Phán quyết hợp lý hợp tình vụ kiện đòi tiền tăng ca 8 năm bị quỵt

(PLO) -Hai người bảo vệ tăng ca suốt 8 năm nhưng không được ngân hàng trả tiền, nên khiếu kiện đến tòa án. Sau nhiều lần trì hoãn, phía ngân hàng không cung cấp được chứng cứ về việc đã thanh toán tiền tăng ca nên chấp nhận thỏa thuận bồi thường 300 triệu.  
Ông Thùy (thứ hai bên phải) và ông Hiếu (thứ ba bên trái) tại phiên tòa ngày 19/9
Ông Thùy (thứ hai bên phải) và ông Hiếu (thứ ba bên trái) tại phiên tòa ngày 19/9

Ông Thùy và ông Hiếu cho biết rất vui mừng khi quyền lợi chính đáng của mình được chấp nhận. “Dù số tiền không nhiều nhưng đó là đồng tiền mồ hôi, tiền thức đêm thức hôm, làm việc 12 tiếng/ngày trong suốt 8 năm của chúng tôi. Chúng tôi đã tìm thấy công lý và lẽ phải. Công lý đã đứng về phía chúng tôi, những người lao động tưởng chừng như yếu thế”, ông Thùy nói.

8 năm làm thêm không tiền công

Sáng ngày 19/9, TAND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra xét xử vụ việc ông Nguyễn Minh Thùy (SN 1967, ngụ phường Tam Hòa) và Phan Huy Hiếu (SN 1974, ngụ phường Long Bình, cùng làm việc ở đội bảo vệ) đòi chi nhánh ngân hàng Indovina (liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và ngân hàng Cathay United của Đài Loan, Trung Quốc) ở Đồng Nai (trụ sở chính 97A, Nguyễn Văn Trổi, phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM) trả tiền tăng ca, tiền làm ngày lễ tết hơn 8 năm. Hai bên thỏa thuận thành công, phía ngân hàng Indovina chấp nhận bồi thường cho ông Thùy và ông Hiếu số tiền 300 triệu.

Theo hồ sơ khởi kiện ông Thùy trình bày: “Từ ngày 1/12/2008 đến 14/2/2012, tôi làm việc liên tục theo lịch, ngày thứ nhất làm 9 giờ, nghỉ 15 giờ. Sau đó ngày thứ 2, tôi làm việc liên tục 24 giờ thì được nghỉ 24 giờ, cứ thế xoay vòng.

Tính ra, mỗi năm tôi làm việc 3.834 giờ, trừ đi 2.496 giờ tiêu chuẩn theo quy định ngày 8 giờ của nhà nước. Còn lại 1.338 giờ tăng ca/năm. Từ 15/2/2012 đến 14/4/2015, ngày thứ nhất tôi làm 24 giờ thì ngày thứ 2 được nghỉ, cứ thế xoay vòng.

Một năm tôi làm 4.320 giờ, tính ra tăng ca là 1.824 giờ tăng ca/năm. Nhưng ngân hàng không hề trả tiền tăng ca 150% theo quy định nhà nước. Chúng tôi có thắc mắc thì họ cho rằng đã ký hợp đồng như thế, không trả thêm được”.

Cũng như ông Thùy, ông Hiếu làm việc gần 10 năm mà không hề có tiền tăng ca. Thậm chí những ngày lễ, tết trực đều không tính tiền theo quy định của nhà nước. Những phụ cấp liên quan đến việc đi bảo vệ quỹ dự trữ, nộp tiền vào trụ ATM, đều không được thanh toán đúng.

Do quá bức xúc, ông Hiếu đã xin nghỉ việc, còn ông Thùy vẫn làm việc, nhưng cả hai đều có đơn khiếu kiện lên tòa nhằm lấy lại công bằng. “Trước đây, chúng tôi không hiểu biết về pháp luật, bị bóc lột mà không hay biết. Đến nay chúng tôi mới hiểu rõ về hành vi này nên mới đi tố cáo”, ông Hiếu nói.

Sau nhiều lần gửi đơn lên ngân hàng Indovina đòi xem xét thanh toán số tiền tăng ca, lễ tết theo đúng pháp luật nhưng bất thành, ông Thùy, ông Hiếu đã gửi đơn đến phòng lao động – thương binh và xã hội Biên Hòa. Rất nhiều lần, Phòng lao động – thương binh và xã đã tổ chức hòa giải nhưng phía ngân hàng hoặc là vắng mặt, hoặc là cử nhân viên đến nhưng không ký vào biên bản.

Ngày 20/7/2015, đoàn thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã tiến hành thanh tra chi nhánh ngân hàng Indovina. Biên bản thanh tra cho thấy ngân hàng có nhiều vi phạm. Cụ thể:

Về thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Ngân hàng tổ chức cho nhân viên làm việc 8 giờ/ngày từ thứ 2 đến thứ 6, thời gian từ 8h đến 17h. Đối với bộ phận bảo vệ làm việc từ 303 giờ đến 363 giờ/tháng vượt quá quy định nhưng ngân hàng không tính làm thêm giờ cho người lao động.

Giải quyết chế độ nghỉ phép hàng năm là 12 giờ chưa đủ đối với người lao động. Về tiền lương và trả công lao động. Ngân hàng chưa áp dụng hình thức trả lương theo thời gian, chưa xây dựng thang lương, bảng lương để áp dụng cho người lao động, chưa nâng lương theo thời gian cho người lao động. Như vậy bước đầu phát hiện sai phạm đúng như tố cáo của ông Thùy và ông Hiếu.

