Tại nghĩa trang của tập đoàn cứ điểm đã bỏ hoang từ ngày bị vây chặt, phải chôn xác chết ngay tại chỗ ở bất cứ nơi nào vì không thể đưa ra chỗ tập trung, cỏ dại vẫn cứ mọc đã nở hoa màu trắng và xanh.
Trên đồi A1, nơi đặt cứ điểm Eliane 2, ngay cạnh lối đi độc đạo có một hàng cây phượng vĩ to cao vẫn còn đứng vững, mặc dù những cành trước kia có chim sáo làm tổ nay găm đầy mảnh đạn, những chùm hoa màu đỏ thắm cũng đã bắt đầu nở.
Chỉ có những dãy đồi là hoàn toàn trụi cây cỏ nom như những chiếc đầu trọc bị bom đạn cháy đen. Trong đồi, những binh lính chui rúc như sâu bọ vẫn đang chất đống để được sống sót. Trên cánh đồng, những vết loang lổ như bệnh phong ghi lại những chứng tích các điểm tựa đã bị mất.
Cuộc sống tại Eliane 2 cũng chẳng hơn gì chị em sinh đôi với nó là Eliane 1. Binh lính vẫn phải đối mặt với bộ đội Việt Minh rất linh hoạt đang tích cực cải tạo trận địa, rình bắn tỉa những người lính gác mơ màng hoặc đãng trí.
Trong những ngày gần đây, ngày nào ở Điện Biên Phủ cũng có mưa. Nước mưa làm cho những giao thông hào dài tổng cộng 450 km phủ đầy bùn đặc quánh. Vài ngày nữa, có thể một tuần hoặc vài tuần nữa, mưa sẽ chặn đứng các hoạt động tiến công.
1. Năm giờ chiều ngày 1/5, pháo Việt Minh lại bắt đầu bắn chuẩn bị cho những cuộc tiến công… Sáng ngày 2/5, qua kênh vô tuyến mật Z.13, trung tá Seguin Pazzis từ sở chỉ huy Điện Biên Phủ báo cáo trực tiếp bằng miệng về Tổng hành dinh Hà Nội vì không còn thời gian viết và chuyến thành mật mã nữa:
“Khu vực Trung tâm đã bị mất Eliane 1, Dominique 3, Huguette 5. Ở phân khu Nam, Isabelle 5 cũng đã bị mất nhưng đang tổ chức phản công để giành lại. Tất cả các điểm tựa đều bị Việt Minh tiến đánh với quân số áp đảo. Tất cả pháo binh đối phương đều tập trung bắn vào các cụm pháo và cối của cứ điểm. Không còn một đơn vị dự bị nào nữa. Chúng tôi đang ngăn chặn Việt Minh bằng cách đào các đường hào giữa các điểm tựa với trận địa Việt Minh ở mặt phía Tây. Tướng Castries đề nghị thêm một tiểu đoàn tăng viện nữa nhảy dù xuống ngay trong đêm mai”.
Một lính dù vừa tiếp đất |
Nhưng ở Hà Nội, tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 đang phải chờ suốt một tháng nay mà chưa cất cánh được. Chúng tôi (tức Jean Pouget, sĩ quan tùy tùng của tướng Navarre và số sĩ quan văn phòng đến phút cuối cùng đã phải dốc hết cho chiến trường Điện Biên Phủ - NV), đang chờ đợi.
Những người chuẩn bị lên đường đi Điện Biên Phủ như chúng tôi đang tập trung tại các sân bay vùng châu thổ sông Hồng. Ban ngày, bộ tư lệnh chiến trường đồng bằng sử dụng chúng tôi vào việc càn quét ngăn những xóm làng đang bị Việt Minh thâm nhập.
Đến đêm, chúng tôi lại tập trung canh gác chung quanh những chiếc máy bay trong bãi đậu, chờ đến phiên cất cánh, ngước mắt nhìn những chiếc Dakota đang chở các đơn vị khác lên đường đi Điện Biên Phủ trước chúng tôi.
