Đùn đẩy đầu tư, 10 nghìn hộ dân “chết khát”

(PLO) - “Đại lý” phân phối nước sạch mới viết đơn đề nghị “trả lại” phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khoảng 10 nghìn hộ dân vì không đủ nguồn nước để cấp. Đơn đã gửi, nhưng “trả” cho ai, “trả” như thế nào, xử lý vấn đề ra sao… là câu hỏi chưa có lời giải, trong khi các hộ dân vẫn phải tìm mọi cách đối phó với việc thiếu nước sinh hoạt.
Nhiều hộ dân phường Trung Văn phải mua nước sạch từ các xe chở nước lẻ với giá cao.
Nhiều hộ dân phường Trung Văn phải mua nước sạch từ các xe chở nước lẻ với giá cao.
“Đại lý” trên là Hợp tác xã (HTX) Thống Nhất – đơn vị xây dựng và cấp nước sạch cho 10 đơn vị các khu tập thể (KTT) trên địa bàn xã Trung Văn cũ, gồm: Trường cấp I, KTT Viện Thiết kế - thiết bị điện, UBND phường, tập thể (TT) Viện Thiết kế, TT 103, TT Cao đẳng Xây dựng, Trường Cao đẳng Xây dựng, KTT Lâm sản, TT 665.
Đại lý muốn người dân “hùn tiền” mở họng nước?
Trong đơn, HTX Thống Nhất trình bày, do điều kiện nguồn cấp nước sạch của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch thuộc Vinaconex (Cty Viwaco) – đơn vị cung cấp nước sạch cho khu vực không đảm bảo, vừa thiếu, vừa yếu, HTX này nhận định tình hình cung cấp nước sạch khó được cải thiện trong thời gian từ 12 tháng đến 24 tháng nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, thành phố và các cấp, ngành thành phố, quận, huyện.  
Vì thế, HTX Thống Nhất “làm công văn này xin báo cáo lên các quý ban, UBND quận, Phòng Quản lý xây dựng đô thị quận Nam Từ Liêm và UBND phường Trung Văn đề nghị được trao trả” 10 đơn vị khách hàng với khoảng 10.000 hộ dân “để UBND phường bố trí đơn vị cơ quan cấp nước sạch thay thế cho HTX Thống Nhất”.
Theo ông Vũ Xuân Thăng - Phó Chủ nhiệm HTX Thống Nhất, lượng nước đảm bảo đủ phục vụ cho nhu cầu của người dân phải đạt sản lượng trên 3.000m3/ngày đêm. Nhưng hiện nay, do đường ống dẫn nhỏ không đảm bảo áp lực, lượng nước về chỉ khoảng trêndưới 2.000m3. “Thiếu nước sạch cung cấp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, HTX phải hứng chịu nhiều sự phản ứng căng thẳng của người dân. Mà muốn khắc phục tình trạng này phải mở thêm họng nước mới” - ông Thăng cho biết. 
HTX dự kiến sẽ “cắt” dịch vụ từ 3-6 tháng tới, kể từ ngày 1/6, nếu “không có sự vào cuộc quyết liệt của thành phố và các ban, ngành”.
Cũng theo phía HTX Thống Nhất, nếu mở họng mới từ phía đường Lê Văn Lương phải tốn kém 5 – 8 tỷ đồng.
Ông Vũ Xuân Thăng cho biết: “Hôm 28/5, chúng tôi đã họp các KTT để thông báo tình hình khó khăn hiện nay và bàn bạc. Hộ dân các KTT đều hưởng ứng, ủng hộ việc mở thêm họng nước mới. Nhưng mở họng nước mới phi ống 200 với chiều dài khoảng 1km chi phí 7 - 8 tỷ thì HTX không đủ khả năng để đầu tư. Giải pháp tốt nhất là xã hội hóa, Nhà nước 70, dân đóng góp 30”. 
Vì thế, trong văn bản gửi các cơ quan này, HTX đưa ra đề xuất: “Yêu cầu các KTT có mối quan hệ phối hợp với UBND phường Trung Văn cùng đứng lên lo xã hội hóa việc đấu nối một họng nước phi ống 200 từ đường Lê Văn Lương vào các KTT để sử dụng theo hình thức phường Trung Văn và đại diện các KTT cùng lo”…
“Đại lý kinh doanh phải tự đầu tư”
Bày tỏ quan điểm về việc HTX kêu gọi xã hội hóa để đầu tư nối thêm họng nước, ông Nguyễn Trọng Công - Chủ tịch UBND phường Trung Văn - thẳng thắn: “Ông (HTX Thống Nhất) làm kinh doanh thì phải tự bỏ vốn ra đầu tư. Phường có đủ điều kiện về kinh phí nhưng không được phép sử dụng vào việc này. Nhà nước chỉ bỏ tiền vào các công trình xã hội hóa nhân dân, không thu tiền, không khấu hao đầu tư, như nhà văn hóa chẳng hạn…”.
Trong khi người dân ở các KTT đang hoang mang nếu HTX “trả” thì ai sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nước cho họ, ông Nguyễn Trọng Công cho biết, thành phố đã cho phép Công ty Viwaco tiếp quản địa bàn, do vậy việc bố trí phân công địa bàn thuộc về phía Công ty. 
Trong ngày 4/5, vấn đề này đã được phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đưa ra bàn thảo, nhưng vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng… 

Đọc thêm