Thư cảm ơn của ông Thùy và ông Hiếu đến Ban biên tập Báo XLPL
Thư cảm ơn của ông Thùy và ông Hiếu đến Ban biên tập Báo XLPL

Phán quyết hợp lý hợp tình

Ông Thùy cho biết: “Phiên tòa nhiều lần phải hoãn vì HĐXX yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm chứng cứ cũng như số tiền bồi thường cụ thể. Chấp hành đề nghị, chúng tôi đã tính toán số tiền tăng ca từng ngày một trong suốt 8 năm qua. Mặc dù rất khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của luật sư và của XLPL, trong suốt 15 ngày chúng tôi đã tính toán chi tiết số tiền này và được sự chấp nhận của HĐXX”. 

“Tuy nhiên, một trong các chứng cứ là cuốn sổ ghi công lần thứ nhất (có 2 cuốn sổ ghi công) chúng tôi không thu thập được do người quản lý đã chết. Ban đầu, chúng tôi đòi bồi thường mỗi người hơn 300 triệu đồng. Nhưng đây là tranh chấp dân sự, chúng tôi cung cấp được khoảng 1 nửa chứng cứ và được tòa chấp nhận”.

Về phía ngân hàng, đầu tiên nhiều lần bác bỏ lập luận của ông Thùy và ông Hiếu về việc có tăng ca. Ngay cả sổ ghi công, phía ngân hàng cho rằng không có đóng dấu đỏ nên không chịu trách nhiệm.

“Tuy nhiên, ngay tại tòa, ngân hàng lại thừa nhận dựa vào cuốn sổ ghi công để quy trách nhiệm nếu bảo vệ nào để xảy ra sự cố. Dù không đóng dấu đỏ nhưng họ công nhận cuốn sổ ghi công có tồn tại ở ngân hàng. Sau đó ngân hàng lại tiếp tục xin hoãn để cung cấp chứng cứ về việc trả tiền tăng ca, thưởng tết, phụ cấp cho hai người lao động”, luật sư bảo vệ quyền lợi nguyên đơn thuật lại.

Hạn nộp chứng cứ của ông Thùy, ông Hiếu và ngân hàng Indovina là đến hết ngày 16/9. Hết ngày này, phía ngân hàng bị cho là không cung cấp được chứng cứ về việc đã chi trả tiền tăng ca, phụ cấp, thưởng tết... cho hai người bảo vệ nên “xuống nước” thỏa thuận.

Ông Thùy nói: “Chúng tôi đòi hơn 300 triệu mỗi người. Nhưng việc khiếu kiện kéo dài làm mất thời gian, công việc nên tôi và ông Hiếu đồng ý giảm số tiền này còn 150 triệu đồng mỗi người. Vì thế phiên tòa ngày 19/9 diễn ra rất nhanh chóng, hai bên chấp nhận việc thỏa thuận trên”.

Hơn 1 năm khiếu kiện, việc được chấp nhận bồi thường mỗi người 150 triệu, dù chưa thỏa mãn, nhưng hai nguyên đơn đều chấp nhận. Nhất là đối với ông Thùy, thời gian ông khiếu kiện là lúc ông vẫn đang làm bảo vệ cho chính ngân hàng Indovina.

Vì thế, rất nhiều lần ông Thùy cho rằng bị gây áp lực bằng việc điều động nơi làm việc vô cớ hoặc tìm cách sa thải. Cho rằng tái cơ cấu đội bảo vệ, tháng 12/2015, ông Thùy đã bị ngưng việc mặc dù trước đó ký hợp đồng không thời hạn với ngân hàng.

Luật sư Lê Tấn Tý, người bảo vệ quyền lợi cho ông Thùy và ông Hiếu ngay từ giai đoạn khởi kiện
 Luật sư Lê Tấn Tý, người bảo vệ quyền lợi cho ông Thùy và ông Hiếu ngay từ giai đoạn khởi kiện

Ông Thùy và ông Hiếu cho biết rất vui mừng khi quyền lợi chính đáng của mình được chấp nhận. “Dù số tiền không nhiều nhưng đó là đồng tiền mồ hôi, tiền thức đêm thức hôm, làm việc 12 tiếng/ngày trong suốt 8 năm của chúng tôi. Chúng tôi đã tìm thấy công lý và lẽ phải. Công lý đã đứng về phía chúng tôi, những người lao động tưởng chừng như yếu thế”, ông Thùy nói.

Thư cảm ơn sự đồng hành của XLPL (ấn phẩm của báo Pháp luật Việt Nam):

Ngay sau khi thỏa thuận thành công, nhận được quyền lợi chính đáng, ông Thùy và ông Hiếu có thư cảm ơn đối với Báo XLPL.

Ông Thùy nói: “Buổi ban đầu, chúng tôi rất lo sợ bởi mình không hiểu biết pháp luật, không biết cầu cứu ở đâu. Chúng tôi thông qua đường dây nóng và gửi hồ sơ trực tiếp đến Ban biên tập Báo XLPL để cầu cứu, xin trợ giúp, lên tiếng bảo vệ.

Ngay lập tức, Ban biên tập đã cử phóng viên đến gặp, thu thập thông tin, đăng tải liên tiếp 2 bài báo phản ánh về những sai phạm của ngân hàng Indovina và bày tỏ tâm tư nguyện vọng của chúng tôi”.

“Hai bài viết của Báo XLPL đã tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho chúng tôi trong việc đòi lại công lý cho chính mình. Từ đó, chúng tôi có chỗ dựa, không còn lo sợ nữa. Chúng tôi rất cảm ơn Ban biên tập, quý Báo đã đồng hành, lấy lại công bằng. Rất mong quý Báo tiếp tục công việc, đồng hành, tư vấn về pháp luật với người dân, người lao động” ông Thùy viết trong đơn.

Đọc thêm