Những lính dù tự nguyện (tức chưa có bằng tốt nghiệp nhảy dù) đến sân bay bằng xe tải. Trên sân bay, các huấn luyện viên nhảy dù đeo dù vào người giúp họ. Từng người một, những thân hình méo mó, biến dạng vì đeo dù nhảy, ba lô trước ngực và sau lưng, lần lượt leo lên máy bay, ngồi vào những hàng ghế dài bằng sắt, trong khoảng tối om và nóng ruột chờ đợi.
Phải may mắn lắm mới có thể nhảy được ngay trong chuyến bay đầu tiên. Đã nhiều lần, máy bay chưa tới được vùng trời Điện Biên Phủ đã phải quay trở về, hoặc đã bay tới Điện Biên Phủ, lượn vài vòng trên trời rồi lại quay về với toàn bộ số quân vì không nhảy xuống được.
Và thế là lại phải chờ đợi thêm một ngày nữa. Hai trung úy Walter và Poinsignon đã mất ba ngày bay từ Paris đến Hà Nội, nhưng phải chờ mười ngày đêm mới có thể tới Điện Biên Phủ.
Ngày chủ nhật, mùng 2/5/1954, chúng tôi được tự do. Từ lúc mới rạng đông, mọi người đã cởi bộ quân phục rằn ri ngụy trang bằng vải cứng quyện chặt lớp mồ hôi, thay bằng chiếc quần ủi thẳng nếp và chiếc áo sơ mi vải mỏng. Các hạ sĩ quan kiểm tra lại giấy phép ra ngoài doanh trại.
Tôi cùng dự với lính dù người Việt buổi cầu kinh tại một nhà thờ ở Gia Lâm. Trong khi chờ đến giờ ăn trưa, tôi đến văn phòng hậu cứ của tiểu đoàn đặt trong một toà nhà xây theo kiểu cũ của thuộc địa Pháp.
Khi trung úy sĩ quan bước vào phòng cũng là lúc tôi vừa mới ngẩng đầu lên khỏi trang thư đang viết gửi cho một người bạn thân ở rất xa.
Trung úy không để cho tôi kịp trở về từ Hà Nội mà báo tin luôn:
- Báo cáo đại úy. Tôi vừa nhận được điện từ ban tham mưu. Tối nay, tiểu đoàn sẽ nhảy xuống Điện Biên Phủ.
Mọi việc chuẩn bị được hoàn tất trước giờ ăn trưa. Đại đội 2 xuất phát đầu tiên. Đại đội của tôi có thể lên đường ngay trong đêm nay hoặc đêm mai. Để kịp báo tin cho các sĩ quan đang được phép ra khỏi doanh trại, liên lạc phải chạy tới các tiệm cà phê, cửa hàng ăn, nhà ở của các linh mục tuyên úy; quán rượu ở ngoại ô và những ổ gái điếm công khai hoặc bí mật.
Ba phi công xem lại bản đồ Điện Biên |
Việc tập hợp điểm danh trong quân phục nhảy dù được báo trước vào lúc 17h. Như vậy tôi vẫn còn 5 tiếng đồng hồ nữa để “giết thời giờ”. Tôi đến ăn trưa tại nhà ăn của Ban tham mưu tiền phương, gồm một nhóm các sĩ quan tham mưu từ Tổng hành dinh tại Sài Gòn được biệt phái ra Hà Nội để liên lạc chặt chẽ hơn với chiến trường Điện Biên Phủ.
2. Từ ngày 13/3, tướng Bodet là phó của Tổng chỉ huy Navarre ở luôn tại Hà Nội làm việc cùng với các sĩ quan biệt phái tới Tổng hành dinh tiền phương. Ông cũng ăn với các sĩ quan cấp dưới tại nhà ăn chung đặt tại một biệt thự trong khu hành chính. Tôi là người bước vào phòng ăn đầu tiên. Trong lúc chờ đợi, tôi chơi một ván bài, không phải để cầu may vì tôi không mê tín dị đoan mà chỉ để giải trí.
