Để niềm riêng ngoài cửa lớp...

(PLO) - Giữa bộn bề cuộc sống, ở đâu đó là những trái tim lặng thầm, tận tụy vì đàn em thân yêu. Nơi ấy không có hoa hồng, học trò không biết tới ngày 20/11 nhưng các em lại xem thầy cô như người thân, ruột thịt… Và bỏ lại tất cả lo toan sau lưng, niềm hạnh phúc của thầy cô là trao cho lũ trẻ ngơ ngác, tinh khôi tất cả sự nhiệt thành từ trái tim người thầy trên bục giảng…

Cô giáo một đời nặng lòng với liệt sỹ

43 năm trước, cô giáo Chu Thị Linh Quang - nguyên giáo viên Trường THPT Tùng Thiện (nay là THPT Sơn Tây, Hà Nội) và người yêu Đào Đức Định tròn 20 tuổi. Họ yêu nhau từ những ngày tháng học chung dưới mái trường phổ thông. Rồi anh Định lên đường vào Nam chiến đấu, họ chỉ mới cầm tay nhau với một lời hứa hẹn.
Ở lại quê nhà, cô giáo trẻ Linh Quang chú tâm vào công việc dạy văn cho học trò tại Trường THPT Tùng Thiện. Tuy nhiên, hy vọng của cô trở thành nỗi đau khi cô nhận giấy báo tử của người yêu. Dù sau đó có nhiều người thương mến, cảm thông muốn chia sẻ khó khăn và cùng cô đi tiếp chặng đường còn lại nhưng cô đều từ chối. Mối tình đầu cũng là mối tình duy nhất đối với cô. 
 Cô giáo Linh Quang
Mong ước lớn nhất của cô Quang là đưa được hài cốt của người yêu về yên nghỉ tại mảnh đất quê hương mình. Sau bao năm tìm kiếm, vừa qua, cô và gia đình liệt sĩ Định nhận được tin anh hy sinh trong chiến dịch Chen La I, Chen La II ở chiến trường Campuchia. Cô Quang và gia đình của liệt sĩ đang cố gắng thu xếp để đưa được hài cốt anh về quê sớm nhất. Chính tình yêu, sự thủy chung đã tạo lên sức mạnh để cô Quang gắn bó với nghề, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống.  
Người mẹ già của anh đã coi cô như con dâu trong nhà - cô con dâu chưa một lần lên xe hoa trong đám cưới, chưa sinh cho bà một đứa cháu nội. Nhưng, cô vừa là con dâu, vừa là con trai… vừa là chỗ dựa tinh thần của bà mẹ liệt sĩ.

Thầy mầm non kiêm đánh đàn thuê ở đám cưới

Vượt qua mọi khó khăn, dị nghị, phân vân của phụ huynh, gia đình và cả người vợ thân yêu, suốt 13 năm qua thầy giáo Hoàng Văn Thể (Trường Mầm non Tân Đức, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.  Thầy tâm sự, ngay khi bắt đầu lựa chọn theo nghề mầm non, bố mẹ, bạn bè có rất nhiều ý kiến phản đối. Mọi người cho rằng dạy trẻ mầm non không phải việc của nam giới mà dành cho nữ giới.

Tuy nhiên, sau ba tháng dạy học, thầy giáo trẻ đã khẳng định được khả năng bản thân. Đồng nghiệp, phụ huynh yên tâm và ghi nhận sự cố gắng của thầy vì thấy con trẻ được chăm sóc tốt, các cháu được rèn về nền nếp, nhận thức, biết thương yêu các bạn và bố mẹ, thầy cô. Thậm chí, phụ huynh còn tâm lí tới mức họ đến tận nhà động viên, khích lệ và nói chuyện chia sẻ với gia đình thầy.
 Thầy giáo mầm non Hoàng Văn Thể

Cho đến bây giờ thầy vẫn nhớ kỉ niệm ở hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh cách đây mấy năm. Khi đó thầy được giao đứng lớp ở một trường mầm non thuộc TP.Thái Nguyên. Khi thầy đến nhận giải, các cháu và phụ huynh hết sức quý và quyến luyến. Diễn xong văn nghệ, các em ùa xuống chỗ thầy đang ngồi hỏi han, trò chuyện như với người thân. Mọi người xung quanh lúc ấy ngạc nhiên lắm. Thầy cười: “Với trẻ nhỏ, tình cảm không mua được. Các cháu quý mến và đến với thầy, cô rất tự nhiên, yêu ai, quý ai là biết ngay”.

