Đề xuất doanh nghiệp 'hóa giải' thách thức về việc làm cho lao động trẻ trong bối cảnh đại dịch

(PLVN) -
Ảnh minh họa

Theo báo cáo Tổng cục Thống kê về tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam, quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Tình trạng mất việc làm đã ảnh hưởng nặng nề đến lực lượng lao động trẻ với tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động này ở mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Thực tế này đặt ra vấn đề doanh nghiệp cần được cung cấp thông tin, chia sẻ những phương pháp, cách thức để đảm bảo việc làm cho lao động trẻ trong bối cảnh COVID-19.

Chia sẻ về vấn đề việc làm cho nhóm lao động trẻ, thanh, thiếu niên, tại Hội thảo “Việc làm thỏa đáng trong bối cảnh COVID-19” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI) tổ chức đầu tháng 11/2021, bà Lê Minh Thảo – Tư vấn về Quyền Trẻ em và Doanh nghiệp, UNICEF Việt Nam cho biết:

“Chúng ta đang sống trong thời đại phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và công nghệ số hóa, những kỹ năng truyền thống có thể thay thế bằng trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, các hình thức việc làm cũng dần thay đổi khi mà cách thức làm việc thay đổi, hay cách xu thế kết nối, liên kết toàn cầu thay đổi.

Điều này tạo ra sự chuyển đổi trong xu hướng việc làm và tuyển dụng, đồng thời thanh, thiếu niên có thể thiếu hụt về kỹ năng. Việc đầu tư vào thế hệ trẻ là khoản đầu tư thông minh và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Các bạn trẻ cũng cần chủ động nắm bắt các cơ hội, biết mình cần gì, muốn gì để có thể tiếp cận các cơ hội đến từ các doanh nghiệp”.

Bà Thảo cũng đưa ra một số đề xuất cho doanh nghiệp như:

Tăng cường năng lực kết nối để tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến việc làm trong toàn ngành và đẩy mạnh quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và các bên liên quan khác; nâng cao nhận thức và gia tăng học hỏi giữa các công ty/doanh nghiệp thông qua các hội nghị và/hoặc hội thảo về nâng cao kỹ năng việc làm cho thanh niên, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thực hành về môi trường làm việc bao trùm; xây dựng và tăng cường hoàn thiện chính sách tuyển dụng bao trùm, đầu tư cơ sở vật chất và nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; hợp tác giữa các bên liên quan để xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho lao động trẻ.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng - Quản lý đào tạo REACH, vấn đề việc làm cho lao động trẻ, đặc biệt là thanh niên khuyết tật trong bối cảnh đại dịch là một thách thức lớn.

Cụ thể, bà Hằng cho biết, không chỉ tại miền Nam, miền Bắc cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch và trong bối cảnh đó, khi chúng tôi tiếp cận các nhóm thiếu niên yếu thế, chúng tôi thấy rằng các bạn trẻ làm khối dịch vụ hầu như không có việc làm, những bạn khối công nghệ không quá khó khăn nhưng nhìn chung vẫn bị ảnh hưởng. Và dường như đang có tâm lý đối với các phụ huynh cũng như các bạn trẻ rằng các ngành nghề dịch vụ như du lịch, nhà hàng,... đang rất bấp bênh.

Nhận định về xu hướng phối hợp giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để hỗ trợ lao động trẻ, ông Châu Hoàng Mẫn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) cho biết:

“Trong nhiều năm làm việc với các nhóm lao động, tôi nhận thấy các doanh nghiệp đa phần quan tâm đến trẻ em hoặc các lao động trẻ thông qua hình thức từ thiện, hỗ trợ tạm thời chứ không tiếp cận dựa trên quyền của trẻ em ví dụ tạo việc làm, tạo cơ hội cho các em thực hiện quyền của mình. Chúng ta cần phải có cái nhìn khác, cái nhìn của doanh nghiệp cho lao động trẻ.

Ngoài ra, việc kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội còn rất ít, chưa có kết nối lâu dài. Khi doanh nghiệp phối hợp với tổ chức xã hội để thực hiện hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) không chỉ trong bối cảnh COVID, doanh nghiệp có khả năng cao hơn trong việc “giữ chân” nhân viên, duy trì nguồn nhân sự bền vững khi nhân viên nhận thấy những giá trị mà doanh nghiệp tạo ra là vô cùng cần thiết cho bản thân, con em và gia đình họ”.

Có thể thấy, việc doanh nghiệp đảm bảo việc làm thỏa đáng bao gồm cơ hội đào tạo và tiếp cận nghề nghiệp có chất lượng cho lao động trẻ, đảm bảo các điều kiện chi trả, phúc lợi, giờ làm việc, điều kiện làm việc, quan tâm tới cha mẹ trẻ, phụ nữ mang thai… không chỉ là tuân thủ pháp luật, đáp ứng các tiêu chí để kinh doanh mà còn là trách nhiệm, là chiến lược để đảm bảo việc vận hành kinh doanh, đảm bảo sự gắn bó của nhân sự doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, đầu tư vào những người làm việc của doanh nghiệp chính là đầu tư vào sự bền vững của doanh nghiệp.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm