Đờn ca tài tử - từ vàng son đến nỗi lo hôm nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cho đến nay, đờn ca tài tử vẫn là một trong những di sản văn hóa đáng tự hào của người Nam bộ nói riêng và người Việt nói chung. Có mặt hơn trăm năm trên cõi nhân gian, giờ đây, đờn ca tài tử, mặc dầu vẫn được mến mộ, nhưng đang đứng giữa một lằn ranh mong manh giữa sự phát triển và mai một.
Một ban nhạc đờn ca tài tử Sài Gòn năm 1911. (Ảnh tư liệu)
Một ban nhạc đờn ca tài tử Sài Gòn năm 1911. (Ảnh tư liệu)

Vai trò lớn trong nền âm nhạc Việt Nam

Theo các nhà nghiên cứu, đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, để rồi sau đó, du nhập vào Nam và được kết hợp với câu hò, điệu lý, nhạc lễ tại đây để hình thành nên một dòng nhạc mới, mang tiếng nói, cảm xúc của một cộng đồng.

Kể từ sau khi du nhập vào miền Nam, đờn ca tài tử trở thành loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đờn ca tài tử thường có hình thức diễn tấu với ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Về sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm.

Nam bộ thời ấy đất đai trù phú, sông ngòi kênh rạch chằng chịt, trên vườn sai trĩu quả, dưới sông cá lội tung tăng, tôm cua bạt ngàn. Sau những giờ làm việc mệt nhọc là những cuộc tụ tập bà con chòm xóm một cách ngẫu hứng, những buổi giỗ chạp, lễ lạt. Và đờn ca tài tử chính là phương tiện giải trí tuyệt vời cho những người dân quê sống giữa mênh mang sông nước thời ấy. “Mồi ngon” lúc nào cũng sẵn có, rượu gạo tự nấu, nam phụ lão ấu chỉ quần đùi, áo vải, bà ba, quấn khăn rằn, cùng nhau ăn, uống, người đàn kẻ hát, ngẫu hứng, hợp xướng cùng nhau đầy đắc ý. Cái đặc biệt, cái hay của đờn ca tài tử là khi ngồi chung một mâm ăn uống, diễn xướng, có người đàn, người hát, người nghe không có lễ nghi, không phân biệt già trẻ, sang hèn. Có lẽ chính bởi tính chất đầy ngẫu hứng và bình dân ấy, nên loại hình âm nhạc này mới có tên là “đờn ca tài tử”.

Đờn ca tài tử không chỉ là một hình thức nghệ thuật - giải trí của người dân Nam bộ, mà còn là một nét đẹp trong lối sống, trong đời sống tinh thần của người bình dân khi ấy. Đây là một nhịp cầu tuyệt vời để kết nối những tâm hồn chân quê, khiến họ gắn kết với nhau, yêu thương, đùm bọc, đoàn kết với nhau hơn. Thông qua những bản đờn ca tài tử có ngôn từ mộc mạc, sâu lắng nhưng không kém phần sâu sắc, tâm hồn người Nam bộ hiện ra, với sự chân thành, thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng, với niềm tin yêu, mến thương giữa người và người, với tình yêu sâu đậm dành cho quê hương, đất nước...

Trong những buổi đờn ca tài tử đầy ngẫu hứng, đã có biết bao bản nhạc hay ra đời, và cũng nhiều nghệ sĩ thành danh từ dân gian. Nổi danh nhất có lẽ phải kể đến bản Vọng cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Xuất phát từ nỗi nhớ thương dành cho người vợ bị chia cắt bởi lễ giáo gia đình, những câu hát da diết buồn, thấm đẫm yêu thương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã lay động trái tim người nghe, để rồi Dạ cổ hoài lang trở thành một bản nhạc bất hủ không chỉ trong lòng người dân Nam bộ, mà của cả người dân Việt Nam, cho đến hôm nay. “Đường dù xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/ Còn đêm luống trông tin nhạn/ Ngày mỏi mòn như đá vọng phu/ Vọng phu vọng luống trông tin chàng/ Lòng xin chớ phũ phàng”.

Ngoài nhạc sĩ Cao Văn Lầu, từ bấy đến nay, đã có nhiều nghệ nhân đờn ca tài tử nổi danh góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đờn ca tài tử. Có thể kể đến nghệ nhân - nhạc sư Nguyễn Quang Đại, hai nhạc sư Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc - những người đã có công lớn trong buổi đầu phát triển đờn ca tài tử và truyền dạy cho các thế hệ hậu bối. Còn có NSND Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu), cố nghệ nhân dân gian Bạch Huệ, cố NSƯT Vũy Chỗ... đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3; Nghệ nhân ưu tú Thanh Hiền với gia tài hơn 2.000 bài vọng cổ và bản tài tử...

