Đừng kỳ vọng nhiều việc lãi suất ngân hàng sớm giảm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, khi CPI giảm dần NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất theo hướng đạt được sự ổn định tương đối vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt trong hai tháng gần đây đã mang lại hy vọng về một lộ trình giảm lãi suất, thế nhưng…  
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, khi CPI giảm dần NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất theo hướng đạt được sự ổn định tương đối vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt trong hai tháng gần đây đã mang lại hy vọng về một lộ trình giảm lãi suất, thế nhưng…

Những tín hiệu

Diễn biến CPI giảm mạnh, xuống mức xấp xỉ 1% trong tháng 6 và được dự báo sẽ tiếp tục và giảm xuống trong thời gian tới là yếu tố thuận lợi cho việc giảm lãi suất.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, từ giữa tháng 5 đến nay, lãi suất cho vay liên ngân hàng đã có xu hướng giảm so với thời gian trước. Hiện lãi suất cho vay qua đêm ở mức 13%/năm, lãi suất cho vay 1 tuần ở mức 15%/năm.

Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng Bảo Việt nhận định, khi lãi suất liên ngân hàng đã giảm, các ngân hàng sẽ không huy động với lãi suất 17-18% hoặc cao hơn. Bên cạnh đó, sự ổn định của tỷ giá USD/VNĐ và xu hướng bán USD để gửi VNĐ vào ngân hàng đã tạo cho các ngân hàng  điều kiện tốt để củng cố thanh khoản tiền đồng. Từ đó, mặt bằng lãi suất đầu vào sẽ dần hạ.

 

Trên thực tế, lãi suất huy động gần đây đang giảm dần. Nếu 1 - 2 tháng trước gửi tiền ở mức lãi suất 19%, thậm chí 20% là bình thường thì nay lãi suất huy động đã dịu bớt, khi mà tính thanh khoản của ngân hàng đã tích cực hơn.

Tuần trước, gửi 700 triệu đồng vào chi nhánh các ngân hàng quốc doanh, người gửi hoàn toàn có thể thỏa thuận các hình thức ưu đãi khác để đạt lãi suất thực 18-19%/năm cho kỳ hạn gửi 1 tháng đến 3 tháng. Tuy nhiên, trong tuần qua mức lãi suất đó đã giảm xuống còn 17,75% và chỉ nhận gửi ở thời hạn 1 tháng. Còn gửi 3 tháng phải chấp nhận thấp hơn, khoảng 17,5%.

Chưa có đột biến


Rất mong giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, không thể kỳ vọng quá nhiều vào việc lãi suất sẽ giảm nhanh và sớm. Trước mắt, lãi suất thực huy động trên thị trường sẽ khó đồng loạt giảm ngay về mức trần 14%/năm, mà phải theo chiều hướng giảm dần từ mức 17-18%/năm hiện nay.

Trong khi đó, hy vọng về một sự nới lỏng để tạo ra đảo chiều trên thị trường tiền tệ là không thể khi Thống đốc NHNN cho khẳng định, những tháng tiếp theo, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục điều hành một cách chủ động và linh hoạt theo hướng thắt chặt, kiên quyết mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô. Mà chống lạm phát thì lãi suất phải tăng cao. Tất nhiên sẽ có khó khăn cho khu vực sản xuất nhưng đó là điều khó tránh khỏi và phải chấp nhận.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thừa nhận lạm phát có thể lên đến 17-18% và việc chống lạm phát sẽ tiếp tục phải làm mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Vì thế, ông Kiêm phân tích thêm, CPI tháng 6 có giảm tốc, nhưng là giảm so với tháng trước đó, nhìn chung, đây vẫn là mức cao, vẫn tăng và sẽ tăng nhiều vào quý 4. Chủ trương chung là lạm phát đã cao thì lãi suất chưa giảm xuống được cho nên khó có thể giảm mạnh về lãi suất ngay.

“Tới đây nếu kinh tế thế giới không xảy ra các diễn biến bất thường, các giải pháp của NHNN ngấm dần thì lãi suất cho vay sẽ giảm thêm... Tuy nhiên khó kỳ vọng trong thời gian ngắn lãi suất sẽ trở về mặt bằng như trước đây. Theo tôi, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, NHNN chỉ là một phần, bản thân các DN cũng phải có giải pháp để cứu mình”  - ông Khiêm nói.

Phong Vũ

 

 

Đọc thêm