Đâu là sự thật vụ “hôi của dã man" ở Quảng Bình?

(PLO) - Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về thông tin người dân “hôi của man rợ” ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình). PLVN đã tìm hiểu sự thật từ hiện trường và những người chứng kiến...
Trưởng Công an xã Hóa Thanh Phạm Hồng Sơn (người ngoài cùng bên phải) bất ngờ khi thấy thông tin trên báo về người dân “hôi của”
Trưởng Công an xã Hóa Thanh Phạm Hồng Sơn (người ngoài cùng bên phải) bất ngờ khi thấy thông tin trên báo về người dân “hôi của”
Người chứng kiến nói gì?
Theo Công an huyện Minh Hóa cũng như ghi nhận tại hiện trường, khoảng 11h30 ngày 21/1, xe container 89C-016.53 kéo theo rơ-moóc 89R-000.13, do tài xế Lê Văn Công (32 tuổi, trú tại tỉnh Hưng Yên) điều khiển vận chuyển nhãn tươi nhập khẩu từ Thái Lan về qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa. Khi đang lưu thông về Km108+50 trên QL 12A, địa phận thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh thì xảy ra tai nạn (không phải ở xã Dân Hóa như một số thông tin nêu). 
Ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng Công an xã Hóa Thanh - cùng 2 công an viên sớm có mặt tại hiện trường kể: “Địa điểm xảy ra tai nạn là đoạn dốc đèo Khàng, một bên là vực sâu dựng đứng xuống suối Cơn Bồn. Khi chúng tôi đến, đầu và khung container nằm lật chắn đường 12A gây ách tắc giao thông cục bộ. Rơ-moóc bị hất xuống vực sâu, thùng xe bị vỡ, hàng hóa trong xe (các thùng nhựa đựng đầy nhãn và buộc dây) đổ tung tóe ra khắp nơi. Nhãn rơi ra trộn lẫn với đất đá một lớp dày gần đến đầu gối người”. 
“Chúng tôi đến lúc 12h, phía dưới vực người dân hiếu kỳ đã tập trung khá đông. Người đứng xem, người thì nhặt nhãn rơi vãi để ăn. Chúng tôi nhanh chóng bảo vệ hiện trường và yêu cầu người dân không được lấy nhãn nữa vì đó là tài sản của xe thì họ dừng lại…” – ông Sơn cho biết thêm.
Còn Công an huyện Minh Hóa khi nhận được tin báo đã điều động lực lượng của Đồn Công an Hóa Tiến, Đồn Công an Ra Mai, xã Trọng Hóa xuống hiện trường. Đai úy Đinh Hữu Phan - Phó trưởng Đồn Công an Hóa Tiến - khẳng định: “Khi nhận được lệnh điều động, 2 cán bộ từ Hóa Tiến cách đó 8km, 3 cán bộ từ Đồn Ra Mai đã khẩn trương về bảo vệ hiện trường, ngăn chặn không cho người dân lấy nhãn. Ba cán bộ thuộc Phòng CSGT  Công an tỉnh Quảng Bình làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến này cũng đã có mặt để phân luồng, giải tỏa giao thông”.
Khi đề cập thông tin được một số cơ quan truyền thông phản ánh người dân ập xuống “hôi của” một cách “man rợ”, bất chấp sự có mặt của lực lượng công an cũng như những lời van xin của tài xế thì những người chứng kiến vụ việc mà chúng tôi gặp được đều rất bất ngờ. 
Anh Đinh Xuân Bình (SN 1997, ở thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh) – người chứng kiến vụ việc sớm nhất - cho biết anh có mặt tại hiện trường trước cả lực lượng công an và khẳng định: “Lúc đầu em thấy nhiều người có nhặt nhãn ăn và bỏ vào trong túi nilon nhỏ. Khi công an đến thì họ không nhặt nữa… Đến khi tài xế xe, công an đã về hết, bà con mới nhặt lại”. 
Còn anh Cao Ngọc Tý (SN 1984, trú ở thôn Thanh Lâm, xã Hóa Thanh) thì nói: “Làm chi có chuyện ai van xin. Bị tai nạn thì tài xế được đưa xuống trạm xá cấp cứu tạm thời, sau đó mới lên lại. Rớt xuống vực sâu cả mấy chục mét, thùng xe còn nát ra, huống chi là nhãn. Người ta có nhặt thì cũng chỉ một ít ăn cho vui, buôn bán chi được mà nói dân cướp hay “hôi của”? Nói rứa tội bà con lắm…”.
