Chùa huyền kỳ (Hà Nội): Vành đai bảo vệ di tích bị xâm hại

(PLO) - Hơn chục năm nay, vành đai bảo vệ chùa Huyền Kỳ (có tên là Hiển Linh Tự) bị Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu tổng hợp Tân Phú xâm hại nghiêm trọng, gây khó khăn cho các phật tử tu tập và bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, đến nay chính quyền sở tại vẫn chậm trễ trong việc xử lý.
Di tích lịch sử văn hóa bị “xẻ thịt”
Chùa Huyền Kỳ (thôn Huyền Kỳ, xã Phú Lãm, quận Hà Đông, TP Hà Nội) được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa năm 1992 và thiết lập vùng bảo vệ di tích với tổng diện tích là 7.479m2.
Vào những năm 1976-1977 với chủ trương ưu tiên phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nên UBND xã Phú Lãm đã đồng ý cho Hợp tác xã (HTX) sơn mài Huyền Kỳ chuyển cơ sở sản xuất về chùa Huyền Kỳ. Tuy nhiên, khi chuyển về đây, HTX lại mở rộng và lấn chiếm vào đất chùa. Năm 1992, HTX làm ăn thua lỗ và ngừng sản xuất, chờ giải thể. Nhưng không hiểu sao, ngày 11/12/1997, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 3.367m2 đất thuộc vùng bảo vệ 2 chùa Huyền Kỳ cho HTX sơn mài Huyền Kỳ?
Đến ngày 26/4/1998, HTX giải thể. Sau đó, lấy danh nghĩa liên doanh, liên kết với HTX, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu tổng hợp Tân Phú (Cty Tân Phú) đã vào xây dựng nhà xưởng và tiếp tục xâm hại đất chùa, cho doanh nghiệp thuê lại và xây nhà cho cá nhân thuê sinh sống. 
Cụ Vũ Khắc Luân (người cao niên thôn Huyền Kỳ) cho biết: Xưởng may, xưởng phun sơn của Cty Tân Phú không chỉ gây tiếng ồn lớn mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu vực nhà chùa. Nhất là những ngày lễ, trong khi nhà chùa, phật tử, các cụ cao niên và du khách thập phương làm lễ thì nhà xưởng của Cty Tân Phú phát ra tiếng động ầm ầm, mùi hóa chất nồng nặc, công nhân vô tư đi lại cười đùa. Hiện, chùa Huyền Kỳ lọt thỏm và bị vây hãm bởi các kiến trúc tạp nham của Cty Tân Phú.
Vì sao chỉ đạo của thành phố chưa được thực hiện?
Báo cáo số 868/TNMT-KH ngày 1/4/2009 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội khẳng định: “Việc liên kết  giữa HTX sơn mài Huyền Kỳ và Cty Tân Phú là chưa đầy đủ về thủ tục. Vị trí khu đất nằm trong vành đai 2 khu vực bảo vệ di tích, nằm trong khu dân cư thôn Huyền Kỳ nên phải di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi vị trí trên, nhằm đảm bảo quy định vành đai bảo vệ di tích lịch sử văn hóa…”.
Ngày 19/10/2012 UBND TP Hà Nội có Văn bản số 8282/UBND-TNMT yêu cầu UBND quận Hà Đông khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất của HTX sơn mài Huyền Kỳ. Đến ngày 28/12/2012, UBND quận Hà Đông có Quyết định số 15160/QĐ-UBND thu hồi diện tích đất mà Cty Tân Phú đang sử dụng trên khu vực bảo vệ di tích chùa Huyền Kỳ.
Tuy nhiên, vụ việc không được quận Hà Đông giải quyết triệt để nên ngày 17/6/2013, UBND TP Hà Nội tiếp tục có Công văn giao UBND quận Hà Đông kiểm tra, xem xét kiến nghị của công dân thôn Huyền Kỳ về việc giao phần diện tích đất thu hồi của HTX cho nhà chùa; giao Sở TN&MT lập hồ sơ trình UBND thành phố quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của HTX sơn mài Huyền Kỳ.
Đến nay, Cty Tân Phú vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan chùa và bức xúc cho nhân đân thôn Huyền Kỳ cũng như các phật tử. Đề nghị UBND TP Hà Nội đôn đốc vụ việc và xem xét trách nhiệm của các cá nhân khi để kéo dài vụ việc trên. 

Đọc thêm