Lời kêu cứu của vợ cũ cố soạn giả Kiên Giang

(PLO) - Nếu không được giới thiệu trước, ít ai nhận ra người đàn bà gương mặt biến dạng, mặc bộ quần áo lam lũ với đôi dép nhựa rẻ tiền là vợ của cố soạn giả cải lương kiêm nhà thơ nổi tiếng Kiên Giang. Bà Dương Thị Bạch Tuyết (SN 1955, quê Long An) cũng một thời nhan sắc với giọng hát, giọng ngâm thơ mùi mẫn từng nhiều lần xuất hiện trên sóng phát thanh thập niên 80 thế kỷ trước.
 Bà Tuyết trong một lần cùng soạn giả Kiên Giang ngâm thơ.
Bà Tuyết trong một lần cùng soạn giả Kiên Giang ngâm thơ.
Độc giả đặc biệt này đã chống gậy đi bộ rồi bắt xe bus hơn một tiếng đồng hồ tìm đến PL&TĐ xin giúp đỡ. Bà cho biết đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật dày vò nhưng không có tiền chữa chạy. Mở lời xin giúp đỡ, bà ngượng ngùng tâm sự: “Là vợ nhà thơ mà tôi phải lên báo than nghèo kể khổ như thế này… Nhưng quả thực tôi quá khó khăn”.
Tình duyên lận đận
Bà chia sẻ: “Số tôi bất hạnh từ nhỏ, những tưởng lấy chồng sẽ có mái ấm của riêng mình. Song cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ chỉ trong thời gian ngắn. Hơn chục năm trời tôi nuôi con một mình. Số phận run rủn cho tôi gặp anh Kiên Giang. Tuy cuộc sống vẫn chật vật nhưng quãng thời gian được sống với anh ấy là những ngày hạnh phúc trong cuộc đời tôi”.
Bà Tuyết kể, mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, anh chị em ruột thịt không có một ai, may được người họ hàng đưa về Sài Gòn nuôi dưỡng. Tuy cuộc sống vất vả nhưng cô gái gốc miền Tây đã sớm bộc lộ vẻ đẹp thanh tú. 
Ở độ tuổi trăng tròn, Bạch Tuyết xin vào làm thư ký trong một công ty nhỏ. Nhan sắc rực rỡ của cô gái đã khiến vị phó giám đốc mê mẩn. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu ấy nhanh chóng tan vỡ. Bạch Tuyết tay trắng ra khỏi gia đình chồng với đứa con gái mới bi bô tập nói. Hai mẹ con đến khu lao động nghèo ở quận 1 thuê trọ, kiếm sống bằng gánh chè rong. 
Một lần, người đàn bà bán chè dạo tham gia vào cuộc thi ngâm thơ nhỏ và được giải nhất. Qua một người bạn giới thiệu, soạn giả Kiên Giang lúc đó rất nổi tiếng đã mời Bạch Tuyết ngâm bài thơ “Khói trắng” của ông trong hội thơ ở quận 8. 
Thơ là cầu nối cho hai con người yêu nghệ thuật đến với nhau. Sau hội thơ đó, soạn giả Kiên Giang đã cưu mang đưa hai mẹ bà ra khỏi khu Mả Lạng phức tạp, chủ yếu là “gái điếm và xì ke” như lời bà nói. Khi ông bà thành vợ thành chồng, Bạch Tuyết hơn 30 tuổi, Kiên Giang ngoài 50 tuổi, từng kết hôn và có con.
“Du mục” giữa Sài Gòn
Cuộc sống của nhà thơ không có gì dư dả. Bà kể, vợ chồng sống như “du mục” vì thường xuyên phải chuyển chỗ trọ khắp nơi. 
Bà Tuyết chống gậy tìm đến PL&TĐ xin giúp đỡ.
Bà Tuyết chống gậy tìm đến PL&TĐ xin giúp đỡ.  
Sau mấy năm chung sống, bà sinh cho ông được một người con gái. Cô bé lên bảy mắc bệnh viêm màng não, may mắn sống sót sau mấy tháng ròng điều trị với hơn trăm mũi tiêm. Bà vẫn biết ơn những người bạn tốt bụng của soạn giả Kiên Giang đã giúp đỡ gia đình vượt qua lúc bần cùng: 
“Những ngày tháng đó chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, con còn nhỏ lại ốm đau luôn nên tôi chẳng làm được gì. Đồng lương của ông ấy cũng không đủ chi tiêu, may sao có sự giúp đỡ của anh em bạn bè”.
