Đập tan cái chén và bài học về “lòng nhân”
Sau khi ổn định cuộc sống với cuộc hôn nhân thứ hai, ông Đỗ Thế Sử tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho các con của mình. 9 người con của ông có lẽ vì nhìn thấy rõ sự hy sinh, vất vả của bố nên quyết tâm học hành, ai cũng đỗ đạt thành tài và có công việc ổn định trong các cơ quan nhà nước.
Nhưng dù các con đã lớn, thành đạt thì ông vẫn luôn tìm mọi cách để kể những bài học làm người cho các con nghe. Ông bảo, ông không áp đặt bất kỳ điều gì với các con. Việc duy nhất ông làm là kể chuyện, những câu chuyện được nghe lại và chứng kiến từ người cha đã từng là chánh tổng hoặc những câu chuyện mà ông gặp và ấn tượng trên đường đời.
Trong số những ấn tượng mà người cha (cụ Đỗ Thế Nhân) để lại, ông Sử nhớ như in hình ảnh cụ Nhân đập tan cái chén trên chiếc mâm đồng, kèm theo đó là bài học đầu tiên về “lòng nhân” mà khi kể lại với chúng tôi, ông Sử bảo “cảm giác như vừa mới xảy ra ngày hôm qua”.
Ông kể, khi cha ông đang đánh tổ tôm cùng 4 anh em ông thì đột nhiên một thanh niên là con người làm mõ (thuộc tầng lớp thấp nhất ở xã hội thời bấy giờ) ở cùng làng xuất hiện trong ngôi nhà. Ngay lập tức cụ Nhân đề nghị ông Sử nghỉ để cho người thanh niên này chơi. Ông Sử bảo: “Tôi bực lắm, trong lòng ấm ức cực độ. Đã thế lại phải ngồi chia bài cho mọi người chơi”.
Chuyện tưởng thế là khủng khiếp lắm, không ngờ đến chiều tối, khi cụ bà chuẩn bị cơm nước cho cả nhà, cụ Nhân lại giữ anh này lại ăn cơm. Ăn xong lại đánh bài đến 12h đêm.
Ông Sử đi ngủ và mang theo cơn ấm ức trong lòng. 9h sáng hôm sau, không thể ôm mãi cơn tức ấy, ông Sử mang sự ấm ức của mình nói với cha và lên tiếng hỏi: “Sao thầy lại dễ dãi thế, cho con nhà mõ đánh tổ tôm cả ngay ở nhà mình, lại còn ăn cơm cùng gia đình nữa”.
Tức thì cha ông cầm lấy cái chén đập đánh choang xuống cái mâm đồng. Ông Sử khi ấy giật mình vì không hiểu sẽ xảy ra chuyện gì, lúc này cha ông mới nói: “Nó kém gì con đâu, cởi quần áo ra nó cũng giống như con, chỉ khác là nhà nó nghèo, nhà con giàu. Con không được khinh người, không được đối xử khác biệt với người khác như thế”.
Kể đến đây ông Sử dừng lời, nhấp một ngụm trà rồi trầm ngâm tâm sự: “Chỉ thế thôi mà bài học của cụ vẫn còn nguyên trong tôi như mới ngày nào đây thôi. Khi kể lại cho chị, tôi vẫn nhớ như in tiếng cái chén đập xuống cái mâm như thế nào, như thể âm thanh ấy vẫn đang quanh quẩn đâu đây”.
Bài học này ông Sử luôn kể cho các con, các cháu vì nhờ bài học về “lòng nhân” này mà ông Sử thu phục được nhiều người làm việc cho mình. Ông vẫn luôn dạy các con, điều quan trọng không phải là các con làm được bao nhiêu tiền mà là các con tạo ra bao nhiêu việc làm và thu nhập cho công nhân.