Thiếu tá Jacquelot dẫn đầu một nhóm sĩ quan vừa tới. Ông là người có thâm niên cao nhất và cũng là người đứng đầu cơ quan Tổng hành dinh tiền phương, vóc dáng đẹp với đôi mắt kính trên gò mũi quý tộc lộ rõ vẻ trí thức, nói năng lịch sự với mọi người.
Trung úy Ferrandi phụ trách phòng tình báo quân sự đã làm việc nhiều năm tại Cục quân báo ở Sài Gòn. Mặc dù là một sĩ quan sơ cấp nhưng do làm việc lâu năm trong ngành, hiểu biết rộng, nên Ferrandi được mọi người đặc biệt coi trọng.
Chúng tôi bắt đầu ngồi vào bàn ăn khi tướng Bodet tới. Cặp mắt ông thâm quầng vì thiếu ngủ, trên cằm và má lởm chởm những mảng râu chưa cạo nhẵn. Thực đơn đã được tay đầu bếp sắp xếp cẩn thận, đúng là một bữa ăn ngày chủ nhật, có thịt bê bọc bột mì là món ăn rất hiếm ở Đông Dương, gà giò nấu với kem, cơm trộn mỡ béo, rau xà lách, pho mát và nhiều món đệm.
Ferrandi ngồi trước một đĩa thịt gà trống nấu với rượu nhỏ vẫn còn gây ấn tượng vì đã ăn cơm bằng đũa. Nhưng anh ăn có vẻ không ngon lành, nét mặt vàng võ vì những ngày phục vụ quá lâu, cặp mắt đen vẫn sáng. Giờ đây, tôi đã quên hình ảnh của những nhân vật khác cùng ăn với tôi hôm đó nhưng vẫn còn nhớ câu chuyện trao đổi giữa Jacquelot, Ferrandi và tướng Bodet.
Từ năm mươi ngày nay, ba người này đã theo dõi tình hình Điện Biên Phủ từng giờ một. Trong đêm cuối cùng, họ cũng đã như ngồi canh bên cạnh giường kẻ hấp hối và câu chuyện giữa họ với nhau dĩ nhiên là bàn đến chuyện làm lễ tang.
Lực lượng tăng viện chờ máy bay lên Điện Biên |
Tướng Bodet nói:
- Tướng Navarre báo tin sẽ tới sân bay Bạch Mai vào hồi 16h. Tôi sẽ ra đón.
Jacquelot vừa xiên dĩa vào món ăn, vừa nói như để trả lời tướng Bodet:
- Tôi đã soạn xong bản báo cáo tóm tắt tình hình đêm qua và sáng nay tại Điện Biên Phủ để trình lên ngài Tổng chỉ huy.
- Cuộc phản kích ở Isabelle thế nào?
- Báo cáo cuối cùng cho biết, quân ta đã tới chiếm lại Isabelle 5 nhưng không giữ được. Lalande đã cho lệnh rút.
Tướng Bodet tiếp tục nhận xét về trận phản kích ở Isabelle 5:
- Thật tai hại. Bản thân tôi cũng thấy không còn hy vọng gì nữa. Castries và binh lính của ông ta đã chống cự vượt sự mong đợi của chúng ta, chúng ta không thể mong mỏi điều gì hơn. Thế là hết rồi: Điện Biên Phủ sẽ chết gục trong đêm nay hoặc ngày mai…
Tôi nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, làm ra vẻ như một anh chàng trót quên một cuộc hẹn hò, và nói:
- Đã hai giờ mười lăm rồi. Xin phép tướng quân cho tôi được cáo lui. Tôi có cuộc họp vào lúc hai giờ rưỡi.
- Cứ tự nhiên. Nhưng đến bữa tối lại đến đây với chúng tôi nhé!
- Dạ, không thể được ạ. Tôi vẫn còn mắc bận.
