Trong văn hóa Việt, nén hương được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh. Những làng nghề làm hương truyền thống đang góp phần gìn giữ nét đẹp đó.
Thôn Kíp Tước 1, xã Hợp Thành có vẻ đẹp yên bình, hoang sơ. Mới chạm chân đến đầu thôn đã cảm nhận thấy mùi hương ngan ngát tỏa ra từ những ngôi nhà gỗ ngả bóng thời gian. “Mùi hương cũng là mùi của quê hương. Làm hương là nghề truyền thống của người Giáy nơi đây nên ai cũng biết làm hương và làm rất khéo”, anh Vi Văn Hưởng, Trưởng thôn Kíp Tước 1 giới thiệu nét đặc trưng của thôn mình.
Trong xu thế công nghiệp hóa, hương công nghiệp ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Vậy nhưng, với những hộ dân người Giáy làm hương ở thôn Kíp Tước 1 thì vẫn thủy chung với cách làm thủ công, vẫn theo quy trình và bí quyết từ bao đời để lại. Bột hương của người Giáy là tập hợp của nhiều loại thảo mộc, các vị thuốc bắc và các nguyên liệu bí truyền. Theo các nghệ nhân lành nghề, để làm được loại bột hương này, họ phải cân bằng tỉ lệ giữa các loại thảo mộc như thầy lang bốc thuốc, có như vậy, nén hương mới đạt chất lượng như ý.
Nghề làm hương truyền thống của người Giáy thôn Kíp Tước 1, xã Hợp Thành đã có từ lâu đời. (Ảnh: Nguyễn Hải) |
Cả thôn làm hương nên nhà nào cũng tận dụng khoảng sân nhỏ trước nhà để phơi hương. Nhìn từ trên cao như một bức tranh lớn được bài trí họa tiết, hoa văn - những bông “hoa hương” với màu sắc bắt mắt. Đó là màu của những nén hương đang được đem phơi nắng, là màu hồng của những bó tăm hương được nhuộm từ các loại lá tự nhiên, màu sân gạch cũ kỹ rêu phong, màu vàng rơm của thân hương rồi màu nâu của những nguyên liệu đang được phơi khô chờ cán nhỏ làm bột hương...
Ông Vàng Văn Siềng đã có kinh nghiệm gần 40 năm làm hương được ví như “nghệ nhân” của thôn. Tay thoăn thoắt rắc bột lên những chiếc tăm hương nhỏ xinh để tạo khuôn cho nén hương, ông chia sẻ: “Làm hương không quá khó, nhưng để làm ra những nén hương đúng kiểu của đồng bào Giáy thì người làm cần phải làm đúng công thức, có sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, có niềm đam mê và tâm huyết với nghề”.
Bột hương của người Giáy là tập hợp của nhiều loại thảo mộc, các vị thuốc bắc và các nguyên liệu bí truyền. (Ảnh: Nguyễn Hải) |
Từ cách đây nửa năm, những người làm hương như ông Siềng đã lên rừng tìm cây tre mai để làm tăm hương, tìm vỏ các loại cây rừng làm bột hương. Trong khoảng 6 tháng chờ tạo hình, cây tre mai được ngâm dưới ao rồi đem phơi cho kiệt nước, chẻ thành tăm hương, khi đó tăm hương sẽ dễ cháy và đượm nhang. Các loại vỏ cây được phơi khô qua nhiều nắng rồi đem cán thành bột. Qua nhiều khâu lăn qua bột hương và đem phơi, nén hương được hoàn thành có mùi hương của cây lá, của núi rừng.
Trước kia, cả thôn nhà nào cũng làm hương nhưng chỉ với số lượng nhỏ, vừa đủ dùng. Nhưng giờ đây, hương của người Giáy xã Hợp Thành đã trở thành sản phẩm được nhiều người tìm mua, sử dụng bởi mùi hương đặc biệt từ các nguyên liệu thảo dược. Nhiều gia đình sản xuất với số lượng lớn hơn để bán tại các phiên chợ. Ngoài ý nghĩa là nén hương đậm lòng thơm thảo của con cháu dâng kính tổ tiên, với người Giáy, đây còn như bài thuốc có ích cho sức khỏe mỗi khi mỏi mệt và còn là mẹo hay để xua đuổi ruồi muỗi.
Tết Nguyên Đán tới gần, nhu cầu sử dụng hương truyền thống của thị trường càng tăng, do vậy, những người làm hương ở thôn Kíp Tước 1 đang vào mùa bận rộn. Những nén hương thơm thắp lên luôn gợi lên trong ký ức mọi người những khoảnh khắc sum họp, quây quần bên gia đình trong đêm giao thừa hay những ngày lễ tết đầm ấm, an vui. Những người dân tộc Giáy thôn Kíp Tước 1 làm hương truyền thống không chỉ tạo ra sản phẩm bán ra thị trường, nâng cao thu nhập mà còn là sự bảo tồn, lưu giữ nét đẹp truyền thống.