Ký sinh trùng là gì? Theo từ điển Wikipedia “ký sinh trùng hay động vật ký sinh là sinh vật chiếm sinh chất của các sinh vật khác đang sống để tồn tại và phát triển. Trong tự nhiên rất nhiều sinh vật tự kiếm lấy thức ăn cho mình nhưng ký sinh trùng phát triển theo hướng khác, chúng sống gửi, sống bám hoàn toàn hoặc một phần vào loài khác, như giun móc”.
Không cần phải tranh cãi, như vậy những loài sống ký sinh trùng thường là những loài đáng ghê tởm nhất, có hại nhất, bị loài người ghê sợ nhất. Những gánh hàng rong hoàn toàn sống bằng mồ hôi nước mắt công sức của mình, lương thiện, tảo tần… Chỉ có nói sai, nói nhầm; thậm chí có thể đánh giá là sai nghiêm trọng, nhầm nghiêm trọng; thì mới nói rằng họ “sống ký sinh trùng”.
Hệ lụy của 3 chữ nói sai không chỉ dừng lại như vậy. Khi mà những gánh hàng rong thậm chí là một nét văn hóa của Việt Nam. Khi mà 3 chữ nói sai ấy đi ngược lại văn hóa người Việt, đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc những người khó khăn yếu thế. Thậm chí 3 chữ sai sót ấy có thể bị các thế lực phản động lợi dụng để kích động, đẩy sự việc đi xa hơn.
Gần hai tuần sau khi xảy ra sự việc trên, Ban biên tập chương trình đã chính thức nói lời xin lỗi những người bán hàng rong vì đã để xảy ra lỗi nghiêm trọng. Theo đó, nhà đài này phát sóng phóng sự trên nhằm “chia sẻ các khó khăn trong cuộc sống mưu sinh của những người bán hàng rong tại TP HCM trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Nguyên nhân được nhà đài cho rằng: “Do sơ suất trong quá trình biên tập và lên sóng trực tiếp, biên tập viên dẫn chương trình của chúng tôi đã sử dụng từ ngữ không phù hợp và ngoài ý muốn, khiến khán giả hiểu sai nội dung muốn truyền tải”. Nhà đài này “xin được gửi lời xin lỗi chân thành đến những người bán hàng rong và quý vị khán giả về lỗi tác nghiệp nghiêm trọng này”.
Nhà đài đã tự nhận đây là “lỗi tác nghiệp nghiêm trọng” và xin lỗi, thì cũng cần rộng lòng tha thứ. Về nguyên nhân, có thể ê kíp làm chương trình “ám ảnh” về bộ phim có tên “Ký sinh trùng” nổi tiếng thế giới thời gian gần đây; cũng có thể hiểu biết hạn chế nên đã dùng từ sai. Tuy nhiên, câu chuyện cho người ta một bài học về chữ nghĩa, về những sai lầm tai hại nếu dùng từ sai. Từ mục đích “chia sẻ các khó khăn trong cuộc sống mưu sinh của những người bán hàng rong”, chỉ 3 chữ dùng sai lại khiến phóng sự lẽ ra rất hay ho thành tác dụng ngược. “Sai một ly, đi một dặm” là như thế. May mà nhà đài kịp tiếp thu sai sót.