Đi lễ hội Từ Lương Xâm nhớ một thủơ hào hùng giữ nước

(PLO) - Hàng năm, vào các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng Âm lịch, người dân quận Hải An- TP.Hải Phòng lại nô nức tổ chức Lễ hội Từ Lương Xâm để tưởng nhớ Đức vương Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng lần thứ một (năm 938) chấm dứt ách đô hộ nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập, thịnh trị cho dân tộc.
Chiến công hiển hách
Năm 938, Dương Đình Nghệ - một vị tướng có công đánh đuổi giặc Nam Hán, chiếm lại thành Đại La bị Kiều Công Tiễn - một thuộc tướng là hào trưởng đất Phong Châu giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền là bộ tướng của Dương Đình Nghệ tập hợp lực lượng, đem quân tiến công thành Đại La, diệt trừ Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn cầu cứu Vua Nam Hán, được Vua Nam Hán cử Lưu Hoằng Tháo là con trai thứ 9 thống lĩnh hai vạn quân Nam Hán sang nước ta lần thứ hai với danh nghĩa cứu Kiều Công Tiễn, nhưng mục đích là xâm chiếm, đô hộ nước ta một lần nữa.
Diệt trừ được Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền dẫn quân về vùng cửa sông Bạch Đằng (Hải Phòng ngày nay) chờ nghênh chiến quân Nam Hán. Vùng cửa sông Bạch Đằng được Ngô Quyền cho đóng cọc bịt sắt nhọn xuống lòng sông. Thủy triều lên, bãi cọc không bị lộ. Ngô Quyền cử hai tướng Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận (tướng người làng Gia Viên, TP.Hải Phòng) dùng chiến thuyền nhẹ, nhử quân Lưu Hoằng Tháo vào sâu trong bãi cọc. Khi thủy triều xuống, Ngô Quyền hạ lệnh cho binh sĩ đổ ra đánh. Chiến thuyền lớn của quân Nam Hán bị cọc đâm thủng, Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng quân Nam Hán tại trận thủy chiến đầu tiên trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.
Chiến thắng Bạch Đằng giang năm 938 đã chấm dứt hơn 1.000 năm đô hộ Bắc thuộc, Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chức Tiết độ sự, định đô ở Cổ Loa. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết: “Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”.
Lễ hội Từ Lương Xâm 
Ngô Quyền mất ngày 18 tháng Giêng năm 944. Tưởng nhớ công lao của vị “Vua của các Vua”, người dân các làng thuộc xã Nam Hải, Đằng Hải (nay là các phường Nam Hải, Đằng Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng), khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng, là khu vực Đồn trại của Ngô Quyền đã lập đến 30 đền, miếu thờ Ngô Quyền. Ngô Quyền trở thành Thành hoàng, thần chủ của vùng đất cửa sông Bạch Đằng nơi ông lập chiến công xưa.
Làng Dầm (tên cổ Lãng Thẫm), tức làng Lương Xâm, xã Nam Hải - nơi Ngô Quyền đặt làm đại bản doanh chỉ huy tiền phương trận đánh hào hùng được người dân lập ngôi đền lớn nhất trong các đền, miếu thờ Ngô Quyền trong vùng để tưởng nhớ vị thánh linh chung tay cứu vớt, giúp dân, giúp nước tai qua, nạn khỏi. Từ Lương Xâm cùng phủ Thượng Đoạn thờ Mẫu Liễu Hạnh, đền Phú Xá thờ Trần Hưng Đạo, từ Nghĩa Xá (nay thuộc địa bàn quận Lê Chân) thờ Nam Hải Phạm Tử Nghi – những ngôi đền thiêng trong vùng là “Tứ linh từ”, Từ Lương Xâm là Từ cả. Trong giai đoạn triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, việc tế lễ hội Từ Lương Xâm được tổ chức ở cấp Nhà nước. Tham gia tổ chức Tứ linh từ là nhân dân 7 tổng An Dương, Lương Xâm, Trung Hành, Trực Cát, Đông Khê, Hạ Đoạn, Gia Viên.
Lễ hội Từ Lương Xâm đã trở thành ý thức, tình cảm của người dân Hải Phòng hướng về tổ tiên, nguồn cội của mình. Lễ hội với những nghi thức đặc biệt như lễ phẩm phải có một bò, một lợn, một dê mổ tế sống, tế xong đem thịt làm cỗ. Khác với lễ hội các làng xã khác, lễ hội Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng, cuộc hành lễ được các làng, xã rước kiệu từ đình làng mình tới chầu. Các kiệu đều đặt ở khu đất rộng trước cửa Linh từ Lương Xâm để chấm giải. Kiệu nào nhất được vinh dự thay mặt cả đoàn kiệu dâng lễ Thánh vương trước long sàng.
