Phúc thẩm vụ tranh chấp nhà đất tại Điện Biên: Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất bị triệu tập

(PLO) - Được triệu tập đến Tòa để làm rõ nhiều tình tiết của vụ kiện nhưng cả Trưởng Văn phòng Công chứng Xuân Phúc (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) và Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Điện Biên Phủ đều vắng mặt. Thấy rằng sự có mặt của những người này là cần thiết cho việc giải quyết vụ án, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Điện Biên đã quyết định hoãn phiên tòa để tiếp tục triệu tập.
Ông Cao Xuân Tường, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Điện Biên Phủ trao đổi với phóng viên.
Ông Cao Xuân Tường, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Điện Biên Phủ trao đổi với phóng viên.

Như Báo PLVN đã từng thông tin, trong vụ kiện này, trong khi nguyên đơn (ông Bùi Văn Bột, trú tổ 21 phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ) cho rằng mình đã mua nhà đất hợp pháp thì bị đơn (vợ chồng ông Nguyễn Quang Tuyến và bà Nguyễn Kim Oanh) lại khẳng định việc ký hợp đồng chuyển nhượng là “giả cách”.

Phía bị đơn và nhân chứng đều cho hay, hai bên chỉ ký hợp đồng mua bán đất (không chuyển nhượng nhà vì nhà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu) là theo yêu cầu của ông Bột nhằm đảm bảo cho khoản vay 500 triệu của ông Nguyễn Viết Cường (em bà Oanh) đối với ông Bột. Sau đó, tuy ông Cường đã trả hết nợ gốc và lãi nhưng ông Bột không trả lại giấy tờ đất cho ông Tuyến mà âm thầm làm thủ tục sang sổ đỏ rồi khởi kiện ra tòa để chiếm nhà, đất.

Vụ kiện đã được TAND tỉnh Điện Biên ra quyết định “tạm đình chỉ giải quyết” vì cần đợi kết quả giải quyết đơn khiếu nại của anh Nguyễn Ngọc Anh (con ông Tuyến). Trước đó, anh Ngọc Anh đã có đơn khiếu nại việc ông Cao Xuân Tường - Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Điện Biên Phủ (VPĐKQSDĐ, nay là Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Điện Biên Phủ) tiến hành đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) của gia đình có nhiều sai phạm như: Chuyển từ “hộ” thành tên của hai cá nhân mà không có đề nghị đính chính của người sử dụng đất, dùng chứng minh nhân dân cấp sau thời điểm cấp GCN để đính chính…), ảnh hưởng đến quyền lợi của những thành viên trong hộ. 

Trong khi vẫn chưa có kết quả giải quyết khiếu nại thì TAND tỉnh Điện Biên cho rằng “lý do tạm đình chỉ không còn” nên đã quyết định mở lại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 14/9 và triệu tập ông Cao Xuân Tường đến phiên tòa với tư cách nhân chứng của vụ kiện. Tuy nhiên, ông Tường đã không có mặt tại phiên xử này và HĐXX cho biết, ngày 25/5/2016 VPĐKQSDĐ đã có công văn trả lời Tòa về việc đính chính GCN của ông Tuyến. 

Theo tìm hiểu của phóng viên thì tại công văn này, ông Tường vẫn khẳng định việc đính chính là theo yêu cầu của người sử dụng đất (ông Tuyến, bà Oanh). Trong khi đó thì hiện nay, ông Tuyến vẫn khẳng định vợ chồng ông không có bất cứ yêu cầu đính chính GCN nào vì ngày 31/7/2013 thì GCN (cùng bản phô tô chứng minh nhân dân cấp năm 2011) này đã được giao cho ông Bột quản lý.

 Ngoài ra, khi trao đổi với phóng viên thì ông Tường cũng không đưa ra được chứng cứ nào thể hiện việc VPĐKQSDĐ có nhận được yêu cầu đính chính của vợ chồng ông Tuyến. Ông Tường cũng không lý giải được vì sao VPĐKQSDĐ có được chứng minh nhân dân của vợ chồng ông Tuyến cấp năm 2011 để đính “ngược thời gian” cho GCN cấp năm 2008.

Cũng như ông Tường thì ông Cao Hồng Phong, Trưởng Văn phòng Công chứng Xuân Phúc (người ký công chứng Hợp đồng chuyển nhượng mua bán đất giữa vợ chồng ông Tuyến và ông Bùi Văn Bột vào ngày 31/7/2013) cũng vắng mặt tại phiên tòa ngày 14/9 vừa qua. 

Việc ký hợp đồng trên được bị đơn cho là “giả cách” và có nhiều khuất tất: Tên hợp đồng và lời chứng của công chứng viên (CCV) đều thể hiện “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” (không có nhà) nhưng trong hợp đồng lại mô tả cả ngôi nhà hai tầng trên đất. 

Ông Tuyến cho hay: “Gia đình tôi chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà nên đương nhiên ngôi nhà không thể được CCV công chứng chuyển nhượng. Vậy nhưng, ông Phong vẫn cố tình “lập lờ” đưa ngôi nhà vào hợp đồng để rồi sau đó, ông Bột dùng hợp đồng này để kiện đòi cả nhà và đất của gia đình tôi.

Trong một lần trao đổi với phóng viên, tuy chúng tôi đã dẫn quy định để khẳng định rằng, “công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà trên đất phải có giấy tờ chứng minh bên bán có quyền sở hữu ngôi nhà này”, nhưng ông Phong vẫn có quan điểm rằng, “ở TP Điện Biên Phủ, chúng tôi vẫn coi mua đất đồng nghĩa với việc mua tất cả các tài sản trên đất”?.

Không biết ông Phong sẽ còn giữ ý kiến này trong phiên tòa phúc thẩm mà mình được triệu tập vào ngày 21/9 tới đây?

Đọc thêm