Du lịch hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc): Rước bực vào thân!

(PLO) - Với lợi thế giao thông thuận tiện và gần Thủ đô (cách trung tâm Hà Nội 40km), điểm du lịch sinh thái hồ Đại Lải là một trong những lựa chọn đối với nhiều gia đình trong những dịp nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, khi đặt chân đến, khách du lịch không khỏi rầu lòng trước kiểu làm du lịch “ăn xổi” ở nơi này. 

Đã từng đến với hồ Đại Lải khoảng chục năm về trước, khi đó, điểm du lịch này còn khá hoang sơ, dịch vụ chưa phát triển với một số ít nhà hàng, quán ăn, điểm bán vé ca-nô, đạp vịt ... khách du lịch có thể thuê thuyền, ca-nô chở ra thăm quan, nghỉ ngơi trên đảo Ngọc, hòn đảo xinh đẹp nằm giữa hồ, quanh năm xanh mát bởi thảm thực vật, hoa cỏ được trồng trên đảo. Dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, chúng tôi quyết định chọn điểm đến là khu du lịch này với háo hức, cảm nghĩ nơi đây chắc hẳn có nhiều đổi thay sau một thời gian khá dài chưa thăm lại.

Dừng xe ngay điểm đầu của khu du lịch hồ sau khi được một số thanh niên vẫy đón, hướng dẫn đánh xe ô tô vào bãi và phải trả tiền vé với mức giá 50 nghìn đồng/1 xe, chúng tôi mua vé tàu thủy để ra đảo Ngọc - điểm thăm quan, du lịch duy nhất và cũng là lựa chọn của hầu hết du khách khi đã đến đây, giá vé tàu thủy là 80 nghìn đồng/1 người, một mức giá không phải là rẻ.

Chúng tôi được nhân viên ở đây hướng dẫn, thông báo giờ giấc đón tàu về sau khi có thể thăm quan, vui chơi trên đảo đến tận chiều.

Tàu đến, trả khách từ đảo về, lúc này mới là buổi sáng, vậy nhưng lượng khách vào bờ đã chật kín tàu. Những dấu hỏi thoáng xuất hiện trong đầu dường như của tất cả mọi người trong nhóm chúng tôi: “không lẽ ngoài đảo kia không có gì đặc sắc để níu chân du khách, khiến họ quay trở vào bờ sớm thế?”, “đã mất tiền mua vé ra đảo sao không ở lại vui chơi lâu hơn? ” v.v.

Khách du lịch lên tàu, để ý chúng tôi thấy nhân viên trên tàu không phát áo phao mà cũng chẳng đề nghị mọi người phải mặc theo đúng quy định. Tàu chạy giữa hồ nước mênh mông, hướng thẳng ra đảo.

Và rồi, không phải đợi lâu, những câu hỏi cách đấy ít phút đã có ngay câu trả lời.

Tàu cặp bến, mọi người lục tục lên đảo, nhưng rồi cả đám đông dồn ứ lại ngay tại khu nhà chờ. Khách du lịch đến lúc này mới “ngã ngửa” trước tấm biển to đặt ngay cửa đề giá vé 80 nghìn đồng/1 người. Vậy là, nếu muốn ở lại chơi trên đảo, một lần nữa mỗi người phải mất một số tiền không nhỏ để mua vé vào, bằng không phải theo tàu quay trở lại bờ. 

Nét mặt du khách lộ rõ vẻ thất vọng xen lẫn nỗi ân hận, khu nhà chờ tràn ngập tiếng trách cứ, phàn nàn, thậm chí xảy ra to tiếng với đám bảo vệ trực ở cửa vào. Một số khách du lịch chấp nhận mua vé vào bởi đã “trót ra đến nơi không lẽ quay trở về”, trong khi một nhóm thanh niên cho biết, họ sẽ phải chi mất trên 1 triệu đồng nếu tính cả tiền vé vào nên quyết định quay trở vào bờ, tiếp tục cuộc vui ở nơi khác.

Trao đổi với một vài người, họ cho chúng tôi biết, thực tế trên đảo cũng không có gì đáng để thăm quan ngoại trừ một ngôi chùa vừa mới xây, ngay cả dịch vụ ăn uống cũng không có. Một người đàn ông tuổi trung niên còn cho rằng, khách du lịch gần như “bị lừa”.

Khi được hỏi, nếu biết trước sẽ mất tiếp tiền vé lên đảo với giá trên, hầu hết khách du lịch khẳng định sẽ không “dại gì” mua vé tàu thủy ra đảo, đồng thời tuyên bố sẽ không bao giờ quay trở lại điểm du lịch này.

Lúc này, những chiếc tàu thủy vẫn tiếp tục chuyên chở từng đoàn khách du lịch ra đảo. Ở chiều ngược lại, hàng đoàn người rồng rắn xếp hàng chờ xuống tàu, rất nhiều người trong số đó chỉ kịp đặt chân lên đảo ít phút rồi lại nháo nhào quay trở lại tàu, sau khi đã chứng kiến màn “bắt bí” du khách diễn ra trên đảo (!)

Nhân viên bán vé ở quầy cho biết, khu nghỉ dưỡng Đảo Ngọc này thuộc sự quản lý của Công ty TNHH Đạt Tiến, một công ty có trụ sở tại Hà Nội. Tên công ty cũng chính là tên của giám đốc (Đạt) và người em (Tiến).  

Trong những năm gần đây, phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói là một trong những ưu tiên đầu tư của nhiều địa phương trên cả nước nhằm thu hút khách du lịch, nhờ đó đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách. Nhưng với kiểu làm du lịch “chộp giật”, tự phát như phóng viên báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận được trên đây, hỏi khách du lịch có mấy ai còn muốn quay trở lại?

Hơn nữa, chính sách “đất đai công thổ” hết sức ưu việt mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện trên toàn quốc liệu có bị các địa phương “bẻ cong”, cho phép các doanh nghiệp tư nhân lợi dụng việc đầu tư, thỏa sức móc túi người dân như trường hợp trên? 

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm