Bị kết tội oan, đến chết vẫn còn đơn kêu cứu (Kỳ 1)

(PLO) -Vụ án xảy ra từ năm 2008 và đến nay, một bị cáo đã chết nhưng người con vẫn tiếp tục thay cha đội đơn kêu oan. Đáng nói là ngay các cơ quan tố tụng cũng có sự bất nhất khiến dư luận không biết đâu mà lần.

Bị kết tội oan, đến chết vẫn còn đơn kêu cứu (Kỳ 1)
Suốt tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng, khi nền kinh tế bước sang cơ chế thị trường, ông không nề hà khi được giao làm giám đốc một doanh nghiệp. Vậy nhưng, chua chát thay khi bước sang 48 năm tuổi Đảng, ông lại vướng lao lý với nhiều uẩn khúc…
Tổ chức khai thác đất trồng mía
Theo nội dung bản án, Nhà máy đường Nước Trong được UBND tỉnh Tây Ninh thành lập ngày 17/9/1992 và ông Nguyễn Văn Sỹ được giao làm Giám đốc, hai ông Nguyễn Ngọc Thạnh và Lê Văn Lập làm Phó Giám đốc. Thực hiện chủ trương tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy, ngày 10/12/1992, ông Sỹ thành lập Tổ sản xuất mía của nhà máy do ông Trần Hoàn Kiếm làm Tổ trưởng; bà Trương Thị Kim Chi làm kế toán và ông Lâm Thanh Vinh làm thủ quỹ; đây là đơn vị hoạch toán báo sổ, có nhiệm vụ sản xuất mía, tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy. 
Khi thành lập, tổ này nhận bàn giao công nợ phải trả của Ban đời sống gần 180 triệu đồng, 1 máy cày trị giá 30 triệu đồng, 2 máy ủi trị giá 80 triệu đồng. Sau đó, Tổ hợp đồng sản xuất với các cá nhân Dương Thành Dân, Đào Ngọc Hiệp, Huỳnh Văn Trường, Bùi Thanh Nghị, Võ Hùng Cường và Đặng Văn Ken.
Để có đất sản xuất, ngày 7/6/1993, ông Sỹ đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông lâm Tây Ninh và UBND huyện Tân Châu cho nhà máy mượn Tiểu khu 41 (TK) của Lâm trường Tân Châu để trồng mía và được Sở Nông nghiệp đồng ý, Lâm trường Tân Châu ký hợp đồng cho mượn 690 ha, trong đó có 176 ha đất còn rừng và 514ha đất không còn rừng trong 20 năm (1993 – 2013). Ngày 20/8/1993, ông Kiếm đại diện một số cá nhân làm đơn và được ông Sỹ cho mượn đất TK 41 để trồng mía; riêng 176 ha rừng thì bàn giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Chàng Riệc. 
Các bị cáo tại phiên xét xử.
 Các bị cáo tại phiên xét xử.
Sau đó, ông Kiếm tổ chức khai hoang, đền bù thu hồi và giao đất cho các cá nhân trồng mía. Do một số người bao chiếm trước năm 1993, nên ông Kiếm báo cáo và được lãnh đạo nhà máy đồng ý đền bù và từ năm 1993 đến 1995, ông Kiếm đền bù và thu hồi đất của 102 người với số tiền là 285 triệu đồng; diện tích đất chưa bị bao chiếm thì tổ này khai hoang và sử dụng 514 ha. 
Theo Cơ quan điều tra, trong quá trình khai hoang, ông Sỹ và ông Kiếm đã mở rộng sang một số vùng lân cận và để tăng công suất nhà máy, ngày 10/1/1994 ông Sỹ làm Tờ trình số 41 xin mở rộng vùng nguyên liệu thuộc khu Bàu Bền, Bàu Rắn Hổ, Hóc Thùng Phi. 
Như vậy, vào năm 1995 ông Kiếm khai hoang đền bù thu hồi giao cho các cá nhân quản lý và sử dụng tòan bộ TK 41 và gần 830 ha đất mở rộng. Chi phí khai hoang, đền bù được sử dụng từ nguồn tạm ứng của nhà máy và cá nhân có nhu cầu nhận đất trồng mía; cá nhân không nộp tiền thì ghi nợ, khi thu hoạch mía sẽ trả.
