Xin 115 để phục vụ vận chuyển cấp cứu
Về nội dung này, trao đổi với PLVN, lãnh đạo Bệnh viện 115 (Nghệ An) cho biết, Trung tâm cấp cứu 115 là đơn vị đầu tiên của cả nước hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển cấp cứu tư nhân và được UBND tỉnh, Sở Y tế Nghệ An và Bộ Y tế đồng ý cho hoạt động.
Bác sĩ Phạm Văn Diễn – Chủ tịch HĐQT Cty CP Bệnh viện 115 cho biết, sau khi Trung tâm 05 cũ (Trung tâm vận chuyển cấp cứu bệnh nhân) không hoạt động thì số điện thoại cũng không sử dụng. Đầu số 115 được định tuyến đến bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhưng do không làm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân, đồng thời nhận thấy nhu cầu bệnh nhân cần có xe vận chuyển cấp cứu để phục vụ, nên ông đã làm văn bản gửi các cấp xin cấp đầu số để hoạt động vận chuyển cấp cứu.
“Số điện thoại đã được xin phép và cấp phép thời điểm mà Nhà nước đang bỏ trống, không làm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân, khi bệnh nhân ốm đau không có nơi để gọi. Tổng cục Bưu chính Viễn thông cho phép chúng tôi sử dụng số điện thoại này” - ông Diễn cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện 115, tài xế khi điều khiển xe cấp cứu 115 đến thì sẽ hỏi người nhà bệnh nhân muốn đi đến bệnh viện nào thì đưa đến, nếu không thì sẽ đưa đến trung tâm cấp cứu gần nhất hoặc đưa về Bệnh viện 115, tuy nhiên, có một số trường hợp tai nạn, thương vong không có người nhà bệnh nhân đi cùng thì nhân viên y tế đi cùng xe và lái xe sẽ vận chuyển bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu gần nhất hoặc về Bệnh viện 115. Đến khi nào liên hệ được với người nhà bệnh nhân và họ có nhu cầu chuyển đến bệnh viện khác, lúc đó mới chuyển đến nơi họ muốn. Bệnh viện 115 cho biết thêm, sau khi Nghệ An tiến hành xã hội hóa đầu số vận chuyển 115 thì nhiều địa phương khác đã theo mô hình này, trong đó có Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Bình…
Giám đốc Bệnh viện 115 – bác sĩ Phạm Văn Long chia sẻ: “Quan điểm chính sách của Nhà nước cho phép xã hội hóa y tế, Bệnh viện 115 đã được sự đồng ý của các cấp chính quyền mới đi vào hoạt động. Bộ Y tế khuyến khích cho các đơn vị khác hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển cấp cứu nhằm xã hội hóa. Bệnh viện 115 là đơn vị đầu tiên hoạt động trên cả nước theo mô hình này và cũng là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế đồng ý bán xe vận chuyển cấp cứu…”.
Ông Long cho biết thêm, sau khi được thành lập, Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 đơn thuần là vận chuyển cấp cứu bệnh nhân. Bệnh viện 115 được thành lập để hỗ trợ trong cấp cứu, vì nhận thấy một số chậm trễ trong việc cấp cứu tại một số bệnh viện. Khi bệnh nhân lên xe, nhân viên y tế sẽ tư vấn cho người nhà bệnh nhân có nguyện vọng về bệnh viện nào, chứ không đưa bệnh nhân đến bất cứ bệnh viện nào hết.
Nhiều quan điểm khác nhau
Nói về vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Diệu - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Nghệ An cho rằng: “Hệ thống đầu số 115 nằm trong hệ quản lý của Nhà nước chứ không phải của tư nhân. Hiện đầu số 115 hoàn toàn thuộc về Bệnh viện 115 tư nhân. Đầu số 115 cần được quản lý bởi một đơn vị nhà nước, do Nhà nước quản lý và chỉ đơn thuần là vận chuyển bệnh nhân cấp cứu như hoạt động của các Trung tâm cấp cứu 115 các tỉnh khác trên cả nước. Tuy nhiên, dù là tư nhân hay Nhà nước thì việc đầu tiên là phải hướng đến lợi ích của nhân dân, phục vụ cho nhân dân, đặc biệt là với những lĩnh vực có tính nghiệp vụ cao như ngành y”.
Cũng trong lĩnh vực cấp cứu, chấn thương, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An Nguyễn Hoài Nam cho biết:“Đầu số 115 là đầu số của Nhà nước, hầu như ở các tỉnh đều là do trung tâm của tỉnh quản lý. Đơn vị vận chuyển cấp cứu phải làm đúng chức năng cấp cứu bệnh nhân rồi vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất một cách an toàn nhất. Vấn đề phủ sóng, phạm vi hoạt động phải phủ kín các vùng dân cư, hoạt động một cách không có lợi nhuận. Về mặt trách nhiệm của người quản lý, phải kiểm tra thường xuyên sự sẵn sàng đội ngũ xe cứu thương có phủ sóng các khu dân cư hay không, khoảng bao nhiêu thời gian gọi xe cấp cứu thì xe sẽ có mặt để vận chuyển bệnh nhân đi, vì việc vận chuyển cấp cứu chậm trễ sẽ để lại hậu quả thương tâm, cùng với đó là cách cấp cứu. Cũng muốn đất nước ngày càng phát triển, cần phải đầu tư, xem cấp cứu là một đơn vị phúc lợi cho người dân”.
Tiếp tục xã hội hóa hay chuyển đầu số 115 về cho đơn vị nhà nước? Thiết nghĩ, vấn đề này cần được đánh giá trên cơ sở hiệu quả mà đầu số này phát huy. Bởi vậy, UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Y tế nên có đánh giá để đưa ra kết luận cuối cùng. PLVN sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh vấn đề này.
Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trước đó đã cho biết:“Sau ngày có Nghị quyết về kêu gọi đầu tư xã hội hóa thì một cá nhân đứng ra xin được cấp đầu số 115 để hoạt động Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115. Quan điểm cho đến thời điểm này thì lĩnh vực nào tư nhân đầu tư rồi, đang hiệu quả thì Nhà nước ưu tiên đầu tư lĩnh vực khác”.