Dấu hiệu vi phạm luật pháp trong vụ sa thải “vô tội vạ” người lao động

(PLO) - Sau một năm làm việc cật lực, chị Phan Thị Thanh Nga hết sức bất ngờ khi nhận được thông báo tạm đình chỉ công việc, ngay sau đó là những biên bản làm việc và quyết định sa thải (chấm dứt hợp đồng – PV )hết sức vô lý từ phía công ty. 
Ông Lê Trọng Thưởng làm việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam
Ông Lê Trọng Thưởng làm việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam
Băn khoăn không biết công ty căn cứ vào đâu để kỷ luật mình và tự hỏi liệu quyền lợi của người lao động được quy định như thế nào, chị Nga đã gửi đơn đến Báo Pháp luật Việt Nam mong được tư vấn và giúp đỡ.
Tiếng kêu của người lao động
Theo đơn gửi tới Báo Pháp luật Việt Nam, chị Phan Thị Thanh Nga (ngụ tại số 1 Thượng Đình – Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Ngày 24/1/2013 chị có ký kết hợp đồng lao động với Công ty TNHH J&J Vina (địa chỉ ĐKKD tại 38 Phan Đình Phùng – Ba Đình -  Hà Nội). Trong hợp đồng ghi rất rõ ràng việc tuân thủ theo đúng quy định về lao động của pháp luật Việt Nam. Thế nhưng ngày 04/08/2014, ông Giám đốc Công ty J&J (tên viết tắt - pv) đã sa thải chị Nga mà không có văn bản, không tổ chức họp kỷ luật và thậm chí không đưa ra bất kỳ lí do nào liên quan đến việc sa thải.
Chị Nga cũng trao đổi thêm, sau khi sự việc xảy ra, chị đã có thư gửi ông Giám đốc yêu cầu phải tiến hành xử lý kỷ luật hay sa thải đúng theo quy định của pháp luật. Tiếp đó Công ty J&J cử ông Lê Duy Thưởng làm đại diện tiến hành giải quyết sự việc trên. Tuy nhiên mọi hình thức và cuộc họp mà ông Thưởng chỉ đạo đều hết sức chung chung và kết quả chị Nga vẫn bị sa thải mà không có lí do xác đáng. 
Thậm chí khi có thông báo tạm đình chỉ công tác thì phía Công ty J&J đã cắt toàn bộ tiền lương và từ bỏ trách nhiệm của người sử dụng lao động một cách vô lý (không thực hiện đúng theo quy định pháp luật lao động của Việt Nam - PV). Sau khi tiếp nhận đơn và trao đổi với chị Nga, PV Báo Pháp Luật Việt Nam đã liên hệ làm việc với ông Thưởng (đại diện Công ty J&J)  để tìm hiểu và xác minh sự việc, nhằm đảm bảo quyền lợi và danh dự của người lao động.
Công ty đã hoàn thành trách nhiệm?
Trao đổi với PV, ông Lê Trọng Thưởng cho biết, phía công ty kỷ luật và sa thải chị Nga là hoàn toàn có căn cứ, có rất nhiều bằng chứng và hoá đơn chỉ ra sai sót trong quá trình công tác của chị Nga, gây thất thoát về tài chính của Công ty ? Lạ một điều là khi yêu cầu được tiếp cận với những chứng cứ đó, thì ông Thưởng chỉ đưa ra cuốn sổ ghi chép nội bộ và bản tường trình của nhân viên cùng làm việc với chị Nga . 
Đối với việc quyền lợi của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc kỷ luật người lao động, ông Thưởng nói luôn chấp hành nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Nhưng khi PV hỏi về việc trong thời gian tạm đình chỉ, chị Nga có được trả 50% lương theo quy định không thì ông Thưởng cho biết: “Công ty có gọi lên thanh toán nhưng chị Nga không lên, Công ty trả tiền còn chị Nga lấy hay không thì Công ty không can thiệp được”? (còn như chị Nga trao đổi thì Công ty J&J chưa bao giờ nhắc đến việc này từ khi thông báo đình chỉ công việc của chị ???).
Nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của cả hai bên, PV mong muốn được dự buổi họp gần nhất giữa chị Nga và đại diện công ty để có thể ghi nhận và phản ánh một cách chân thực nhất về vụ việc trên. Nhưng sau đó khi nghiên cứu hồ sơ và liên hệ lại thì ông Thưởng cho biết mình rất bận, đã trao đổi cụ thể với chị Nga và mọi việc cứ làm theo pháp luật??? Toàn bộ đơn và hồ sơ do chị Nga chuyển lên đã được gửi sang Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam để phân tích và tìm ra những sai sót (nếu có - PV). 
Bình luận về vụ việc trên, Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam) cho biết:
Cả hai hành vi sa thải và tạm đình chỉ của Công ty TNHH Quốc tế J&J đối với người lao động trong vụ việc này đều không có hiệu lực vì vi phạm quy định xử lý kỷ luật lao động tại Bộ luật Lao động (BLLĐ).
Thứ nhất, đối với hành vi sa thải: Căn cứ quy định tại Điều 123 và Điều 126 BLLĐ, thì một quyết định sa thải chỉ được coi là hợp pháp khi được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định và có căn cứ pháp lý để sa thải. Ở đây, phía công ty không những không tổ chức cuộc họp để xem xét xử lý kỷ luật, không ban hành văn bản sa thải mà còn không đưa ra được căn cứ pháp lý để thực hiện sa thải. Như vậy, hành vi sa thải là bất hợp pháp.
Thứ hai, đối với quyết định tạm đình chỉ công việc, cũng được ban hành trái luật. Vì quyết định tạm đình chỉ công việc được ban hành sau khi áp dụng hình thức sa thải. Mặt khác, quyết định tạm đình chỉ này cũng không tuân thủ quy định tại Điều 129 BLLĐ khi không được tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở hay lấy ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Quyền lợi của người lao động cũng bị vi phạm khi Công ty đã không tạm ứng trước 50% tiền lương cho người lao động.

Đọc thêm