- Thế thì sáng mai vậy!
- Sáng mai, tôi sẽ ăn tại Điện Biên Phủ.
Tôi đã đứng khỏi ghế. Chung quanh bàn ăn, mọi gương mặt như sững sờ. Tướng Bodet cũng đứng dậy, giận dữ nói:
- Sao cậu không nói gì cả?
Ông rời khỏi bàn, bước ra cửa, cơn giận dữ càng bốc cao:
- Thật ngớ ngẩn! Một chính phủ không vững chắc, những tướng lĩnh không tin tưởng, vì thế mà bọn này đêm nào cũng nhảy, từng thằng một xuống đúng mõm con quái vật!
3. Nhưng đêm hôm đó, chúng tôi vẫn chưa nhảy xuống Điện Biên Phủ vì thiếu máy bay. Chỉ có một đại đội của Edme là được xuất phát. Đêm hôm đó cũng chưa có chuyện gì xảy ra tại Điện Biên Phủ, chỉ có sấm chớp báo hiệu giông tố cùng với tiếng nổ của pháo mặt đất và pháo cao xạ. Lại tranh thủ được vài giờ nữa. Chúng tôi còn phải chờ suốt ngày hôm sau.
Trang bị lỉnh kỉnh của một lính dù |
Quân số đại đội 3 của tôi có 135 binh sĩ thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 1. Sau khi đi chơi phố, chúng tôi trở về nơi tập trung. Chờ đợi hàng giờ tại sân bay, giữa nền đất tráng ximăng là chỗ để dù, ba lô, vũ khí xếp ngay ngắn từng hàng như những chiếc ghế trong nhà thờ.
Gian nhà vòm lợp tôn và sắt vang vọng những tiếng nói của chúng tôi như trong gian chính giữa của nhà thờ, nơi hành lễ. Tôi nằm dài trong một góc nhà, giả vờ ngủ. Bên ngoài cơn dông đang ập xuống thành phố. Chúng tôi được những xe cam nhông phủ bạt đưa đến tận chỗ máy bay đậu để tránh bị ướt.
Chúng tôi không nhìn thấy ai bộc lộ thái độ như những người đang còn sống, trừ những nhân viên phi hành phụ trách việc thả dù không nói một câu nào và những phi công tránh né không nhìn chúng tôi.
Máy bay lượn rất cao trên thung lũng lòng chảo. Trong khoảng máy bay tất cả đèn điện đều bị tắt. Chỉ còn một luồng ánh sáng màu xanh nhạt hắt ra từ những bảng điều khiển trong buồng lái, soi chiếu gương mặt tổ lái. Chúng tôi đứng trong khoảng thành hàng dọc, người này đằng sau người khác.
Qua cửa mở để chuẩn bị nhảy dù, tôi ngắm nhìn Điện Biên Phủ, chỉ thấy một hình chữ thập màu đỏ sáng rực trên nền đen, đánh dấu bãi nhảy và hướng thả dù. Khu vực nhảy dài khoảng mười giây đồng hồ bay. Đợt thứ nhất có mười người nhảy với điều kiện là người thứ nhất không chần chừ do dự.
Máy bay nhào xuống đất với độ cao khoảng 300 mét vừa tầm nhảy dù, hướng theo đường dọc của hình chữ thập. Người hướng dẫn đặt tay lên vai tôi. Đó là một dấu hiệu chuẩn bị sẵn sàng. Anh nhắc tôi:
- Hãy cẩn thận quan sát, khi nào thấy dấu hiệu đầu chữ T ở ngay dưới máy bay lúc đó mới nhảy. Đừng để ý đến tín hiệu bật đèn xanh trong khoang lái, vì bọn phi công không có kinh nghiệm bằng chúng tôi đâu.