Điều thầy băn khoăn nhất là công tác chăm sóc giáo dục trẻ ở bậc mầm non giờ giấc quá nhiều. “Một ngày của thầy cô như mình bắt đầu từ 6h30, kết thúc làm việc khoảng 17h30. Khoảng thời gian đó kéo dài hơn 10 tiếng. Song lương bổng chỉ hưởng như quy định của Nhà nước, không có phần làm thêm giờ, hỗ trợ gì khác”.

Thầy đã công tác trong ngành được 13 năm, nhưng tới năm 2010 thầy mới được vào biên chế và mức lương hiện tại là 3,3 triệu đồng. Thời điểm ban đầu lương của thầy là 120.000 đồng/tháng, đến năm 2009 là 830.000 đồng. Vất vả hơn là nhiều giáo viên sinh năm 1963-1964 cũng mới được vào biên chế như vậy. Tuổi đứng lớp các cô không còn nhiều. Tới đây khi các cô giáo mầm non về hưu, thật khó để họ duy trì cuộc sống.

Tâm sự về những vất vả trong cuộc sống, thầy nói chân thành: “Mình cũng suy nghĩ khá nhiều, có lúc tưởng bỏ cuộc, không thể theo. Nhưng nghề như cái nghiệp rồi, mình muốn dứt ra nhưng không được”.

Hỏi về công việc làm thêm, thầy cười chia sẻ: “Ngày thường mình lên lớp dạy trẻ.  Thứ bảy và Chủ nhật lại đi đánh đàn cho các đám cưới, hội nghị kiếm thêm thu nhập nuôi vợ con và duy trì tình yêu nghề”.

Chiếc áo khoác gian khó treo ngoài cửa lớp

Thầy Thạch Sơn - giáo viên Trường Tiểu học Hựu Thành B, (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long)  đã khắc phục mọi khó khăn, nuôi vợ bị bệnh tim và bệnh thận, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cộng đồng cho học sinh khuyết tật của nhà trường và nuôi dạy 3 con trai đỗ đại học, thành đạt, có việc làm và đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”.   

Thầy kể, khi vợ bị liệt cách đây một năm, thầy càng quyết tâm nuôi vợ, nuôi con nên người. Có lẽ các con thấy thầy vất vả nên cũng nỗ lực nhiều hơn. Có thời điểm thầy đã phải mượn tới 200 triệu đồng để trang trải cho gia đình và tự hứa trong 5 năm sẽ trả hết nợ. Khi học đại học, các con thầy  ăn mì tôm trường kì và làm thêm đủ việc, thậm chí cả đi đá bóng thuê để có một món tiền nhỏ trang trải học hành. Và thật may mắn, cả ba người con thầy ngay sau khi ra trường đều có việc làm ổn định.

Thầy tâm sự, với đồng lương giáo viên eo hẹp, lại sống ở vùng sâu, vùng xa, chẳng thể kể xiết những khó khăn khi một mình thầy nặng gánh hai vai như vậy. Nhưng cũng vì thương yêu trẻ nhỏ, nhất là trẻ khuyết tật nên thầy Thạch Sơn đã vượt qua tất cả. 
Đối với thầy, nghề dạy học  quá đỗi thiêng liêng và thầy luôn ghi nhớ một câu nói của người thầy trong những năm tháng sinh viên rằng: “Sự khó khăn của bản thân, của gia đình như chiếc áo khoác. Khi người thầy bước chân vào lớp học, chiếc áo khoác gian khó đó được để lại ngoài cửa lớp…”.
Đối với thầy Thạch Sơn, được đứng trên bục giảng đó là niềm hạnh phúc, dù cho có lúc thầy bế tắc, hoang mang không biết mình có thể đi tiếp con đường đã chọn hay không, nhưng tất cả chỉ thoáng qua…