Khi con gái khoảng 10 tuổi, soạn giả Kiên Giang được cấp một căn nhà tình nghĩa ở phường 6 (quận 8). Nhưng từ đây rắc rối nảy sinh: người con gái đầu của bà Tuyết lúc đó cũng đang thuê trọ, thấy mẹ có nhà mới nên xin đưa cả chồng con về ở chung.
Bà tâm sự, “ruột thịt nhưng tình cảm hai mẹ con không tốt lắm”. Con gái lớn quen sống tự do nên lời ăn tiếng nói, hành động không được dịu dàng. Mặc dù rất thương con nhưng bà vẫn e ngại vợ chồng con gái về sống cùng sẽ làm xáo trộn nếp sống gia đình. Chia sẻ những băn khoăn này với chồng, Kiên Giang đã rộng lượng động viên vợ: “Con nào cũng là con, mỗi đứa một tính, mình thương nó, nó sẽ thương mình”. 
Song điều bà Tuyết lo lắng đã thành hiện thực. Tuy không nói chi tiết nhưng bà tâm sự, cuộc sống chung đụng va chạm khiến gia đình không còn yên ấm như xưa. Ngôi nhà ở quận 8 phải bán đi, soạn giả Kiên Giang đã cho bà Tuyết và con gái một số tiền lớn để mua nhà khác. Sau đó bà góp số tiền này với vợ chồng con gái lớn để mua một ngôi nhà nhỏ ở huyện Nhà Bè. Ba mẹ con sống chung từ đó đến nay.
Tuổi già bệnh tật cầu xin lòng thương
Soạn giả Kiên Giang về sau quen một bóng hồng khác nên dăm bữa nửa tháng mới về Nhà Bè thăm vợ con. Nhắc đến người tình của chồng, bà Tuyết vừa bao dung vừa trân trọng: “Chị ấy chừng 60 tuổi nhưng có vẻ đẹp quý phái và có học thức”.
Năm tháng qua đi, soạn giả Kiên Giang đã bước vào tuổi bát thập. Bà Bạch Tuyết cũng khốn khổ với chứng bệnh suyễn nặng, thoái hóa hai khớp gối, đi lại khó khăn không thể chăm sóc chu đáo cho chồng… Kiên Giang chuyển về Long Xuyên (An Giang) sống với các con của người vợ trước. Dù vậy ông vẫn tình nghĩa nhớ đến người vợ bệnh tật ở Sài Gòn, mỗi tháng đến ngày lĩnh lương, ông lại bắt xe lên thăm bà. 
Bà Tuyết nói về người chồng nổi tiếng của mình với tình cảm yêu thương rất mực: “Tuy anh ấy đào hoa nhưng với tôi anh ấy luôn có tình nghĩa sâu đậm. Tôi biết ơn anh ấy rất nhiều”. Hai con gái có gia đình riêng nhưng đều khó khăn, vẫn phải ở chung một nhà. Tiền thuốc men bà Tuyết hoàn toàn phải trông cậy vào đồng lương ít ỏi của chồng.
Cách đây gần một năm, soạn giả Kiên Giang qua đời trong một cơn tai biến. Bà Tuyết vừa đau buồn vừa lâm cảnh khó khăn do không còn khoản chu cấp hàng tháng. Tâm sự về hoàn cảnh, bà quệt nước mắt: “Là vợ nhà thơ mà tôi phải lên báo than nghèo kể khổ như thế này, tôi cũng rất xấu hổ. Nhưng quả thực tôi quá khó khăn. Hôm trước trong người tôi đau nhức quá không thể chịu nổi, tôi đành bắt xe đi bệnh viện.
Bác sĩ nói: tiền khám và các xét nghiệm hơn 1 triệu đồng. Tôi đành xin: “Bác sĩ cho tôi cái thuốc gì giảm đau, chứ xét nghiệm tôi không có tiền”. Song bác sĩ nói không khám không biết bị làm sao, đâu dám cho thuốc bừa bãi, vì vậy tôi lại về. Giờ bệnh tật dày vò ngày đêm đau nhức, tôi mong được giúp đỡ chữa bệnh sống nốt những ngày còn lại của cuộc đời cho đỡ đau đớn”.
Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm cho bà Tuyết, vui lòng liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng PL&TĐ 0972728289 để được hướng dẫn chi tiết./.

Đọc thêm