Những bài học thông qua những câu chuyện đời thực luôn được các con ông thấm nhuần và ghi nhớ, trở thành kim chỉ nam để các con ông dẫn dắt doanh nghiệp của mình đi đúng hướng, trở thành những doanh nghiệp tiếng tăm hàng đầu Việt Nam.
Ông Sử và con trai Đỗ Minh Phú. |
Khơi nguồn đam mê kinh doanh cho các con
Các con ông đều ăn học thành tài, trở thành những công chức mẫn cán và mang lại nhiều thành tích cho các cơ quan nhà nước mà họ cống hiến. Tuy nhiên, ông luôn lo lắng và tâm sự với các con, nếu các con đi làm nhà nước chắc chắn sẽ vướng vào chuyện tham ô, tham nhũng. Không tham ô tiền bạc thì tham ô thời gian, tham ô giấy về cho con học; có chức đến đâu thì tham ô, tham nhũng đến đấy.
Ông bảo ông chỉ bày tỏ sự lo lắng của mình với các con, chưa bao giờ ông… xui hay áp đặt các con mình bỏ công việc nhà nước đi làm kinh doanh.
Nhưng hình như máu doanh nghiệp, gen kinh doanh đã “ngấm” rất kỹ vào từng người con của ông nên ông chỉ cần “khơi” lên một chút, hầu hết các con đều tự nhiên hướng sang nghiệp kinh doanh. Điển hình là trường hợp của anh Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Doji.
Trước đây, Đỗ Minh Phú làm việc ở một viện khoa học, được cử đi công tác ở các nước phát triển nhiều lần. Mỗi chuyến đi công tác, Phú đều mang một vài sản phẩm về nước bán kiếm lời. Ông Sử phát hiện ra năng khiếu kinh doanh của con từ những lần “làm thêm” như thế nên có ý hướng Phú kinh doanh thêm qua phương thức hợp tác làm ăn với một người con nuôi của ông trong công việc buôn bán ô tô.
Đúng lúc công việc “tay trái” và “tay phải” đang rất thuận lợi thì Phú được cử sang Nhật làm tiến sĩ. Phú về hỏi ý kiến cha vì lo ngại nếu học lên tiến sĩ sẽ không còn nhiều thời gian làm kinh doanh. Lúc này, ông Sử mới mạnh dạn chia sẻ với con rằng làm khoa học cũng tốt. Bản thân ông cũng mê chữ nhưng ông tin nếu biết cách làm giàu cho mình, cho đất nước còn tốt hơn. Bởi mỗi doanh nghiệp sẽ là một trong những trụ cột trong sự phát triển của đất nước.
Hiểu những lời người cha chia sẻ, Đỗ Minh Phú quyết định bỏ nghiệp khoa học, quyết tâm đầu tư vào kinh doanh.
Lần lượt từng người con của ông, mỗi khi cần đến lời khuyên, ông đều hướng sang làm doanh nghiệp. Đến nay, ông có 11 người con thì 10 người đều làm chủ các doanh nghiệp tầm cỡ, chỉ duy nhất Đỗ Khôi Nguyên được ông hướng theo học luật, vì theo ông, gia đình làm kinh doanh cần một người nắm chắc luật pháp để hỗ trợ mỗi khi cần thiết.
Bây giờ, khi đã nghỉ công việc kinh doanh, ông Sử vẫn là một chỗ dựa đáng tin cậy cho các con. Ông vẫn không ngừng học hỏi, đọc sách, học ngoại ngữ để bắt kịp những xu hướng tiên tiến của thế giới, để có thể là một quân sư cho các cháu nội, ngoại trong thời đại hội nhập hiện nay.
Ông bảo, giữ được nếp nhà để con cháu sum họp mỗi dịp giỗ tết là điều mà ông thấy hạnh phúc và tâm đắc nhất hiện nay, bởi dù xã hội có phát triển đến tầm cỡ nào thì gia đình vẫn là cái gốc vững bền, là bệ phóng cho mỗi một con người.