Kim Bảng (Hà Nam): Bị hại biến thành bị can

(PLO) - Nhận sai vì đã chiếm đoạt tiền mua đất của một người dân, vợ chồng cán bộ địa chính xã Đại Cương (huyện Kim Bảng, Hà Nam) đã chấp nhận đền bù 400 triệu đồng để tránh rắc rối. Thế nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Bảng lại cho rằng người dân đã có hành vi “gây sức ép” để chiếm đoạt tiền của cán bộ địa chính nên tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Con trai bị can Bản gửi đơn kêu oan  cho bố.
Con trai bị can Bản gửi đơn kêu oan cho bố.
Bị cán bộ địa chính chiếm đoạt tiền
Năm 1998, biết được chính quyền có chủ trương giao đất ở, gia đình ông Nguyễn Văn Bản (SN 1953, trú tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, Hà Nam) đã nộp cho ông Hồ Văn Mênh (lúc đó là cán bộ địa chính xã Đại Cương) tổng cộng 22,9 triệu đồng với mong muốn được hợp thức hóa 1.500m2 đất ao thầu do gia đình đang sử dụng.
Sau khi được chính quyền đồng ý giao 765m2 đất ở vào cuối năm 1999, gia đình ông Bản tiếp tục chờ được hợp thức hóa diện tích ao còn lại và nộp thêm cho ông Mênh 500.000 đồng vào năm 2003. Nhưng sau nhiều năm chờ đợi và cất công tìm hiểu thì ông Bản mới biết ông Mênh chỉ nộp hộ mình 11 triệu đồng vào ngân sách xã, 12,4 triệu đồng còn lại đã bị “ỉm” mất.
Thấy bị thiệt thòi do không được chính quyền giao đất, khoảng tháng 6/2014,  ông Bản nói với ông Mênh:  “Ông xem chỗ đất nhà tôi thế nào, tôi thấy đất thu đắt hơn nhà hàng xóm”. Sau khi kiểm tra, ông Mênh thừa nhận việc thu tiền ngoài hóa đơn của ông Bản nên đưa ra ý kiến: “Thế bây giờ ông tính kiểu gì, tính lãi hay tính sang vàng?”.
Sau nhiều lần nói chuyện, hai bên chấp nhận mức tiền bồi thường là 400 triệu đồng vì theo cách tính của vợ ông Bản là “số tiền nộp cho ông Mênh ngày ấy tương đương một suất đất, theo thời điểm bây giờ thì phải 6 đến 7 trăm triệu đồng”.
Tuy nhiên, ông Mênh còn chiếm đoạt tiền của nhiều người dân khác cũng với thủ đoạn tương tự. Do vậy, đến tháng 11/2014 thì ông này đã bị khởi tố, bắt giam về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Trong quá trình bị tạm giam, bị can Mênh đã khai ra việc đưa 400 triệu cho gia đình ông Bản. Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Bảng cho rằng ông Bản đã có hành vi “gây sức ép” buộc vợ ông Mênh phải giao tiền nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông này về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Bút tích nhận tiền của ông Mênh.
Bút tích nhận tiền của ông Mênh. 
Thỏa thuận dân sự bị hình sự hóa? 
Bình luận về vụ án trên, Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Hòa Lợi, Hà Nội) cho rằng, có thể hiểu việc gia đình ông Bản và ông Mênh thống nhất trả cho nhau 400 triệu đồng là một thỏa thuận dân sự. Trong vụ việc này, ông Mênh chiếm đoạt tiền và gây ra thiệt hại cho gia đình ông Bản là có thật. Pháp luật không cấm hai bên thỏa thuận và cũng không khống chế mức tiền mà hai bên bồi thường cho nhau. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân thì phải bồi thường; các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường…
Luật sư Thành cho biết thêm, kể cả khi hành vi chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại của ông Mênh có dấu hiệu hình sự thì pháp luật cũng không cấm hai bên thỏa thuận bồi thường, thậm chí còn khuyến khích việc này vì thiệt hại càng được khắc phục sớm thì càng tốt. Ngoài ra, tình tiết “bồi thường, khắc phục hậu quả” còn được coi là một tình tiết giảm nhẹ khi xem xét trách nhiệm hình sự của người có lỗi. 
Như vậy, phải chăng việc hình sự hóa quan hệ thỏa thuận bồi thường như trên là đi ngược với quy định của luật. Nếu cứ hình sự hóa như vậy thì còn bị hại nào dám tự thỏa thuận với người phạm tội để được nhận tiền bồi thường?
Theo quy định tại Điều 135 BLHS (tội cưỡng đoạt tài sản) thì người phạm tội phải có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn “uy hiếp tinh thần người khác”. Tuy vậy thì Kết luận điều tra của cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Bảng cũng chỉ kết luận hành vi của bị can Bản là lợi dụng thời điểm ông Mênh đang bị thanh tra, kiểm tra để “gây sức ép” buộc bà Lương (vợ ông Mênh) phải đưa 400 triệu trái ý muốn. 
Rõ ràng, CQĐT cũng chỉ thừa nhận mức độ của hành vi là “gây sức ép” chứ chưa đến mức nghiêm trọng là “uy hiếp tinh thần người khác”?
Trong vụ việc này, cái gọi là “gây sức ép” của bị can Bản chỉ dừng lại ở câu nói “ông bà tính thế nào thì tính, sau này có chuyện gì xảy ra thì đừng trách tôi chỗ bạn bè quen biết không nói trước” chứ không có bất cứ lời nói, hành vi đe dọa dùng vũ lực hay dọa tố cáo nào cả.  Câu nói trên liệu có đủ mức “uy hiếp” được tinh thần vợ chồng ông Mênh khi nhiều người cho rằng đây là câu nói cửa miệng của rất nhiều người khi có mâu thuẫn tiền nong với nhau.
Rồi khi vợ ông Bản không đồng ý bồi thường 300 triệu thì ông Mênh còn bảo vợ: “Bà nghe tôi vào nhận trả thêm cho tròn 400 triệu đồng để bà ấy (tức vợ ông Bản) yên đi”. Nghe xong, bà Lương đồng ý và còn nói với vợ ông Bản: “Tôi xin trả ông bà 400 triệu”.
Tại sao bà Lương đã nói “tôi xin trả” mà cơ quan CSĐT vẫn cho rằng bà này trả tiền “trái ý muốn”. Cứ theo những diễn biến khách quan và lời nói trên thì có thể thấy, vợ chồng ông Mênh còn có ý mong muốn phía bên kia nhận tiền để được yên chuyện, để được nhận lại giấy biên nhận tiền mà ông Mênh đã viết trước đó.
Đáng nói hơn, trong khi việc tự nguyện xin trả tiền đang bị coi là bị cưỡng đoạt như trên thì việc ông Mênh chiếm đoạt của ông Bản 12,4 triệu đồng lại không bị xử lý do cơ quan tiến hành tố tụng huyện Kim Bảng cho là “hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”. Đây có phải là việc “bỏ lọt tội phạm”? Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vụ án “bị hại biến thành bị can” này trong thời gian tới?

Đọc thêm