Bản án 14 năm tù “rơi xuống đầu” cựu giáo viên!

(PLO) - Là một giáo viên trong quân đội về hưu, bà Nguyễn Thị Ngọc Tín không ngờ có một ngày “bỗng dưng” mình lại mang một bản án cực kỳ nghiêm trọng… 14 năm tù. Chỉ vì, cho một doanh nghiệp vay 3,5 tỷ đồng, khi đến nhận tiền, bà bị quy kết là đồng phạm trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tín, sinh năm 1956, là giáo viên trong quân đội đã nghỉ hưu năm 2009
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tín, sinh năm 1956, là giáo viên trong quân đội đã nghỉ hưu năm 2009
Đâu là sự thật?
Báo Pháp luật VN nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Ngọc Tín, sinh năm 1956, là giáo viên trong quân đội đã nghỉ hưu năm 2009, trú tại đường Nguyễn Tri Phương, phường 6, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Bà Tín là người bị truy tố xét xử với tư cách là bị cáo đồng phạm trong vụ án “Nguyễn Thi Đặng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” tại Bản án sơ thẩm số 368/2012/HSST của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử ngày 10,13 và 14 /08/2012 và Bản án phúc thẩm số 04/2013/HSPT ngày 09/01/2013. Bà Tín khẳng định, các bản án, kết luận, cáo trạng của cơ quan tố tụng đã không xem xét khách quan sự việc, dẫn đến kết án oan sai cho bà.
Theo đơn trình bày, tháng 1/2008, Nguyễn Thị Đặng, Giám đốc Công ty TNHH Đặng Phát đến đặt vấn đề vay tiền của bà Tín. Đặng cung cấp cho bà Tín một Hợp đồng kinh tế số 0811 mua hàng thép xây dựng giữa Công ty TNHH Đặng Phát với Công ty Techsimex. Đặng nói rằng muốn vay 3,5 tỷ đồng sử dụng để đóng đối ứng mua hàng. Ngoài hợp đồng, Đặng còn kèm theo một cam kết tín dụng của của Ngân hàng Thương mại CP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh – Chi nhánh Thăng Long do Giám đốc Hồ Nam Tiến ký ngày 10/12/2007, biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty Đặng Phát đồng ý đối với khoản tiền vay trên
Việc vay mượn có viết biên nhận và đã giao nhận tiền đầy đủ, đúng như thỏa thuận. Tuy nhiên, quá thời hạn trả nợ, Nguyễn Thị Đặng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng cam kết. Vì vậy, bà Tín đã khởi kiện Nguyễn Thị Đặng ra Tòa án nhân dân quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) để đòi nợ.
Ngày 09/2/2009, TAND quận Tân Phú thụ lý vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Do không hiểu biết hết các quy định của pháp luật nên bà Tín đã khởi kiện Nguyễn Thị Đặng với tư cách cá nhân chứ không phải tư cách pháp nhân là Giám đốc Công ty TNHH Đặng Phát.
Bản thân Nguyễn Thị Đặng cũng đã thừa nhận có việc vay mượn này. Cụ thể,  ngày 24/6/2009, tại Tòa án nhân dân quận Tân Phú, Đặng viết trong bản khai: Việc ký giấy nợ ngày 09/1/2008 là tôi làm giám đốc đại diện Công ty TNHH Đặng Phát, ký với danh nghĩa đại diện Công ty. Do lúc đó, Công ty cần tiền mua bán sắt thép chứ không phải phục vụ cho cá nhân tôi…
 Vì vậy, Tòa án đã hướng dẫn bà Tín rút đơn để làm lại thủ tục. Nội dung này được thể hiện đầy đủ trong Biên bản xin rút đơn ngày 15/9/2009 gửi TAND quận Tân Phú của bà Tín. Ngày 15/9/2009, TAND quận Tân Phú có Quyết định số 290/2009/QĐST-DS đình chỉ giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, kết luận điều tra, cáo trạng và các bản án đều nhận định bà Tín đã “ép” bà Đặng viết giấy nhận vay nợ và không có khoản vay nên TAND quận Tân Phú mới đình chỉ vụ án (?!). Nhận định này, bà Tín cho rằng không đúng vì bà là giáo viên về hưu, sức khỏe yếu nên không thể ép buộc Đặng viết giấy vay nợ được.
Đây là một tình tiết mấu chốt, làm thay đổi bản chất vụ án nhưng cả giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan chức năng đã xem nhẹ và không “đi đến cùng” bản chất vụ việc.
Đầu năm 2010, Đặng thông tin cho bà Tín biết được sắp có nguồn tiền hàng chuyển về tài khoản Công ty TNHH Dương Hùng (do bà Đặng đứng đầu). Vì mong muốn thu hồi nợ nên bà Tín đã đồng ý cho Đặng vay tiếp 800 triệu đồng (tiền chi phí cho ngân hàng). Tháng 2/2010, bà Tín cùng Đặng ra Hà Nội rút tiền từ tài khoản Công ty.