Một điều đáng trân trọng, đờn ca tài tử không chỉ là một nét đẹp văn hóa, một thú vui tinh thần, mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đờn ca tài tử còn trở thành “vũ khí” mạnh mẽ để người dân Nam bộ chống lại quân thù xâm lược, với những bài ca nói lên tinh thần quật khởi, tình yêu nước của những con người tham gia kháng chiến. Trong thời bình, đờn ca tài tử cũng góp phần xây dựng đất nước thông qua những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ tinh thần lao động hăng say, cống hiến cho Tổ quốc...

Với những giá trị quan trọng ấy, năm 2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nỗi lo mai một

Đờn ca tài tử Nam bộ được hình thành bởi nhiều nguồn gốc, nhưng cái gốc quan trọng và dễ nhìn thấy nhất chính là hai mươi bản tổ. 20 bản tổ gồm ba bài Nam, sáu bài Bắc, bảy bài Lễ, bốn bài Oán chính và phụ. Có tài tử đờn, tài tử ca và ca ra bộ. Hai mươi bản Tổ ra đời trước, mỗi bản đều có kết cấu độc lập, tất cả đều mang tính nghệ thuật cao nên được công nhận là hai mươi bản Tổ, có vị trí cao nhất trong Đờn ca tài tử Nam bộ. Các bản nhạc Tổ cũng thường được coi là thước đo để đánh giá trình độ chuyên môn của nghệ nhân đờn ca tài tử dựa trên sự thực hành có am tường, điêu luyện hay không. Bên cạnh 20 bản Tổ, những bản vắn, bản nhỏ cũng đã minh chứng cho nguồn gốc của Đờn ca tài tử, thể hiện tinh thần sáng tạo phong phú, đa dạng, góp phần làm giàu di sản văn hóa của các thế hệ nghệ nhân.

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử ở Long An (Ảnh: Văn nghệ Long An)

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử ở Long An (Ảnh: Văn nghệ Long An)

Tuy nhiên, nỗi lo của các nhà nghiên cứu, bảo tồn hiện nay là sự mai một của 20 bản nhạc Tổ. Từ năm 2017-2022, nhóm nghiên cứu bao gồm TS Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc Nam Bộ, giảng viên Trường ĐH Trà Vinh và TS Nguyễn Chính, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Trà Vinh, đã tiến hành nghiên cứu thực địa tại bốn tỉnh thành là Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang và Bạc Liêu, những địa phương có đóng góp nổi bật trong lịch sử Đờn ca tài tử ở Nam Bộ, đồng thời cũng chịu sự tác động mạnh mẽ bởi xu hướng công nghiệp hóa và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, hiện nay không ít nghệ nhân đang truyền dạy ở các địa phương chưa thông thạo 20 bản Tổ. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, có ba nguyên nhân cho điều này: Mặt bằng chuyên môn chưa đạt theo tiêu chí được công nhận nghệ nhân, nhất là tiêu chí có kiến thức và kỹ năng truyền nghề; nghệ nhân có thể nắm vững 20 bản Tổ nhưng trong thực tiễn hoạt động chuyên môn không có cơ hội trình diễn hoặc truyền dạy trọn vẹn; người học không có nhu cầu, hoặc không có điều kiện để học đầy đủ, trọn vẹn. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đặt ra vấn đề nguy cơ thất truyền 20 bản nhạc Tổ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ di sản đờn ca tài tử.

Theo phát biểu của TS. Lê Hồng Phước, Giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu, người thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề về đờn ca tài tử, thì hiện nay đang tồn tại nhiều quan điểm và thông tin sai lệch, tạo ra nhiều “tam sao thất bản” cho đờn ca tài tử. Một thực trạng đáng buồn là đờn ca tài tử đang mất dần đi chất tài tử vốn có vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc trộn lẫn cải lương, dân ca với đờn ca tài tử. Cạnh đó, theo TS Lê Hồng Phước, còn nhiều tồn tại khác như có không ít soạn giả trẻ ngày nay thiếu kiến thức, dùng sai nhạc Tổ, nghệ nhân đờn giỏi ngày càng khan hiếm trong dân gian... Một điều quan trọng cần lưu tâm là làm sao để người trẻ ngày càng hứng thú, quan tâm đến đờn ca tài tử, bởi người trẻ mới là những người có khả năng lưu giữ, làm phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật.

TS Lê Hồng Phước cũng đưa ra một dấu hiệu đáng mừng là thời gian qua, người dân trong nước đang ưa chuộng đờn ca tài tử trở lại, đặc biệt là tại các tỉnh miền Tây, đờn ca tài tử thường được cất lên trong các lễ cưới hỏi, tụ họp...

Có thể thấy rằng, mặc dù đã đóng một vai trò quan trọng trong nền âm nhạc Việt Nam, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nghệ thuật đờn ca tài tử đang đối mặt với nguy cơ mai một bị lãng quên trước sự lấn át của những loại hình giải trí mới. Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết bởi đó không chỉ là giữ gìn một loại hình nghệ thuật độc đáo, mà còn là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về giá trị truyền thống và tạo điều kiện cho nghệ thuật này tiếp tục phát triển, hòa nhập nhưng không hòa tan trong dòng chảy văn hóa đương đại.

Đọc thêm