Dự án Bản Vẽ: Chủ tịch huyện hầu tòa

Cho rằng quyết định thu hồi đất là chưa đúng, 14 hộ dân đã khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Cao Bính ra tòa. Đây được xem là trường hợp hy hữu Nghệ An.

Cho rằng quyết định thu hồi đất là chưa đúng, 14 hộ dân đã khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Cao Bính ra tòa. Đây được xem là trường hợp hy hữu Nghệ An.

Người dân khu thủy điện Bản Vẽ đã về đây tái định cư, nhưng đất của người dân ở Hạnh Lâm bị thu hồi thì vẫn chưa thống nhất được giá đền bù.

Một trong những nguyên đơn, ông Lê Đại Nguyện cho Pháp Luật Việt Nam biết, năm 2002, gia đình ông được giao hơn 17ha đất lâm nghiệp, thời hạn lâu dài. Sau khi dự án thủy điện Bản Vẽ được thực hiện, diện tích đất của ông Nguyện bị thu hồi để làm khu tái định cư cho người dân khu vực công trường.
Khúc mắc nảy sinh khi chính quyền địa phương và người dân không có tiếng nói chung trong việc áp giá đền bù đất.

Theo người dân, trong khi tỉnh Nghệ An ban hành giá đền bù đất (năm 2007) đối với xã Hạnh Lâm là 4.000 đ/m2 thì huyện Thanh Chương mời người dân đến chỉ “hỗ trợ” 1.000 đ/m2. “Huyện đã tự ý chuyển 17 ha đất của gia đình từ đất lâm nghiệp lâu năm (có mức đền bù cao hơn) sang thành đất giao tạm thời”, ông Nguyện cho hay.

Mức giá chênh lệch, theo giải thích của ông Lê Cao Bính, trước đó Bộ Tài nguyên & môi trường (TN&MT) và UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn cho biết, những trường hợp sử dụng ổn định (hoặc giao đất ổn định lâu dài) trước ngày 24/7/2001 thì được bồi thường 4.000 đ/m2 (100%), những trường hợp là giao đất tạm thời (hoặc đất sử dụng ổn định sau ngày 24/7/2001 thì chỉ được hỗ trợ 25% (1.000 đ/m2).

Người dân phản ánh, trước đó, tại hồ sơ áp giá bồi thường thì tỉnh Nghệ An cũng đã thống nhất bồi thường 4.000dd/m2, nhưng sau đó chính tỉnh này cũng đã có công văn hủy chủ trương do mình ban hành trước đó.

Ngoài ra, theo phản ánh của người dẫn thì đã không có sự  công bằng trong cách áp giá đền bù, việc này thể hiện có ba hộ được giao đất tạm thời nhưng vẫn được đền bù 4.000 đ/m2.
Đã có hàng chục cuộc họp dân, đối thoại giữa lãnh đạo huyện Thanh Chương với những hộ dân có đất bị thu hồi, nhưng kết quả vẫn không như mong đợi.

Theo đó, 14 hộ dân tại xã Hạnh Lâm (nơi bị thu hồi đất để làm khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ) đã chính thức khởi kiện ra tòa án, yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất được chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Cao Bính ký trước đó.

Ngày 25/6, TAND huyện Thanh Chương đưa vụ án ra xét xử, tuy nhiên, với lý do người đại diện hợp pháp là ông Phan Đình Hà (Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương) bận việc, phiên tòa đã bị hoãn lại. Các nguyên đơn trong vụ kiện này cho Pháp Luật Việt Nam biết, phiên tòa sẽ được mở lại trong tháng 7.

Dư luận cũng cho rằng, trước thời điểm huyện Thanh Chương có quyết định cấp đất lâm nghiệp tại xã Hạnh lâm cho 317 hộ dân, thì trước đó, khu vực này đã có đơn vị chức năng về đây để khảo sát làm thủy điện.

Lệu rằng chủ trương quy hoạch làm thủy điện đã được đưa ra, nhưng huyện Thanh Chương vẫn phớt lờ cấp đất lên vùng dự án? Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Chương Trương Công Tịch cho hay, trước đó ông có nghe việc đoàn khảo sát của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về khảo sát làm thủy điện, nhưng cụ thể thế nào thì ông không biết. Cũng theo ông Tịch, việc 14 hộ dân đâm đơn khởi kiện quyết định của Chủ tịch UBND huyện là một trường hợp hy hữu trong lịch sử thành lập huyện này.
Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin mới nhất từ phiên tòa sắp tới.

Việt Hưng

Đọc thêm