Người Chăm - chủ nhân vùng đất
Người Chăm còn có các tên gọi khác như Campa, Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm Pa, Hời ... với các nhóm Chăm địa phương như Chăm Bàni (hay Chăm Awal), Chăm Bàlamôn (hay Chăm Ahiêr), Chăm Islam, Chăm Hroi, Chăm Châu Ðốc, ...
Trong lịch sử, người Chăm đã từng bước đặt nền móng của mình trên lãnh thổ miền Trung Việt Nam và có địa bàn ảnh hưởng khá rộng. Thuở ấy, người Chăm có địa bàn phân bố khá rộng, kéo dài từ phía nam đèo Ngang (Quảng Bình) đến vùng đất Ninh – Bình Thuận ngày nay. Họ thuộc chủng Nam Á (Austro – Asiatic), ngữ hệ Mã Lai – Đa Đảo hay Nam Đảo (Malayo – Polynesian).
Ngày nay, địa bàn phân bố của người Chăm bị thu hẹp, sống chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số ít ở Lâm Đồng, Phú Yên và phía tây Quảng Ngãi, trong đó cộng đồng người Chăm Ninh Thuận là đông nhất chiếm gần 50% trong tổng số người Chăm ở Việt Nam.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, người Chăm là cư dân bản địa, hậu duệ của người Sa Huỳnh phát triển lên, một bộ phận dân tộc Malayo – Polinesien (Mã Lai – Đa Đảo) ở hải đảo Đông Nam Á di cư vào với những đặc điểm rất rõ như “người nước đó (Chămpa) mắt sâu, mũi cao, tóc xoăn, da đen”.
Cố GS. Trần Quốc Vượng nhận đinh: “Người Chăm cổ hậu thân hay hậu duệ của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh – những người đã Sa Huỳnh hóa hay nói đúng hơn địa bàn hóa những ảnh hưởng mới của nền văn hóa Ấn Độ và trên nền tảng vốn cũ của văn hóa Sa Huỳnh mà xây dựng nền văn minh Chămpa nổi tiếng sau này”.
Còn theo Stephen Oppenheimer trong sách “Địa đàng ở phương Đông” khẳng định: “Người Chăm và cả cư dân Sa Huỳnh, được coi là tổ tiên của người Chăm, không phải là mới đến tương đối muộn ở bờ biển Đông Dương mà rất có thể đã cư trú ở Việt Nam từ thiên niên kỷ hai trước Công nguyên”.
Cùng quan điểm trên, nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam và trên thế giới đều có chung nhận định người Chăm là chủ nhân vùng đất này, kế thừa và phát triển từ những cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh. Đó là một bộ phận của nhóm tộc Mã Lai – Đa Đảo (Malayo – Polynesia) hay Nam Đảo (Austronesians), cư trú ở một địa bàn có phạm vi lãnh thổ khá rộng lớn ở hải đảo Đông Nam Á và ven biển lục địa Đông Nam Á từ rất sớm.
Từ hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí (cách đây khoảng 4000 – 5000 năm), người Chăm đã có mặt, là hậu duệ của cư dân Sa Huỳnh, trên nền tảng của nền văn minh này đã kế thừa và phát triển lên. Ban đầu, rất có thể người Chăm có tên gọi khác. Về sau, khi thành lập nên nhà nước sơ khai thì họ mới có tên gọi là Chăm.
|
Danh xưng Đồng Dương có nghĩa là cánh đồng thiêng. |
Đồng Dương, tên gọi một cánh đồng Thiêng
Sử chép, Đồng Dương là khu “đất Thiêng" (nơi thờ tự thần linh và tổ tiên, trung tâm tín ngưỡng), thành phố Thiêng (nơi cư ngụ của vua và hoàng tộc, trung tâm vương quyền) nên còn có tên gọi là khu thánh địa Indrapura.
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nhận định: “Tên của thủ đô mới Indrapura có quan hệ với người sáng lập ra vương triều – vua Indravarman II”. Indrapura là tên gọi có gốc tích từ tiếng Phạn – Sanskrit. Cũng có tài liệu ghi là loại chữ Chăm cổ. Những ý kiến này cũng đúng bởi lẽ chữ Chăm cổ là một dạng biến thể của chữ Phạn – Sanskrit. Như vậy, khi cắt nghĩa chữ Indrapura, ta dễ hiểu: Indrapura có nghĩa là “Thành phố của Indra” trong tiếng Phạn và là thủ đô của vương quốc cổ xưa của Chămpa trong nhiều thập kỷ, dưới triều đại của vua Indravarman II và một số người theo ông thuộc triều đại thứ 6 của vương quốc này.
Trong thần thoại Ấn Độ, Indra là tên gọi của một vị thần trong huyền thoại sử thi Vệ Đà của Bàlamôn giáo. Theo kinh Vệ Đà thì Indra là thần Sấm sét, là thần bão tố, là thần mây, là thần mưa và trên hết là thần của cuộc sống trong cổ sử Ấn Độ giáo. Indra là vị thần cai quản ba mươi ba cõi trời, là vị thần hộ trì phương Đông của thiên giới. Còn Pura có nghĩa là đô thị, thành thị hay kinh thành. Kinh đô này được bia kí Đồng Dương ca ngợi là “thành phố được trang hoàng lộng lẫy như thành phố của thần Indra trên thiên giới”.
Cũng theo văn bia Đồng Dương cho biết: “Indrapura đã được lập nên từ thời xa xưa bởi Bhrgu và được gọi là Campa”. Như vậy, trước khi trở thành thánh đô hay kinh đô của vương quốc Chămpa thì Indrapura đã từng là quê cha đất tổ của của vị vua mới Indravarman II.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến khác về tên gọi này, chẳng hạn như theo D-G-E- Hall thì cho rằng: “Dưới thời vua IndravarmanII (854 -893), đức vua lập kinh đô lấy tên là Indrapura (tỉnh Quảng Nam) khôi phục quan hệ tốt với Trung Quốc và trong triều đại này các nhà sử học Trung Quốc bắt đầu gọi nó bằng cái tên thứ ba là Chang Cheng, có nghĩa là thành phố của Chan, theo tiếng phạn là Champapuro. Đây là một triều đại thanh bình nổi tiếng về cơ sở Phật giáo to lớn, một tu viện mà những dấu ấn đã được xác định ở Đông Dương Đông Nam của Mỹ Sơn. Đây là bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của Phật giáo đại thừa ở Chămpa”.
Đồng Dương hay Indrapura chỉ hai trong số rất nhiều tên gọi để chỉ một địa danh của văn hóa cổ Chămpa, đó là những tên gọi gắn liền với một điển tích trong nền văn hóa Phật giáo và Ấn Độ cổ, và có mối quan hệ hữu cơ với nền văn hóa cổ Chămpa trong lịch sử./.