Đưa lao động sang làm việc ở Đài Loan, Nhật Bản, Ảrập Xeut: Sẽ quy định cụ thể điều kiện cho từng thị trường

(PLO) - Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 12/8/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (NN) theo hợp đồng, trong đó bổ sung quy định hướng dẫn đưa NLĐ sang Đài Loan, thực tập sinh sang Nhật Bản và NLĐ sang Ả Rập Xê út giúp việc gia đình.
Ảnh minh họa

Vốn pháp định của doanh nghiệp 5 tỷ đồng

Bên cạnh một số quy định cơ bản giống như quy định hiện hành tại Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 12/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở NN theo hợp đồng, dự thảo Nghị định dành một chương quy định cụ thể điều kiện hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở NN.

Theo đó, doanh nghiệp (DN) được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở NN (gọi tắt là Giấy phép) là Công ty được thành lập và hoạt động theo Luật DN, có 100% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế và cá nhân Việt Nam. 

Vốn pháp định đối với DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở NN là 5 tỷ đồng. Dự thảo cũng hướng dẫn rõ ràng hồ sơ chứng minh điều kiện về vốn pháp định.

Theo dự thảo, DN phải bố trí các cán bộ chuyên trách làm các nhiệm vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, quản lý học viên, quản lý lao động làm việc ở NN, tài chính, hành chính và hỗ trợ lao động về nước.

Cán bộ chuyên trách phải ký hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với DN, không giữ vị trí là người quản lý DN tại thời điểm DN dịch vụ bị thu hồi giấy phép (do vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở NN) trong thời hạn 05 năm tính đến ngày DN nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên và có kinh nghiệm về lĩnh vực đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở NN. Ngoài ra, cán bộ chuyên trách phải có trên 01 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở NN. Cán bộ chuyên trách của các phòng nghiệp vụ tại trụ sở chính phải đảm bảo có cán bộ tốt nghiệp các chuyên ngành luật, ngành kinh tế/quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và tài chính/kế toán.

Người đứng đầu các chi nhánh được giao nhiệm vụ đưa NLĐ đi làm việc ở NN (nếu có) ngoài các tiêu chuẩn như đối với cán bộ chuyên trách phải có trên 03 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở NN.

Cán bộ giữ vị trí lãnh đạo điều hành bộ máy hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở NN của DN dịch vụ là người đại diện theo pháp luật của DN, đáp ứng các điều kiện như cán bộ chuyên trách và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. 

DN dịch vụ phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ như sau: Số lượng phòng học và phòng ở cho học viên phải phù hợp với số lao động mà DN đưa đi nhưng đảm bảo tối thiểu cho 100 học viên tại một thời điểm; Diện tích phòng học đáp ứng tối thiểu 1,4m2/học viên và diện tích phòng ở đáp ứng tối thiểu 3,5m2/học viên, có đầy đủ trang thiết bị cơ bản phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú.

Từng thị trường có quy định riêng

Theo dự thảo Nghị định này, DN được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở NN đáp ứng các điều kiện dưới đây được xem xét giới thiệu với phía Đài Loan để cung ứng lao động sang lãnh thổ Đài Loan: Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở NN trong vòng 02 năm tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị giới thiệu với phía Đài Loan; Có cơ sở vật chất phục vụ công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan đáp ứng yêu cầu tại Nghị định này; Có cán bộ thuộc bộ phận chuyên trách thị trường Đài Loan đáp ứng quy định với ít nhất 01 năm kinh nghiệm trong hoạt động đưa NLĐ sang lãnh thổ Đài Loan (riêng cán bộ khai thác thị trường ngoài nước và cán bộ quản lý lao động đang làm việc ở NN có chứng chỉ tiếng Trung trình độ tối thiểu HSK5 hoặc TOCFL 4 hoặc tương đương).

Ngoài các điều kiện về vi phạm hành chính, cơ sở vật chất, cán bộ chuyên trách tương tự như trên, DN dịch vụ muốn được xem xét giới thiệu với phía Nhật Bản để cung ứng thực tập sinh sang Nhật Bản còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn đối với DN đưa thực tập sinh đi Nhật Bản theo Bản ghi nhớ hợp tác ký với Nhật Bản. Khi số thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản do DN đưa đi đạt mức từ 200 người trở lên, DN phải bố trí cán bộ quản lý lao động tại Nhật Bản.

Trong khi đó, DN đưa lao động giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út phải đáp ứng điều kiện về có phòng thực hành kỹ năng nghề giúp việc gia đình với các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết để thực hành công việc dọn dẹp vệ sinh, giặt là và làm bếp … phù hợp với văn hóa, tập quán các nước khu vực Trung Đông, có tối thiểu 01 cán bộ dạy tiếng Ả-rập Xê-út và tối thiểu 01 cán bộ đào tạo kỹ năng nghề giúp việc gia đình.

Đọc thêm