Đề xuất 'nóng' của Bộ Công Thương về điều kiện rút giấy phép kinh doanh xăng dầu

(PLVN) - Vào giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” của thị trường xăng dầu năm 2022, Bộ Công Thương có quyết định thu hồi giấy phép của 11 thương nhân đầu mối do các lỗi vi phạm hành chính. Quyết định này đã bị cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế phản đối mạnh mẽ và Bộ buộc phải tạm dừng việc thu hồi giấy phép. Cũng từ sự việc này, Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất sửa đổi điều kiện thu hồi giấy phép kinh doanh đối với thương nhân đầu mối và phân phối…

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành các Quyết định thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 6 thương nhân. Các thương nhân bị thu hồi giấy xác nhận bao gồm: Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng, Công ty CP Thương mại dầu khí Đại Long, Công ty TNHH Thương mại xây dựng và vận tải Quảng Hà, Công ty CP xăng dầu An Hữu Trà Vinh, Công ty CP Dầu khí Rồng Vàng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Petro Oil An Giang.

Quyết định thu hồi của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 27/2/2023. Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp gửi bản chính Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối về Bộ trước ngày 15/3/2023.

Trước đó, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ đã ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và một số công ty con, đơn vị trực thuộc của thương nhân đầu mối. Trong đó, ngoài hình thức phạt tiền, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 5 thương nhân đầu mối (Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM; Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu) trong thời gian 1 tháng.

Tuy nhiên, đến ngày 6/9, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành nghị quyết thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối có hành vi vi phạm... Đến thời điểm này, vẫn chưa có quyết định mới với 11 thương nhân đầu mối và công ty con này.

Theo quy định hiện hành, việc thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu) được Bộ Công Thương thực hiện khi doanh nghiệp vi phạm một trong số các lỗi như “thương nhân không hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian 1 quý trở lên; thương nhân không thực hiện đủ tổng nguồn tối thiểu được Bộ Công Thương giao trong 2 năm liên tiếp; thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật, lỗi về số lượng cửa hàng đại lý theo quy định…

Bộ Công Thương nhận định, lỗi mà thương nhân kinh doanh xăng dầu hay gặp phải nhất là không đáp ứng đủ điều kiện về số lượng đại lý, cửa hàng trực thuộc theo quy định và thương nhân không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định.

Nguyên nhân mắc lỗi là do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp luôn có biến động, phụ thuộc vào tình hình thị trường từng giai đoạn nên có những thời điểm có doanh nghiệp không có đủ 40 đại lý bán lẻ xăng dầu (hoặc 10 cửa hàng thuộc các đại lý đối với thương nhân phân phối), 10 cửa hàng trực thuộc (5 cửa hàng đối với thương nhân phân phối) trong hệ thống;

Về lỗi dự trữ xăng dầu, theo Bộ Công Thương, có những giai đoạn phải tăng mạnh lượng bán cho thị trường để duy trì việc cung ứng xăng dầu cho thị trường, trong khi hàng chưa về kịp (có thể do các yếu tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh, hoặc chủ quan do đặt hàng chậm…) nên lượng hàng tồn kho không đủ 20 ngày dự trữ đối với thương nhân đầu mối (5 ngày đối với thương nhân phân phối) theo quy định.

“Các lỗi này nếu ở mức độ nhẹ, không thường xuyên và kéo dài về cơ bản không làm ảnh hưởng đến thị trường và gây hậu quả gì. Tuy nhiên, khi vi phạm các lỗi này doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy phép theo quy định, việc này có thể dẫn đến những hệ lụy rất lớn cho thị trường về việc đứt gãy nguồn cung ở một số khu vực mà doanh nghiệp đang kinh doanh” - Bộ Công Thương đánh giá.

Do đó, trong tờ trình mới nhất dự thảo nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, cần rà soát nội dung về các lỗi ở mức độ nhẹ này.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi theo hướng nếu doanh nghiệp có vi phạm (ở mức vi phạm hành chính) lần thứ nhất sẽ xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao; khi vi phạm lần 2 (sau 3 tháng đối với thương nhân đầu mối và 30 ngày đối với các đối tượng còn lại kể từ khi công bố quyết định vi phạm lần 1) tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính nặng hơn; Đến khi vi phạm lần 3 thì mới tiến hành thu hồi giấy phép hoạt động.

Đọc thêm