đồng nghĩa với việc chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn, một mặt về vấn đề xã hội, một mặt về vấn đề quốc tế… Khi nghiên cứu xem xét chính sách hình sự thì phải đặt trong một tổng thể những thiết chế khác. Xu hướng của chúng ta đang giảm mức hình phạt, kể cả đối với NCTN. Chế tài hình phạt không phải là cứu cánh của mọi vấn đề. Đặc biệt, đối với NCTN thì việc áp dụng hình phạt có thể để lại những mặt trái nặng nề. Tuy nhiên, giảm trừng phạt phải đi đôi với tăng giáo dục.
Đề cao giáo dưỡng
Theo ông Nguyễn Công Hồng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, xuất phát từ quan điểm NCTN là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh, luật hình sự không chỉ coi NCTN phạm tội là đối tượng cần trừng trị mà còn coi họ là nạn nhân của môi trường xã hội không lành mạnh.
Chính vì vậy, khi xử lý hình sự đối với những đối tượng này cần phải được xem xét, cân nhắc trong mối quan hệ hai mặt. Họ vừa là chủ thể của hành vi phạm tội, vừa là nạn nhân của môi trường xã hội. Do vậy, việc xem xét trách nhiệm pháp lý của họ luôn phải được đặt trong mối quan hệ với trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.
Mục đích của việc xử lý NCTN có hành vi nguy hiểm cho xã hội là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý và áp dụng các biện pháp hình sự đối với họ phải được cân nhắc để đảm bảo được mục đích giáo dục, uốn nắn, răn đe những hành vi lệch lạc làm cho họ thấy rõ được sai phạm của mình và tự giác sữa chữa với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường, bạn bè và xã hội.
Hệ thống chế tài xử lý đối với đối tượng NCTN phạm tội, các biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa, áp dụng với NCTN phạm tội bao gồm: giáo dục tại xã phường, thị trấn và đưa vào trại giáo dưỡng. Ngoài ra, NCTN phạm tội còn có thể bị áp dụng các biện pháp tư pháp như: tịch thu tang vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi, bắt buộc chữa bệnh.
Hình phạt được coi là biện pháp cuối cùng khi các biện pháp giáo dục, phòng ngừa khác không đảm bảo tính giáo dục răn đe, phòng ngừa và tính nghiêm minh cần thiết. Hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với NCTN từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Đây là loại hình phạt nhẹ nhất, không có yếu tố định lượng (thời hạn, mức tiền) mà là hình thức khiển trách công khai tại tòa, biểu thị thái độ lên án nghiêm khắc của Nhà nước, của xã hội đối với hành vi phạm tội và người phạm tội nhằm giáo dục NCTN phạm tội ý thức tôn trọng pháp luật và răn đe họ không phạm tội mới, Hội đồng xét xử tuyên phạt tại tòa và kể từ thời điểm đó coi như người bị kết án đã chấp hành xong bản án.
Đối với hình thức phạt tiền, là biện pháp lần đầu tiên được áp dụng đối với NTCN phạm tội ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Hình phạt tiền mang tính cưỡng chế tước bỏ lợi ích vật chất (một khoản tiền nhất định) nhằm buộc người phạm tội phải có ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng các quy tắc, trật tự công cộng, quản lý xã hội.
Hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt không tước quyền tự do, không cách ly NCTN phạm tội ra khỏi môi trường xã hội bình thường, nhưng nghiêm khắc hơn so với hình phạt cảnh cáo và phạt tiền. Hình phạt này ngoài việc tác động đến danh dự, ý thức thì nó còn hạn chế tự do cá nhân của người phạm tội, buộc phải tuân thủ một chế độ quản lý giáo dục tương đối nghiêm khắc dưới sự giám sát giáo dục của cơ quan, tổ chức.