Hai hướng làm ăn của doanh nghiệp viễn thông lớn

(PLO) - Cũng không dễ dàng mà trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hai đầu tàu của ngành viễn thông Việt Nam là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đều làm ăn có lãi, trong đó Viettel có số lãi rất ấn tượng...
Hai hướng làm ăn của doanh nghiệp viễn thông lớn
Viettel: lãi lớn sẽ đến từ thị trường ngoại
Năm 2013, Viettel đã đạt doanh thu hơn 162.886 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 15,2% so với năm 2012; lợi nhuận trước thuế ước đạt 35.086 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 27,5%; lợi nhuận sau thuế ước đạt 26.413 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch năm 2013, tăng 25,2%; nộp ngân sách nhà nước ước thực hiện 13.586 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch, tăng 19,4%; vốn chủ sở hữu 72.247 tỷ, đạt 91,7% kế hoạch, tăng 14,4%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu 36,56%; thu nhập bình quân đạt 23,7 triệu đồng/người/tháng, đạt 99,36% kế hoạch.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng Giám đốc Viettel cho hay, dù đạt kết quả vượt xa so với đại gia viễn thông khác là VNPT, nhưng đây là năm thứ ba liên tiếp tốc độ tăng trưởng của Viettel chậm lại, chỉ còn 15%, tức là giảm 2% so với năm 2012. Sức ép từ khủng hoảng kinh tế, các dịch vụ OTT vừa là sức ép, vừa là động lực để các doanh nghiệp (DN) viễn thông từ bỏ ưu thế truyền thống, dấn sang các loại dịch vụ  mới. 
Ngoài Việt Nam, Viettel đang hoạt động ở 9 nước, phần doanh thu từ đầu tư ra nước ngoài đem về cho Viettel 1 tỷ đô – la doanh thu, tăng 30% so với năm trước. “Viettel đang hướng đến mục tiêu trong 10 năm tới doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ chiếm tỷ trọng quan trọng, và là một trong những DN viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất” – ông Hùng cho biết.
VNPT: cần mẫn trên lộ trình tái cơ cấu
Suốt cả năm 2013, VNPT sản xuất kinh doanh trong tâm trạng của người đang tiến hành bảo vệ đề án tái cơ cấu, với những đặc thù hết sức riêng biệt tồn tại qua nhiều năm và đang phải tìm cách “gỡ” dần từng bước. Dù vậy, hoạt động của VNPT vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. 
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 119.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 102,53% so với năm 2012; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 7.894 tỷ đồng, đạt 107,89% kế hoạch, bằng 100,47% so với năm 2012; tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn ước đạt 9.265 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 179,09% so với năm 2012. 
Trong năm 2013, VNPT bị giảm 11,3 triệu thuê bao, trong đó thuê bao cố định giảm 500 ngàn, thuê bao di động giảm 10,8 triệu đồng. Không những thế, còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn này. Trong khi cả Tập đoàn nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” để tiết kiệm được hơn ngàn tỷ đồng, thì có hàng ngàn tỷ đồng khác chi phí di chuyển hạ tầng phục vụ nâng cấp quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường trong chương trình nông thôn mới dù đã thực hiện hạng mục nhưng DN chưa nhận được đền bù. 
“Nếu cơ quan chức năng không nghiên cứu giải quyết vấn đề này thì kết quả sản xuất kinh doanh của VNPT trong các năm 2014, 2015 sẽ lại tiếp tục bị ảnh hưởng” – ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc VNPT bày tỏ.
Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan này sẽ trình Chính phủ Nghị định quy định điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT.
Viettel muốn khách hàng được tự do chọn mạng
Liên quan đến tình trạng ở các khu đô thị mới, khu chung cư, nơi có một nhà mạng được chủ đầu tư ưu tiên độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông, cư dân trong đó phải sử dụng dịch vụ của nhà mạng này, tại hội nghị triển khai công tác thông tin – truyền thông vừa diễn ra ngày 26/12,  Phó Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo giải quyết vấn đề này theo hướng khách hàng được quyền chọn mạng, và nhà mạng đã đầu tư hạ tầng phải cho các mạng khác thuê hạ tầng để cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng.
Đây là vấn đề từ lâu gây bức xúc trên thị trường, nhưng lần đầu tiên được nêu ra tại hội nghị lớn của ngành viễn thông, và được đánh giá là “kiến nghị chậm còn hơn không”. 

Đọc thêm