Đền thờ vị hoàng đế sáng lập ra thương cảng Vân Đồn

(PLVN) - Đền thờ vua Lý Anh Tông nằm trong quần thể di tích Đền thờ Vua Lý Anh Tông và danh thắng động Đông Trong, thuộc thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đền được xây dựng từ năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 (khoảng năm 1172), nằm trên bậc thềm triền núi Rồng Mẹ rất thơ mộng và linh thiêng.
Cổng tam quan Khu di tích.

Di tích lịch sử đền thờ vua Lý Anh Tông và danh thắng động Đông Trong có tên chữ là “Vân Hải linh từ” và “Vọng Hải Sơn động” được xây trên bậc thềm triền núi phía Tây Nam gần cạnh cảng Vân Đồn, thuộc khu 9 thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).

Theo sử sách, hoàng đế Lý Anh Tông sinh tháng 4 năm 1136 là con trai trưởng của vua Lý Thần Tông. Khi vua cha qua đời có ghi trong chỉ dụ căn dặn thái tử: “Nước ta non sông gấm vóc, nhân tài tuấn kiệt, châu ngọc bảo bối không cái gì không có, nước khác không thể nào bì được, con hãy giữ lấy nước cho cẩn thận”.

Vâng lời mẫu hậu và lời căn dặn của vua cha, vua Lý Anh Tông truyền cho bá quan quân sĩ sắm sửa thuyền rồng đi kiểm tra vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc và các cửa khẩu ra vào thông thương quan trọng để có bình thư sách lược phòng thủ lâu dài cho đất nước, chống âm mưu xâm lược của giặc Tống lúc bấy giờ.

Ngày 12/8/1149 đức vua Lý Anh Tông cùng đoàn tùy tùng lần đầu đặt chân đến đất Vân Đồn, khi đó còn là vùng hải đảo hoang sơ (đến năm 36 tuổi vua Lý Anh Tông đến Vân Đồn lần thứ hai, khi này đã được vua xây dựng thành một thương cảng sầm uất).

Khi vua Lý Anh Tông đến, nhân dân trong vùng mượn núi Rồng mẹ (Cái Rồng) để lập đài đón tiếp. Sau này chính hoàng đế Lý Anh Tông là người lập ra thương cảng Vân Đồn nổi tiếng vào năm 1149 để giao thương, phát triển Vân Đồn thành vùng biển đảo trù phú, sầm uất trong suốt một thời gian dài theo dòng lịch sử nước Việt.

Tương truyền sau khi đức vua qua đời, nhân dân đã lấy nơi vua ngự tiếp dân tại núi Rồng Mẹ để lập đền thờ tưởng nhớ công ơn trời bể của hoàng đế. Cùng với việc thờ vua Lý Anh Tông, ngôi đền còn thờ nhập nội kiểm hiệu Thái phó bình chương quân quốc trọng sư Tô Hiến Thành - một vị Tể tướng có công rất công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi Đại Việt và thờ Thái sư đồng bình chương sự Đỗ An Dĩ.

Ngôi đền có lịch sử gần một ngàn năm dựa lưng vào núi Rồng, quanh năm cây cối xanh tươi.

Rồng chầu bên những hàng bậc thang dẫn vào Khu di tích.
Bức bình phong chạm trổ cầu kỳ trước sân đền.

Theo quan sát, hiện Khu di tích đền thờ vua Lý Anh Tông nằm ở vị trí cực kỳ đắc địa, lưng tựa vào núi Rồng, mặt nhìn xuống xa xa là thị trấn khang trang, sầm uất. Khuôn viên của đền có vách núi uốn cong, được ví như tay long cao và dài liên tục, tay hổ thấp và ngắn. Đền có thế tọa sơn ỷ dốc, đón thủy mạch để trị long khí, lấy dãy đồi xa phía Tây thị trấn Cái Rồng làm án.

Tương truyền nơi này vua Lý Anh Tông khi xưa đã lập đài để tiếp dân và sau đó đã ra chiếu lập thương cảng Vân Đồn để phát triển giao thương, buôn bán.

Từ đó, người dân miền biển đảo trù phú và sầm uất này hàng năm vẫn tìm về bậc thềm triền núi Rồng để tưởng nhớ công đức phát triển giao thương, buôn bán của vua Lý Anh Tông.

Ngôi đền tựa lưng vào dãy núi Rồng.
Chính điện đền thờ vua Lý Anh Tông.
Xung quanh khuôn viên đền rợp bóng cây xanh.

Quảng cảnh ngôi đền từ trong sân nhìn ra cổng.

Ngày nay đền thờ vua Lý Anh Tông tại thị trấn Cái Rồng huyện Vân Đồn đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tới tham quan chiêm bái để tưởng nhớ công lao của vị vua sáng lập ra thương cảng Vân Đồn.

Nằm trong quần thể di tích danh thắng động Đông Trong cách khu vực đền thờ không xa nơi đây hội tụ những vẻ đẹp tự nhiên do tạo tạo hóa ban tặng. Khi lên đỉnh núi, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Cái Rồng với trời biển bao la. Tại hang động đã được các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của người Việt cổ sinh sống cùng các vật dụng minh chứng cho sự sinh sống giao thương một thời gian dài. Hiện nay động Đông Trong được xếp hạng danh thắng cấp tỉnh và đang được bảo tồn để phát triển di sản.

Cùng với sự phát triển nhiều mặt của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, địa danh lịch sử văn hóa tâm linh này gần đây đã có nhiều bước chuyển mình tích cực. Cụ thể, năm 2007, với những giá trị nổi bật về lịch sử văn hóa, khu di tích Đền thờ Vua Lý Anh Tông cùng động Đông Trong đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Năm 2011 được sự quan tâm của các chính quyền và các ban ngành chức năng, cũng như sự phát tâm công đức của du khách thập phương, Di tích đền thờ vua Lý Anh Tông được xây dựng lại khang trang lộng lẫy như hôm nay và trở thành một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc khi du khách tới Vân Đồn.

Cùng ngắm chùm ảnh đền thờ vua Lý Anh Tông lung linh tuyệt sắc về đêm:

Đọc thêm