Đi tìm nghệ nhân trên phố nhỏ Hà Nội

(PLVN) - Giữa nhịp điệu hối hả, xô bồ của đời sống thường nhật, còn đó trong lòng Hà Nội dư vị lắng sâu văn hiến ngàn năm. Trong ngóc ngách nào đó của Thủ đô, ta vẫn bắt gặp những người Hà thành đang miệt mài gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc.
Góc nhỏ trong căn phòng cũng trở thành nơi cất giữ những “cái mặt chơi được”. (Ảnh trong bài: Tâm Anh)

Sự ra đời của “những cái mặt chơi được”

Còn nhớ, nhà văn Nam Cao có truyện ngắn mang tựa đề “Cái mặt không chơi được”. Bỗng dưng nghĩ những chiếc mặt nạ giấy bồi thường dùng để trẻ con chơi vào các dịp lễ, Tết: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, hẳn là cái mặt “chơi được” và nghệ nhân làm ra chúng là ai?

“Tôi tên là Đặng Hương Lan, chồng tôi là Nguyễn Văn Hòa, ở tại số nhà 73 Hàng Than. Tôi là nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi truyền thống cuối cùng của phố cổ Hà Nội này” - chia sẻ của nghệ nhân Đặng Hương Lan trong câu chuyện mở đầu với phóng viên về hành trình của chiếc mặt nạ.

Tổ ấm che mưa, che nắng của vợ chồng bà Lan ẩn mình trong con ngõ sâu hun hút chỉ vừa một người bước. Căn nhà ấy, suốt mấy chục năm qua còn trở thành không gian để những chiếc mặt nạ giấy đủ đầy màu sắc và biểu cảm thành hình. Không quá lời khi nói rằng bà Lan - ông Hòa ăn ngủ, khóc cười và già đi cùng công việc của mình.

“Hồi bé thì gia đình đằng ngoại ở Tôn Đức Thắng, ngày xưa gọi là phố Hàng Bột. Bố mẹ tôi cứ làm, thời bao cấp nhà nào cũng có một cái nghề để làm thêm. Tôi gắn bó với công việc làm mặt nạ từ thời tôi còn bé cơ. Nhưng thực sự để bắt tay làm thực tế thì tôi làm 45 năm, liền tù tì đấy. Hiện nay con gái lớn của tôi 45 tuổi rồi” - nghệ nhân Lan chia sẻ

Hai vợ chồng nghệ nhân xuất phát từ tình yêu nghề được thế hệ trước truyền lại. Trải qua bao thay đổi của thời cuộc, hiện tại gia đình ông bà là nơi duy nhất còn làm món đồ chơi truyền thống này ở phố cổ Hà Nội. Gia đình bà Lan tuy có tổng cộng 7 anh chị em nhưng không có ai theo nghề các cụ. Đến năm 1979, khi bà lấy ông Nguyễn Văn Hòa, thì bố bà đã truyền lại nghề cho hai vợ chồng.

Mỗi chiếc mặt nạ đều được nặn khuôn thủ công.

Mặt nạ giấy bồi vốn là đồ chơi truyền thống phổ biến trong các dịp lễ, Tết của trẻ nhỏ. Bây giờ, tuy không còn phổ biến như xưa song những “cái mặt chơi được” này vẫn có sức hút nhất định. Hơn ai hết, nghệ nhân hiểu rõ tầm quan trọng của từng công đoạn trong quá trình nhào nặn những khuôn mặt. Chỉ cần chệch một nhịp, sai một phách thôi là sản phẩm làm ra không được như mong muốn.

Nghệ nhân Lan bày tỏ: “Công đoạn nào cũng phải chú ý. Đầu tiên phải chuẩn bị nguyên liệu trước. Bột sắn củ trồng ở trên đồi, mua về. Nó trắng tinh, mình đổ nước lã vào đó mình nấu, khi chín ngả màu hơi vàng, cái đó gọi là hồ. Sau đó, mình bồi cái mặt nạ vào khuôn, tức là phết hồ vào giấy, cứ mỗi một hình là một khuôn khác nhau. Lớp đầu tiên là lớp giấy A4, lớp thứ hai là lớp giấy bình thường, lớp thứ ba, lớp thứ tư… Sau đó, gấp viền xung quanh của con mặt nạ vào, lấy từ trong khuôn ra là bồi xong một cái mặt nạ ướt. Phơi từ sáng đến tối nó mới khô, mưa thì phải vài ngày. Mặt nạ nhái thì nó có ít loại thôi, 5 - 6 loại nhưng mà chồng tôi tạo được khuôn gần 30 hình khác nhau”.

Phần lớn mặt nạ được chế tác là những hình tượng mang màu sắc truyền thống, biểu trưng cho nền văn minh lúa nước bên bờ sông Hồng cùng một số nhân vật văn học điển hình khác. Vài năm gần đây, một số nhân vật mang tính hiện đại cũng được ông bà khắc hoạ để theo kịp với thị hiếu của các bạn nhỏ.

Bà Lan cho biết thêm: “Cái nguyên tắc nét vẽ mềm mại. Phối màu làm sao để cho nó phù hợp, hài hoà với với người Bắc mình. Với người Nam thì vẽ màu kiểu khác. Ngày xưa thì toàn mặt nạ truyền thống của mình. Nhưng giờ hiện đại các con xem tivi nhiều thì các mặt như siêu nhân nhện, điện quang thì nhà tôi cũng nặn, tạo 4 - 5 khuôn để phục vụ các cháu chứ còn đa phần là truyền thống cổ xưa của mình hết”.

