Đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống: Hướng tới quy định “bắt buộc” áp dụng

(PLO) - Để đạt mục tiêu trở thành một trong bốn nước có mức độ thuận lợi về thuế hàng đầu khu vực ASEAN vào năm 2020, chính sách “khuyến khích” sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) xem ra không còn phù hợp…
Hình minh họa

Xóa bỏ chính sách “khuyến khích”

Một trong những điểm nhấn cơ bản của Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Thông tư 32/2011/TT-BTC là xoá đi sự thiếu minh bạch trong doanh thu khai thuế, giúp DN tiết giảm thời gian và chi phí trong các giao dịch HĐĐT, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh và tăng uy tín của DN trên thị trường. Thế nhưng, thực tế không ít DN vẫn tìm cách “lách” luật, tiếp tục thực hiện HĐ giấy và thực chất của tình trạng này là “giấu” doanh thu để “né thuế. 

Theo ông Đinh Đức Thụ - Phó Giám đốc Ban khách hàng tổ chức DN, VNPT chính việc luật không “ép” DN phải sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn (HĐ) giấy, nên DN rất dễ “chây ỳ” để giấu doanh thu. Tuy nhiên việc tìm ra những chứng cứ “cố tình giấu doanh thu” này để xử lý theo tiêu chí DN có độ rủi ro cao cũng không hề đơn giản. 

Ông Thụ cho rằng, việc triển khai HĐĐT bằng cơ chế “khuyến khích” thời gian qua tỏ ra không mấy hiệu quả và cũng không phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay, rốt cuộc chỉ có nhà nước là “thiệt đơn, thiệt kép”, vừa không quản lý đúng và đủ doanh thu của DN, vừa không thể đẩy mạnh cải cách. Thế nên, để HĐĐT sớm đi vào cuộc sống, điều cốt lõi lúc này là phải xóa bỏ cơ chế “khuyến khích”, tức không phân biệt DN có độ rủi ro cao hay không rủi ro, DN lớn hay DN nhỏ, mà là áp dụng chung cho toàn DN. Có vậy, việc cải cách mới thành công, giúp DN cải thiện môi trường kinh doanh, tiết giảm được chi phí và tăng thu ngân sách. 

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban kinh doanh EVN cũng cho rằng, nhất thiết phải hướng tới quy định “bắt buộc” áp dụng HĐĐT cho mọi hoạt động xã hội, nếu không sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Đơn cử như ngay cả khi EVN đã áp dụng HĐĐT cho toàn ngành, vẫn có những đơn vị đòi hỏi phải có HĐ giấy thì mới thanh toán. Điều này khiến việc triển khai HĐĐT không những không đồng nhất trong các giao dịch (kể cả khai báo thuế và các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các DN) mà còn làm cho các DN khó triển khai, khi cùng lúc phải thực hiện cả HĐ giấy và HĐĐT.

Đề cao tính minh bạch và trách nhiệm xã hội

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, điểm đáng lưu ý nữa cần hoàn thiện hiện nay là đề cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm xã hội của cả cộng đồng. Bởi, trên thực tế, rất nhiều người tiêu dùng (NTD) khi đi mua hàng không quan tâm đến chuyện lấy HĐ và khi đó, các cơ sở kinh doanh cũng sẽ “không dại gì” khai thông tin HĐ giấy vào hệ thống điện tử để chịu thuế.

“Cần phải truyền thông cho NTD thấy được việc lấy hóa đơn khi mua hàng  có lợi ích gắn với NTD, không chỉ thu thuế cho nhà nước mà họ còn bảo vệ chính mình…” - Phó Giám đốc Ban khách hàng tổ chức DN, VNPT đề xuất.

Ngoài việc đề cao ý thức của NTD, nâng cao tính trung thực trong kinh doanh của DN, các cơ quan liên quan như công an, quản lý thị trường, hải quan cũng cần thống nhất tính pháp lý của HĐĐT để việc quản lý, sử dụng HĐ của người mua và người bán được dễ dàng hơn. Ngành thuế cũng nên quan tâm phát triển HĐĐT, trong đó nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là nâng cao trình độ nghiệp vụ cho CBCC thuế, tiếp tục đầu tư trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo cho việc kết nối thông suốt giữa cơ quan thuế (CQT) và người nộp thuế; đồng thời tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp những điều kiện thuận lợi nhất để DN chủ động triển khai HĐĐT.

Và những “khiếm khuyết” cần hoàn thiện

Thực tế triển khai cho thấy, nhiều quy định liên quan đến việc sử dụng HĐĐT cần khẩn trương hoàn thiện. 

Đơn cử, đối với những nội dung vướng mắc về chính sách đã được Tổng cục Thuế tháo gỡ cho các DN thực hiện thí điểm HĐĐT như: hướng dẫn về liên HĐĐT, quy định kết chuyển dữ liệu giữa phần mềm bán hàng và phần mềm kế toán theo định kỳ thay cho kết nối trực tiếp, quy định về trường hợp phải có và không phải có chữ ký điện tử của người mua, quy định về định dạng HĐĐT…, nay cần phải có hướng dẫn rõ tại các văn bản QPPL để tăng tính pháp lý cho việc triển khai. 

Cùng với đó, cần bổ sung quy định tại các văn bản cấp Nghị định để nâng cao tính ưu việt và khả năng áp dụng của HĐĐT theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ; sửa đổi bổ sung Thông tư 32/2011/TT-BTC cho phù hợp với văn bản QPPL hiện hành và phù hợp với thực tế triển khai HĐĐT của các DN, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện áp dụng HĐĐT và tiến tới áp dụng cho hầu hết các DN...

Đọc thêm