Ông Đinh Quý Nhân – Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa - khẳng định: “Dùng từ “hôi của”, “man rợ” là xúc phạm người dân huyện Minh Hóa, xúc phạm cả người dân Quảng Bình”
Ông Đinh Quý Nhân – Chủ tịch UBND huyện
Minh Hóa - khẳng định: “Dùng từ “hôi của”,
“man rợ” là xúc phạm người dân huyện Minh Hóa,
xúc phạm cả người dân Quảng Bình”
Hiện trường và những văn bản
Để xác thực thêm về vụ việc, chúng tôi cùng anh Tý, anh Bình vượt hơn 12km từ trung tâm xã Hóa Thanh lên đèo Khàng - hiện trường nơi xảy vụ việc - vẫn còn in nhiều vết dấu. Từ lề đường 12A xuống nơi thùng rơ-moóc bị hất xuống sâu khoảng 50m, vách dựng đứng. Anh Tý chỉ tay xuống và nói: “Đó, vực sâu và dựng đứng thế, hàng rơi xuống thử hỏi còn gì mà nói người ta “hôi” hay “cướp” nhãn?”.
Sau khi có mặt ở hiện trường, lực lượng công an đã lập biên bản vụ việc. “Sau khi lực lượng chúng tôi gom lại 12 thùng hàng (chứa bên trong là nhãn, nhưng nhiều thùng đã không còn nguyên vẹn) để tìm phía chủ hàng và trả lại. Nhưng anh Bảy (anh Trịnh Văn Bảy, 39 tuổi, trú tại xã Hồng Nam, TP.Hưng Yên (Hưng Yên) – người đại diện cho phía chủ hàng nói trên là Cty CP Bích Thị (có địa chỉ tại số 178 Nguyễn Văn Linh, TP.Hưng Yên – PV) nói vì nhãn này xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng bị hư hỏng hết nên không lấy làm gì”. 
Và anh Bảy viết bản cam kết với Công an xã rất rõ ràng với nội dung: “Ngày 21/1/2014, tại đường 12A thuộc thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, xe container mang biển số 89C-01653 chở hoa quả thì bị tai nạn, container đổ xuống vực sâu làm hoa quả vỡ nát, một số người dân nhặt lấy, cơ quan công an đã thu giữ được 12 thùng nhưng tôi đại diện cho Cty thấy số lượng quá ít, lại bị vỡ nát nên tôi không lấy”. 
Tài xế Công cũng ký vào biên bản tai nạn giao thông với Công an xã Hóa Thanh, đồng ý về sự việc trên. Rồi khi phía xe và chủ hàng không yêu cầu được bảo vệ nữa, công an rút về thì dân mới nhặt mót nhãn trở lại.  
Xúc phạm người dân
Trưởng Công an huyện Minh Hóa - Thượng tá Phạm Quang Du - cho biết: “Ngay sau vụ tai nạn, chúng tôi đã cử lực lượng giúp đỡ chủ xe, đồng thời có phương án bảo vệ. Đồng chí Phan còn báo cáo về, sau tai nạn một người xưng là phía Bích Thị còn điện về đồn để cảm ơn lực lượng công an. Việc đã xảy ra gần 20 ngày, Bích Thị cũng không hề liên lạc, kiến nghị gì với cơ quan chức năng huyện Minh Hóa. May là chúng tôi đã yêu cầu phía chủ hàng phải làm cam kết, nếu không bây giờ không biết báo cáo sự việc với các cấp, ngành liên quan thế nào”.
Trong những hình ảnh về vụ “hôi của” đã được đăng tải có ảnh một chiếc thuyền chở các thùng nhãn và kết luận đó là người dân đã “hôi của” thì Trưởng Công an xã Hóa Thanh Phạm Hồng Sơn cho biết: “Đó là thuyền đánh cá dọc bờ suối của đồng bào thiểu số nơi đây. Khi thấy họ chở những thùng nhãn đi, Công an đồn Hóa Tiến đã yêu cầu, ngăn cản và thuyền cũng đã quay vào bờ, trả lại hàng rồi chèo thuyền không đi”. 
Theo Thượng tá Phạm Quang Du, Cty Bích Thị cũng vừa gửi đơn đề nghị Công an huyện này làm rõ sự việc container và rơ-moóc do tài xế Công điều khiển đã bị lật, trên xe chở 22 tấn quả nhãn tươi (khoảng 2.000 thùng) được nhập từ Thái Lan, trị giá khoảng 1,3 tỷ đồng. Nhưng chiều 12/2, thông tin từ Phòng Nghiệp vụ - Cục Hải quan Quảng Bình cho biết, lô hàng nhãn của Cty Bích Thị có mã số thuế 0900690980, trọng lượng 22.000 kg, tổng giá trị là 13.200 USD. Hàng quá cảnh không thuộc đối tượng chịu thuế, thời gian thông quan vào lúc 10 giờ 50 ngày 21/1. Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa cũng cung cấp những thông tin trùng khớp với thông tin từ Hải quan: Lô hàng nhãn này giá trị 0,6USD/kg, 22 tấn có tổng giá trị là 13.200 USD. Căn cứ theo tỷ giá USD ngày thông quan là 21.000VND/1USD thì giá trị quy ra tiền Việt chỉ là 277.200.000 đồng.
Việc có chuyện người dân “hôi của” một cách “man rợ” hay không, hiện có nhiều ý kiến trái chiều nên rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, thông tin giá trị lô hàng 1,3 tỷ đồng hay gần 280 triệu đồng cũng cần sớm có đáp án.

Đọc thêm