Phục dựng di tích lớn
Sau chiến thắng hào hùng của Đức vương Ngô Quyền, vùng cửa sông và hạ lưu sông Bạch Đằng với nghệ thuật quân sự hết sức độc đáo, lợi dụng thủy triều trong trận thủy chiến để giữ nước đã được Lê Hoàn (bộ tướng của Vua Đinh Tiên Hoàng) “dụng binh” đánh tan quân Tống xâm lược vào năm 981. Năm 1288, trận địa cọc Bạch Đằng được Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo vận dụng để đánh thắng quân Mông - Nguyên, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi. Đây là trận tiêu diệt chiến lược lớn nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ 3.
Năm 1986, Từ Lương Xâm được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ Lương Xâm được trùng tu lớn vào thời nhà Nguyễn với kiến trúc “nội công, ngoại quốc” liên hoàn khép kín mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, chỉ có số ít kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê, thời kỳ Từ Lương Xâm được trùng tu lần đầu. Đặc biệt, Từ Lương Xâm còn lưu giữ được 25 đạo sắc chính, 20 sắc phong được sao lại trong giai đoạn từ năm 1522 đến năm 1924 dưới các triều đại Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn. Trong các sắc phong, nhiều triều đại suy tôn Đức vương Ngô Quyền là “Thượng đẳng tối linh đại vương”, là “Ngô Vương Thiên tử”.
 Chứng tích lịch sử cọc Bạch Đằng
Ông Phạm Thành Văn – Bí thư Quận ủy Hải An - cho biết, với tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với vị “Tổ Trung hưng” của dân tộc, quận Hải An đã tổ chức trùng tu, tôn tạo di tích với mục đích đưa Từ Lương Xâm thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, lễ hội, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thệ hệ noi theo. Tượng đài Đức vương Ngô Quyền bằng đá đúc Granit cao 11,37m (bao gồm cả bệ tượng) được phủ đồng điện phân trong tư thế uy nghi với tay trái đặt lên chuôi gươm, tay phải chỉ thẳng về cửa sông Bạch Đằng như đang chỉ huy trận chiến, được đặt trong khuôn viên di tích lịch sử Từ Lương Xâm có ý nghĩa như bản thông điệp gửi tới các thế hệ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết.
Theo thần tích Gia Viên - nơi thờ hai vị tướng Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận, những bộ tướng của Ngô vương Ngô Quyền trong trận chiến Bạch Đằng lịch sử năm 938, Từ Lương Xâm nằm ở trung tâm thành Vành Kiệu. Thành do Ngô vương Ngô Quyền xây dựng trong trận đánh Bạch Đằng lịch sử, hào hùng có chu vi khoảng 1.700m. Do thành xây bằng đất, trải qua biến thiên thời gian, thành đã bị phá hủy nhiều đoạn, có đoạn không để lại dấu tích.
Trong kế hoạch trùng tu các di sản lịch sử - văn hóa quận Hải An, thành Vành Kiệu cũng được trùng tu với mong muốn xây dựng Khu di tích mang dấu ấn thời kỳ lịch sử, các anh hùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc để lại dấu ấn trên vùng đất đầu sóng ngọn gió Hải An để lưu truyền cho hậu thế.
Cùng với lễ hội Từ Lương Xâm được tổ chức vào tháng giêng, vào dịp tháng 3 và ngày 20/8 (âm lịch) hàng năm, người dân quận Hải An lại tổ chức Lễ hội Đền Phú Xá (trên địa bàn phường Đông Hải 1, quận Hải An) – đền thờ nữ tướng Bùi Thị Tự Nhiên cùng Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo; nữ tướng có công giúp Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo vận động dân làng đóng góp lương thảo cho nhà Trần đánh giặc Mông – Nguyên. Tháng ba, Phủ Thượng Đoạn, cổ miếu, một trong ba “Tứ linh từ” Lương Xâm, Đền Phú Xá trên địa bàn phường Đông Hải 1 thờ Mẫu Liễu Hạnh – Chúa Liễu, một trong “tứ bất tử” gồm Tản Viên, Thánh Gióng, Đồng Tử, Chúa Liễu cũng vào mùa lễ hội. 
Hải An nói riêng, Hải Phòng nói chung là khu vực cửa ngõ phía Bắc, một vùng đất không chỉ giàu truyền thống dựng nước, giữ nước với những chiến công Bạch Đằng giang của Đức vương Ngô Quyền, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo; Nữ tướng Lê Chân, người có công khai hoang, lập ấp An Biên Trang xưa, TP.Hải Phòng ngày nay theo Hai Bà Trưng dấy binh, khởi nghĩa chống lại quân xâm lược, được các vua đời sau có chiếu phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa. Hải Phòng còn có Thành nhà Mạc (nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) – một đô thị miền biển đầu tiên được Mạc Đăng Dung -Vương triều nhà Mạc xây dựng tại chính quê hương mình.
Ông Nguyễn Văn Thành – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng tự hào: nối mạch phát triển xưa, bằng sức mạnh đoàn kết, cách nghĩ sáng tạo, người dân Hải Phòng tiếp tục bảo tồn và phát huy truyền thống, xây dựng Hải Phòng đến năm 2020 trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, là trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.

Đọc thêm