Đẩy nhanh thi công đường dây 500 kV đưa điện ra Bắc

(PLVN) - Cuối tuần qua, các lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có các cuộc kiểm tra, đốc thúc các dự án của đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Dự án được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành thi công đóng điện vào tháng 6/2024 để kịp thời đưa điện ra miền Bắc vào mùa cao điểm sử dụng điện.
Lãnh đạo EVN kiểm tra đoạn dự án qua tỉnh Hải Dương.

Tập trung mọi nguồn lực cho dự án

Theo báo cáo của các ban tiền phương các đoạn dự án, hiện đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối đi qua địa bàn 4 tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên đã hoàn thành bàn giao mặt bằng 333/334 vị trí cột và 90/136 khoảng néo (tính đến sáng 24/2). Trong đó Hải Dương đã bàn giao xong 74/74 vị trí móng và đang triển khai thi công 58/74 vị trí móng. Lãnh đạo EVN đánh giá, hiện tiến độ thi công các vị trí móng trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa đáp ứng mục tiêu điều hành của dự án. Nhà thầu chậm triển khai công tác thỏa thuận, đền bù thi công, cũng như bố trí nhân lực triển khai thi công.

Tỉnh Thái Bình đã bàn giao mặt bằng 107/107 vị trí móng tuy nhiên UBND các huyện chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Phần hành lang an toàn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tuyến đường dây có 47 khoảng néo, trong đó 36/47 khoảng néo đủ điều kiện bàn giao cho nhà thầu thi công, còn 11 khoảng néo, với 79 thửa đất, nhà, công trình phải giải phóng mặt bằng. Hiện Thái Bình đã thi công đúc móng tại 62/107 vị trí móng. Trong đó, nhiều vị trí móng cọc cần phải làm đường tạm, mượn đường, mượn đất thi công của địa phương, của các hộ dân để san gạt, tạo mặt bằng thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, máy thiết bị thi công tải trọng lớn vào vị trí thi công để tiến hành ép/đóng cọc, đúc móng, dựng cột,...

Lãnh đạo EVN lưu ý, tỉnh Thái Bình là địa phương có nhiều vị trí móng cọc nhất, các vị trí móng cọc thi công khó khăn, mất nhiều thời gian. Vì vậy, các đơn vị liên quan cần chỉ đạo các nhà thầu tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai thi công 3 ca, 4 kíp, 24/7 để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công.

Đoạn dự án Quỳnh Lưu - Thanh Hóa hiện cũng đã bàn giao toàn bộ mặt bằng, tuy nhiên, theo lãnh đạo EVN, đoạn dự án này gặp nhiều khó khăn trong thi công như có một số vị trí móng cột đường vào thi công rất nhỏ, trong khi cần phải đưa các thiết bị thi công lớn vào hoặc phải đi qua các cây cầu chịu tải trọng chỉ đến 10 tấn…

Tại các cuộc kiểm tra, lãnh đạo EVN yêu cầu các nhà thầu huy động lực lượng đẩy nhanh tiến độ thi công, trong đó ưu tiên nguồn lực để hoàn thành toàn bộ vị trí móng trong tháng 3, để kịp hoàn thành tiến độ thi công các hạng mục tiếp theo của dự án theo đúng tiến độ. “Các nhà thầu đang thi công trên địa bàn 9 tỉnh có đường dây 500kV mạch 3 đi qua phải tập trung nguồn lực, xây dựng và thực hiện kế hoạch thi công 3 ca, 4 kíp, 24/7 để đẩy nhanh tiến độ triển khai bảo đảm thi công đồng loạt các vị trí móng đã được bàn giao mặt bằng” - lãnh đạo EVN nhấn mạnh.

Với những đoạn đường nhỏ, gặp khó khăn trong công tác đưa thiết bị vào thi công, lãnh đạo EVN đề nghị các nhà thầu phối hợp với tư vấn thiết kế, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ có phương án tổ chức thi công khắc phục khó khăn sớm triển khai thi công, để bảo đảm tiến độ dự án.

Hạn chế tối đa diện tích rừng bị tác động

Việc dự án đi qua nhiều diện tích đất rừng, bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng đã gây ra khá nhiều khó khăn cho chủ đầu tư, đơn vị thi công cũng như chính quyền địa phương. Tại cuộc kiểm tra dự án gần đây nhất, lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ xem xét, xử lý vướng mắc liên quan quy định tác động vào rừng để làm đường tạm thi công các dự án (sau khi làm xong dự án sẽ trả lại đất rừng). Trước mắt trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về nội dung này trong tuần cuối cùng của tháng 2/2024.

Theo nguồn tin của PLVN, Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định cho phép tác động vào rừng để thi công các tuyến đường tạm và bãi tạm tập kết vật liệu. Dự thảo quy định các dự án nguồn, lưới điện chỉ được tạm sử dụng rừng khi không thể bố trí diện tích đất khác. Phương án sử dụng cũng phải hạn chế tối đa diện tích rừng bị tác động, được điều tra, đánh giá hiện trạng diện tích, trữ lượng. Với các khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, phạm vi diện tích rừng có các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm sẽ không được sử dụng để thi công tạm.

Sau khi thi công xong, rừng phải được phục hồi ngay trong mùa vụ trồng rừng gần nhất nhưng không quá 12 tháng.

Đáng chú ý, đáp ứng các kiến nghị của ngành điện, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng. Trường hợp diện tích này thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xin ý kiến của Bộ, ngành chủ quản.

Đọc thêm