Khi bà Tín nhận lại khoản tiền mà Đặng đã vay từ trước thì mới phát hiện ra khoản tiền này là do Đặng lừa đảo mà có. Bà Tín vô hình trung trở thành “đồng phạm” trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà Đặng là người cầm đầu. Bản án Phúc thẩm ngày 09/1/2013 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tuyên phạt bị cáo Tín 14 năm tù giam (bằng mức với bị cáo Đặng – chủ mưu).
Từ năm 2013 đến nay, bà đã ngày đêm đi nhiều nơi, gửi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết.
Nhân chứng là đối tượng… truy nã?
Trong kết luận điều tra, cáo trạng và các bản ánh có đề cập đến đối tượng Bùi Thị Kim Oanh (tên thật là Bùi Thị Lập). Oanh là đối tượng chính, mắt xích quan trọng nhất đạo diễn, chắp mối mọi quan hệ từ việc thuê tiền đến việc tính toán rút tiền để chiếm đoạt.
Oanh từng có mối quan hệ rất mật thiết trong vụ thuê và mượn tiền cho Đặng từ năm 2008. Trong vụ án này, Oanh cũng là người rất tích cực trong việc tìm nguồn tiền và móc mối với Hiển làm thủ tục rút tiền cho Đặng. Tuy nhiên, trong kết luận, cáo trạng và các bản án lại xác định Oanh là... nhân chứng.
 
Vậy, Oanh là người như thế nào? Năm 1993, Oanh bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên phạt tù về hành vi “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo điều 275 Bộ luật Hình sự. Khi có quyết định thi hành án, Oanh đã bỏ trốn. Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã có Lệnh truy nã số 04 ngày 15/09/2005.
Trong thời gian trốn lênh truy nã, Oanh đã tham gia vào vụ án này. Mặc dù đã có lệnh truy nã cùng với vai trò giúp sức đắc lực như vậy nhưng cơ quan điều tra vẫn không ra lệnh bắt và không điều tra xác minh các hành vi nghiêm trọng của Oanh mà lại xác định là... nhân chứng.
Khi phát hiện ra điều này, bà Tín đã báo cáo cho ông Thức, Điều tra viên (Công an TP.Hà Nội) nhưng không hiểu sao thông tin quan trọng này không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Hiện bà Tín đã có đơn kêu oan gửi đến Tòa án nhân dân tối cáo và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để các cơ quan xem xét kháng nghị, giám đốc thẩm.
Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, do không đồng ý với kết quả xét xử và quyết định của bản án sơ thẩm nên bà Tín đã có đơn kháng cáo kêu oan lên Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội.
Tại phiên xét xử lần thứ nhất, ngày 12/12/2012 do trùng vào ngày chôn cất hài cốt mẹ bà  Tín (di chuyển hài cốt mẹ tôi từ TP. Hồ Chí Minh về Hưng Yên), nên bà đã không thể tham gia phiên tòa và  có đơn xin hoãn để lo tang lễ cho mẹ tôi và được chấp thuận.
Tại phiên xét xử lần thứ 2, ngày 09/01/2013, bà Tín đã mua vé chuẩn bị ra Hà Nội tham dự phiên tòa nhưng cách ngày diễn ra phiên tòa hai ngày bà đã đã bị ốm đột ngột, phải cấp cứu tại bệnh viện 175 của Bộ Quốc phòng. Tại đây, bác sỹ kết luận bà bị tim mạch, huyết áp tăng độ 3 và tiểu đường tuýp 02 (có giấy xác nhận của bệnh viện).
Chồng bà Tín (là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) đã đem giấy tờ xác nhận của bệnh viện, để xin hoãn xử. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà cũng bị ốm không thể dự phiên tòa để bảo vệ cho thân chủ nhưng vẫn không được Tòa chấp nhận với lý do là việc vắng mặt của tôi không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi theo khoản 2, điều 245 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Và phiên tòa vẫn được xét xử, vì không có mặt tại tòa để minh oan cho mình nên tòa tuyên y án sơ thẩm là 14 năm tù.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, lý do nêu trên của Hội đồng xét xử phúc thẩm là không thuyết phục, vì khoản 2 điều 245 Bộ Luật tố tụng quy định: “Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt. Trong các trường hợp khác thì phải hoãn phiên tòa”.
Trường hợp của bà Tín trong vụ án này là đã có kháng cáo với nội dung “kêu oan” do vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận hoãn phiên tòa đồng thời y án sơ thẩm đối với tôi là đã ra bản án không có lợi cho bị cáo.
Do vậy, Luật sư Kiệm khẳng định Hội đồng xét xử phúc thẩm đã vi phạm khoản 2 điều 245 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Mặt khác, theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp và Nghị quyết số 49NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 để việc xét xử vụ án hình sự theo nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác...; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà. 
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 187, khoản 2 Bộ luật tố tụng hình sự  số: 19/2003/QH11
quy định: 
Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây:
a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.
Điểm b, mục 3.2 Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
Trường hợp người vắng mặt không có lý do chính đáng là bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị, thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ có thể xét xử vụ án vắng mặt họ trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 187 của BLTTHS;
Như vậy ngoài các trường hợp quy định tại Điều 187, khoản 2 Bộ luật tố tụng hình sự  số: 19/2003/QH11 thì tất cả các trường hợp còn lại bắt buộc khi xét xử phải có mặt bị cáo, nếu không có mặt thì phải hoãn phiên tòa.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm