Diễn biến vụ người nuôi cá tầm trong nước điêu đứng: Kiểm tra hoạt động nhập khẩu cá tầm trong phạm vi toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (Cơ quan CITES) lập đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động nhập khẩu cá tầm, từng bị phản ánh là trái với quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và pháp luật Việt Nam.
Cá tầm lai tạp “đội lốt” thuần chủng nhập ồ ạt về trong nước đang gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá trong nước.
Cá tầm lai tạp “đội lốt” thuần chủng nhập ồ ạt về trong nước đang gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá trong nước.

Theo Cơ quan CITES, để đảm bảo hoạt động nhập khẩu cá tầm tuân thủ đúng quy định của CITES, pháp luật Việt Nam và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, kinh doanh, Cơ quan CITES Việt Nam tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động nhập khẩu cá tầm trong thời gian 2 tháng từ 24/5/2022 đến 24/7/2022.

Ngoài Trưởng đoàn là Cơ quan CITES, thành viên tham gia đoàn kiểm tra gồm có: đại diện Thanh tra Bộ NN&PTNT, Vụ Pháp chế Thanh tra – Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Hải quan, Cục Thú y, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Cục An ninh nông nghiệp nông thôn, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, Viện Nghiên cứu hệ gen và Chuyên gia độc lập.

Theo Cơ quan CITES, việc lập đoàn để kiểm tra hoạt động nhập khẩu nhằm xác định được sự phù hợp giữa loài cá tầm nhập khẩu (lấy mẫu từ các lô hàng, bể lưu giữ...v.v) với loài cá tầm ghi trên giấy phép CITES đã cấp cho các doanh nghiệp. Đánh giá việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp được kiểm tra trong việc nhập khẩu, lưu giữ và chế biến cá tầm. Nếu phát hiện vi phạm sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng về giải pháp xử lý.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong 246 kết quả giám định ADN ty thể cá tầm thực hiện trong năm 2021, chỉ có 24 mẫu tương đồng với trình tự gen của loài cá tầm Amur, 2 mẫu tương đồng với cá tầm Sterlet, nhưng có tới 220 mẫu vừa tương đồng với loài Siberi vừa tương đồng với trình tự gen của cá tầm Nga. Điều này cho thấy thực trạng số lượng cá tầm lai tạp trên thị trường hiện nay.

Đáng chú ý, trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho hay: Kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Viện cho thấy một lô cá tầm có thể có nhiều loại cá tầm khác nhau hoặc mẫu cá tầm nhập khẩu giám định đều có kết quả tương đồng với các loại cá tầm khác, không có loại thuần chủng; không có mẫu nào được kết luận là cá tầm Siberi như khai báo của doanh nghiệp và nội dung giấy phép CITES do Cơ quan CITES cấp.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay đang có 16 doanh nghiệp đã tham gia nhập khẩu cá tầm, trong đó có một số doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu cá tầm như: Công ty TNHH Thủy Hải sản Sỹ Hưng, Công ty TNHH Thủy Hải sản Thanh Tú, Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Hưng, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ XNK Hòa Hưng. Các lô cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc, qua các cửa khẩu đường bộ và theo khai báo hải quan là cá tầm Siberi hoặc cá tầm Nga Acipenser Gueldenstaedtii.

Theo Cơ quan CITES, hiện Việt Nam chỉ cho phép nhập khẩu mẫu vật cá tầm sống từ Trung Quốc; và trứng cá tầm thụ tinh từ Đức và Nga. Trung bình hàng năm, nước ta nhập khoảng 2.500 tấn cá sống, và 20kg trứng cá. Với mẫu vật cá tầm sống, Việt Nam cho phép nhập 2 loài là cá tầm Siberi và cá tầm Nga. Trong năm 2021, CITES Việt Nam đã cấp giấy phép cho khoảng 3.000 tấn cá tầm sống nhập vào Việt Nam.

Trước đó, như Báo PLVN đã thông tin, Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng phản ánh: Trong thực tế, từ đầu năm 2021, cá tầm Trung Quốc nhập khẩu không kiểm soát được số lượng, chủng loại có mặt tràn lan tại thị trường Việt Nam và có hiện tượng bán phá giá, đe dọa ngành chăn nuôi cá tầm trong nước, làm cho các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình chăn nuôi cá tầm đứng trên bờ vực phá sản. Tháng 10/2021 đến nay, Hiệp hội này tiếp tục phản ánh doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam vi phạm pháp luật không bị cấm mà vẫn tiếp tục được nhập khẩu với số lượng lên đến hàng ngàn tấn.

Trao đổi với PV, đại diện Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng cho biết: Hiệp hội cũng nhận được công văn của Cơ quan CITES đề nghị cử cán bộ tham gia đoàn liên ngành nói trên và Hiệp hội đã cử 3 nhân sự tham gia, trong đó có ông Nguyễn Tất Ngà, Phó Chủ tịch Hiệp hội, GS.TS Võ Ngọc Thám, chuyên gia giám định thủy sản.

Cho rằng Hiệp hội cũng đã nhiều lần kiến nghị lên Thủ tướng cũng như các bộ liên quan để có kết luận khoa học, minh bạch do đó việc kiểm tra nêu trên là cấp bách và cần thiết. “Với mong muốn góp phần đảm bảo hoạt động nhập khẩu cá tầm tuân thủ đúng đủ quy định của CITES quốc tế và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như nhằm bảo vệ ngành nuôi cá tầm Việt Nam trước nguy cơ phá sản vì sự cạnh tranh của cá tầm nhập khẩu trái pháp luật, chúng tôi ủng hộ việc tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành theo sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và sẽ tích cực đóng góp cho kết quả kiểm tra đạt hiệu quả cao nhất” - đại diện Hiệp hội nói.

Cũng cần nhắc lại, tại cuộc họp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hoạt động nhập khẩu cá tầm tổ chức vào hồi cuối tháng 4/2022, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan khoa học CITES không được đưa ra kết quả giám định chung chung đối với cá tầm nhập khẩu. Đồng thời cho biết Bộ này sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu cá tầm hiện nay.

Đọc thêm