Bị án tù vì lợi dụng chức vụ?
Cơ quan điều tra quy kết, từ năm 1993 đến 1997, ông Sỹ, Thạnh và Kiếm là người có chức vụ, quyền hạn đã quản lý, sử dụng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng trái phép đất trong TK 41 và các vùng mở rộng. Đến ngày 25/11/1997, UBND tỉnh Tây Ninh có quyết định giao 1.936 ha đất tại TK 41, 42,43 cho UBND huyện Tân Châu để bố trí đất sản xuất lâu dài. 
Tháng 5/1998, UBND huyện này giao diện tích đất trên cho hai xã Tân Hội, Tân Hà để cho người dân sản xuất và 2 xã này đã thông báo cho người dân đang canh tác trên diện tích đất này kê khai để cấp giấy chứng nhận. 
Lợi dụng việc cho đăng ký, kê khai để cấp giấy chứng nhận, việc lãnh đạo nhà máy buông lỏng quản lý nên các hộ dân đang canh tác trên đất TK 41 và khu vực mở rộng tự ý kê khai để cấp giấy chứng nhận; đồng thời, các ông Sỹ, Thạnh, Kiếm đã dùng thủ đoạn cho người thân kê khai nguồn gốc đất tự khai hoang để xin cấp giấy chứng nhận trong khi biết rõ đây là đất của nhà máy mượn để trồng mía.
Ngày 3/4/2008, TAND tỉnh Tây Ninh xét sơ thẩm tuyên ông Sỹ 6 năm tù, ông Kiếm 7 năm từ và ông Thạnh 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Không đồng ý, các bị cáo kháng cáo kêu oan. Ngày 9/9/2008, Tòa Phúc thẩm Tối cao mở phiên phúc thẩm đã chỉ ra nhiều vi phạm của bản án sơ thẩm.
Cụ thể, Công văn số 41 ngày 10/1/1994 được cấp phúc thẩm cho rằng là để mở rộng vùng nguyên liệu dưới hình thức là đầu tư chăm sóc mía và đầu tư trồng mới trong vụ hè - thu cho các đối tượng, trên cơ sở đó nhà máy sẽ thu mua lại, không có chuyện mượn thêm đất của lâm trường ngoài TK 41; ngoài ra không có chứng cứ xác định nhà máy mượn đất ở khu vực khác của lâm trường. 
Bởi vậy, cấp sơ thẩm kết luận phần diện tích đất mượn của nhà máy có mở rộng sang các TK 40,42,43 để quy kết trách nhiệm cho các bị cáo là không có căn cứ. Thứ nữa, theo Quyết định số 226 ngày 14/12/1998 của UBND tỉnh Tây Ninh thì ban lãnh đạo nhà máy thời điểm này ông Sỹ không còn là giám đốc, không còn chức vụ, quyền hạn đối với nhà máy nữa. Tương tự, ông Kiếm sau khi Tổ sản xuất bị giải thể vào tháng 11/1995 nên yếu tố công vụ của ông này cũng chấm dứt.
Quyết định số 58 ngày 14/7/1995 của UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho thấy việc quyết định về tài sản của nhà máy kể cả đất đai do Giám đốc Cty Mía đường Tây Ninh hoặc Giám đốc nhà máy quyết định (nếu được Giám đốc Cty Mía đường Tây Ninh ủy quyền). 
Mặc khác, các quyết định giao đất của UBND tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Châu đã cho thấy việc quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương cũng như việc kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận theo pháp luật đất đai thuộc thẩm quyền của UBND các cấp, không phải của nhà máy, nên không phụ thuộc vào yếu tố công vụ của các bị cáo đối với việc giao đất, cấp giấy chứng nhận. Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại.
(Còn tiếp)

Đọc thêm