Vợ chồng nghệ nhân dành một góc trong phòng cho những chiếc mặt nạ.

Cái tâm và lòng yêu nghề

Chỉ có hai vợ chồng, mỗi ngày, ông bà chỉ tạo hình và vẽ màu cho một số lượng mặt nạ nhất định. Công việc truyền thống này buộc người thợ phải dán chặt mình vào chiếc ghế thấp gần sát mặt đất cùng sự bền bỉ và nhẫn nại của cả cơ thể và tâm trí.

Nghệ nhân Lan bộc bạch: “Tôi chỉ làm có hạn thôi. Có hai ông bà, làm thủ công tay. Mỗi ngày làm hơn chục con thôi. Hai ông bà là hơn hai chục con, nếu con khó thì lại không được. Sức người chỉ có hạn, mỏi lắm”.

Bận rộn, vất vả là thế nhưng ông bà không thuê thêm người bởi quan ngại về chữ tâm. Với bà Lan và chồng, mặt nạ giấy không chỉ là công việc mà còn là tâm huyết suốt bốn thập kỷ. “Mình làm đây là cái tâm của mình. Mình gây dựng nên bao nhiêu năm của mình thì mình phải giữ lấy thương hiệu, làm cẩn thận, tỉ mỉ, công phu. Học viện Mỹ thuật đến đây, các cháu cũng bảo: “Bà ơi, cháu vẽ đỡ” nhưng mà vẽ đỡ không ưng tí nào vì không theo cái yêu cầu của mình được. Các con bây giờ vẽ là của ngày nay, cái thời hiện đại, mình vẽ của ngày xưa cho nên nhìn mặt nạ rất có hồn, rất là sống động. Nhưng cái quan trọng nhất là kết hợp màu sắc, mình phối màu làm sao, pha màu làm sao. Các cháu nó hỏi: “Bà ơi bà, ông bà học trường vẽ ở đâu từ ngày xưa?”. Tôi bảo ông bà chỉ học trường đời thôi” - nghệ nhân chia sẻ.

Công phu sáng tạo, tâm huyết lao động dồn vào sản phẩm truyền thống của ông bà bao giờ cũng được đền đáp xứng đáng bởi sự nâng niu, trân trọng của khách hàng. Bà Lan nói: “Ông bà ngồi ở 81 Hàng Lược, ngồi mấy chục năm nay, bán hàng tại đấy cho nên khách đến đấy cái là biết ngay. Nếu các cháu mua mặt nạ nhà tôi một lần thì năm nào cũng phải mua bởi vì từ cái hình, đường vẽ rất là có hồn. Cái này cũng là nét đẹp của Việt Nam mình, thành ra khách Tây rất thích. Họ tra google thấy nhà tôi, hỏi thăm vào tận đây mua làm kỷ niệm để mang về nước”.

Những chiếc mặt nạ “Chú Tễu thời hiện đại” đang được phơi khô.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ với nghề, khoé mắt nghệ nhân già hoe đỏ và giọng nói không giấu nổi cảm giác nghèn nghẹn. “Kỷ niệm thì nó nhiều vô cùng. Nhưng mà kỷ niệm nhớ nhất đó là có một lần một bạn trẻ đến bảo: “Bà ơi, cho con mua cái mặt nạ”. Cái ngày đó mới ra cái tờ 500 nghìn ấy. Tôi bảo mua mặt nạ gì thì bạn ấy bảo bà cứ chọn cho con cái mặt nạ nào truyền thống của mình. Tôi lấy ra một cái mặt nạ trâu, tôi nói với nông dân Việt Nam mình thì con trâu là đầu cơ nghiệp. Cháu nó đưa tôi 500 nghìn, tôi trả lại tiền, bây giờ mới có 50 nghìn/mặt nạ hoặc 40 nghìn còn thời đấy thì không đến. Nó bảo tôi là con xin biếu lại ông bà, ông bà cố gắng giữ lấy cái nghề truyền thống này, không có sau mai một mất đi nó phí quá. Thực sự tôi rất là cảm động, 500 nghìn với sinh viên là to lắm chứ nhưng sẵn lòng biếu lại để động viên tinh thần. Tôi thấy những bạn đó rất là trân trọng cái nghề truyền thống này của Việt Nam mình” - nghệ nhân Đặng Hương Lan bồi hồi kể.

45 năm chắc chắn là một hành trình dài. Với công việc làm mặt nạ giấy, để đi được quãng đường xa như vậy cần đến tỉ mỉ, chịu khó, kiên trì và một chút khéo tay như chia sẻ của bà Lan. Và thiếu sao được tình yêu dành cho nghề truyền thống. Hiện tại, vợ chồng bà Lan là hai nghệ nhân duy nhất của phố cổ Hà Nội còn giữ nghề mặt nạ bồi truyền thống. Bởi vậy, tâm nguyện lớn nhất của bà Lan và ông Hòa không gì hơn là đủ sức để tiếp tục đeo đuổi nghề.

Còn gì vui hơn khi vừa được thỏa sức sáng tạo trong công việc truyền thống, vừa nhận được sự ủng hộ và trân quý từ mọi người xung quanh. Sau cùng, những giá trị tinh thần tốt đẹp mà nghề thủ công đem lại chính là nguồn động viên lớn lao để những nghệ nhân như bà Lan, ông Hòa bền bỉ trên hành trình giữ gìn văn hóa truyền thống của Hà thành.