Và những ước mơ không chỉ cho mình

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Trường THPT Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tâm sự: Mỗi khi phải đạp xe hơn 10 km đường đá đến trường để dạy cho những học trò nghèo, cô đã không ít lần tự nhủ phải vượt qua khó khăn này. Dù bữa cơm chỉ có rau, học sinh đi xe không phải thắng bằng tay mà bằng dép lốp nhưng cô Thúy luôn tạo cho học trò tâm lý lạc quan tin vào tương lai.

Khi được hỏi đã bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề, cô Thúy lập tức trả lời: “Chưa!”. “Học trò của tôi tuy nghèo nhưng rất ham học và chính sự ham học ấy đã trở thành nguồn vui, là động lực giúp tôi tìm được niềm vui trong việc  dạy học” - cô Thúy chia sẻ.

Tuy nhiên, cùng nỗi trăn trở như của tất cả mọi thầy cô, cô tâm sự: Nhà giáo muốn chuyên tâm dạy tốt thì chỉ mong ít phải lo nghĩ tới cơm áo gạo tiền, tới cuộc  mưu sinh. Có thế họ mới chú tâm dạy và nghiên cứu. Hiện nay, tuy được Nhà nước quan tâm nhưng với đời sống giá cả đắt đỏ như hiện nay, cuộc sống của giáo viên nhìn chung vẫn rất khó khăn, đặc biệt là giáo viên mới ra trường khi mà lương của họ chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Tôi mong có nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ, động viên, cổ vũ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên ở vùng xa.

Cô Vàng Thị Ghếnh (Trường Mầm non xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, Lào Cai) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, dạy trẻ lớp 5 tuổi ở xa trung tâm, nơi có 100% hộ nghèo, nhưng đã khắc phục mọi khó khăn, tìm mọi cách để vận động 100% trẻ ra lớp, duy trì sĩ số và giảng dạy đảm bảo chất lượng. Cô nói: “Ở nơi phên dậu Tổ quốc, học trò không có khái niệm ngày 20/11 nhưng món quà lớn nhất mà tôi mong được nhận đó là các em tới lớp mỗi ngày…”.

Cho đến nay, đã hơn 30 năm đau đáu với sự nghiệp trồng người, mức lương của thầy Thạch Sơn thời điểm này là hơn 7 triệu đồng (kể cả phụ cấp vùng sâu, vùng xa) nên thầy rất mong muốn thầy cô trẻ mới  vào nghề có đồng lương hợp lý để đời sống dễ thở hơn. Bởi với đặc thù của giáo viên  vùng sâu, người thầy không chỉ lên lớp rồi về.
Cô Nguyễn Thị Tươi - người có 23 năm lăn lộn, cắm bản ở huyện Mường Tè (Lai Châu), nơi khó khăn nhất của cả nước cho biết: “Giáo viên ở đây không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn có thêm những việc không tên khác như: trồng rau xanh cho học sinh dân tộc bán trú; chặt cây dựng lều lán làm chỗ học, chỗ ngủ cho học sinh ở xa...”. 
Và còn nhiều lắm những ước mơ, những khát khao của thầy cô nơi cuối trời Tổ quốc, nơi miền biên ải, đảo xa, những mảnh đất còn nhiều gian khó… khiến mỗi chúng ta ấm lòng tin yêu cuộc sống. Hơn bao giờ hết, những người thầy ấy đã truyền cho biết bao thế hệ học trò cái đẹp chân - thiện - mỹ từ chính những điều giản dị mà lớn lao thường nhật, hướng các em về phía mặt trời… 

Đọc thêm