Pháp vét mọi nguồn lực từ nhân lực đến vật lực cho Điện Biên |
Cùng trong lúc đó, tất cả các loại súng phòng không của Việt Minh bố trí chung quanh thung lũng lòng chảo đồng loạt nhả đạn. Để có thể thả dù đúng địa điểm, máy bay vẫn cứ phải giữ nguyên hướng bay. Những luồng đạn vút lên cao về phía chúng tôi. Ánh đèn xanh trong khoang máy bay cùng một lúc với tiếng chuông reo. Nhìn xuống đất, vạch đỏ hình chữ thập trôi dần về phía trước đã ở ngay dưới mũi máy bay theo chiều thẳng đứng.
Đáng lẽ phải hô khẩu hiệu “Go” rất ngắn gọn theo điều lệnh nhằm thúc giục lính dù nhảy xuống ngay lập tức thì người hướng dẫn lại nói với tôi bằng một giọng như nói chuyện:
- Nhảy xuống đi, thưa đại úy!
Tôi lao ra khỏi cửa máy bay, trôi lơ lửng trong luồng không khí ấm áp, không cảm thấy đau dạ dày mà ngược lại thấy rất dễ chịu. Tôi đã chạm đất mà không nhìn thấy đất. Chung quanh chỉ có những tiếng nổ của đạn pháo rực ánh lửa lung linh. Tôi lăn một vòng trên địa hình gồ ghề rồi cởi bỏ dù, tìm ngay thấy sở chỉ huy không khó khăn lắm.
Lúc này đã quá nửa đêm. Đại tá Langlais đang ngồi ở tận cuối gian hầm, đằng sau một cái bàn gỗ, trên đặt lộn xộn đủ mọi thứ như một quầy hàng trong chợ: những chiếc cả uống nước đủ mọi kiểu, một ấm cà phê, hai chai rượu đã cạn, những mẩu giấy lau miệng, những đồ hộp thức ăn đã mở tung, một khẩu súng ngắn.
Người ông gầy gò, rất gầy, để lộ cả xương sườn cũng như vẻ mặt hốc hác. Giọng nói, ánh mắt, thái độ, cử chỉ đều biểu lộ sự kiệt sức và cả suy nhược thần kinh.
Tình cảnh lính Pháp trên chiến trường |
Tôi nhận ra ngay vóc dáng lực sĩ của Bigeard. Ông đang đứng sát vách hầm, nói chuyện qua một máy bộ đàm. Bigeard không thay đổi mấy tuy có gầy đi chút ít. Ông nói với tôi:
- Đợi đến sáng rõ thì tập hợp đại đội của anh lại. Rồi đi sang Eliane 3. Anh chỉ huy việc phòng ngự ở Eliane 3 nhưng cũng phải sẵn sàng để tham gia phản kích giành lại Eliane 2. Trong lúc chờ sáng, hãy ngủ đi một lát.
Tôi không ngủ mà thảo luận các chi tiết nhiệm vụ với các sĩ quan tham mưu. Khoảng hơn hai giờ sáng tôi đến gian hầm lớn, nơi đặt bộ tư lệnh Binh đoàn tác chiến Tây Bắc, gọi tắt là GONO.
Đại tá Seguin Pazzis tiếp đón tôi với vẻ lịch sự vốn có và nụ cười hóm hỉnh. Từ góc hầm một loa phóng thanh đang lên tiếng rè rè. Có ai đó từ đầu bên kia đang gọi:
- Yêu cầu tăng viện gấp. Tôi nhắc lại là tình hình rất phức tạp. Chúng tôi bị tiến công đồng loạt từ khắp mọi phía. Việt Minh đã bám chân được ở nhiều nơi. Tăng viện gấp. Hết!
Có tiếng trả lời lạnh lùng vang lên trong loa:
- Rõ rồi. Tôi sẽ làm mọi việc cần thiết.
Pazzis nói với tôi:
- Đó là Huguette 4 đấy. Chúng tôi đã đoán trước cuộc tiến công này. Trong cứ điểm có một đại đội dù, do Luciani chỉ huy, với tám chục lính dù lê dương và vài lính Marốc.
(Còn tiếp)