Festival tôn vinh lâm sản Việt tại Quy Nhơn

Ngày 26/3, tại TP.Quy Nhơn, Festival Lâm sản Việt Nam (LSVN) lần thứ nhất - Bình Định năm 2011 chính thức khai mạc. Dự kiến có trên 200 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham dự.

Ngày 26/3, tại TP.Quy Nhơn, Festival Lâm sản Việt Nam (LSVN) lần thứ nhất - Bình Định năm 2011 chính thức khai mạc. Dự kiến có trên 200 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham dự.

“Mũi nhọn” xuất khẩu của đất nước

Từ năm 2000 đến nay, ngành chế biến lâm sản của Việt Nam đã có những sự thay đổi và tăng trưởng mạnh mẽ. Trước hết là sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vào chế biến và kinh doanh các sản phẩm gỗ. Các sản phẩm chế biến đã có sự phát triển mạnh mẽ về chủng loại, số lượng và chất lượng.

Các sản phẩm gỗ của Việt Nam không chỉ sử dụng trong nước mà còn được xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu ngày một tăng. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu trên 3.000 mặt hàng khác nhau. Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và dăm gỗ mới chỉ đạt 334 triệu USD (tính theo giá FOB), đến năm 2010 là 3,2 tỷ USD.

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ, ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Theo thống kê, cả nước hiện có trên 2.500 doanh nghiệp (DN) chế biến đồ gỗ, trong đó, có 970 DN chuyên chế biến đồ gỗ xuất khẩu, hơn 400 DN FDI; nhiều DN đã phát triển thành các tập đoàn lớn. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó, thị trường Mỹ chiếm 38% tổng giá trị xuất khẩu, các nước châu Âu chiếm 44%, Nhật Bản chiếm 12%... Riêng năm 2010, giá trị kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ cả nước ước đạt 3,4 tỉ USD, tăng trên 31% so với năm 2009. Theo Hiệp hội Gỗ - LSVN, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến đồ gỗ năm 2011 đạt khoảng 4 tỉ USD, tăng trên 17% so với năm 2010.

Đã xuất hiện những điển hình, như Công ty VIJACHIP chuyên  sản xuất và xuất khẩu gỗ dăm (giấy) và trồng rừng nguyên liệu  - liên doanh giữa Công ty Nissho Iwai (Nhật Bản) với 5 đối tác Việt Nam là các lâm trường, công ty xuất nhập khẩu lâm sản của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, cùng mối liên kết đa dạng với hàng ngàn hộ gia đình nông dân trải dài trên địa bàn các địa phương. 

Bình Định sẵn sàng cho lễ khai mạc

Cùng với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh, Bình Định được xem là một trong bốn trung tâm chế biến đồ gỗ quy mô hàng đầu của cả nước, hiện nay Bình Định có khoảng 135 DN và cơ sở chế biến đồ gỗ đang hoạt động, với tổng công suất 345.000 m3/năm, tổng vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 22.000 lao động. Cùng với cả nước, ngành chế biến gỗ ở các tỉnh duyên hải miền Trung là một trong những ngành có tốc độ phát triển cao, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và sự phát triển đất nước nói chung, tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban tổ chức Festival nhấn mạnh: Festival LSVN lần thứ nhất là dịp để khẳng định và phát huy vai trò, tiềm năng của lâm sản Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội, giới thiệu tiềm năng lâm sản Việt Nam đến với bạn bè thế giới, tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các nhà kinh doanh lâm sản với các đối tác trong và ngoài nước. Đồng thời đây cũng là dịp tôn vinh các nhà khoa học, nhà DN, nhà quản lý và đồng bào có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của ngành lâm sản Việt Nam.

Xác định tầm vóc và ý nghĩa của Festival LSVN lần thứ nhất - Bình Định năm 2011, ngay từ năm 2010, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh liên hệ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương nhằm xúc tiến, triển khai công tác chuẩn bị … Về công tác cổ động trực quan, Ban tổ chức đã thi công hàng chục pa-nô lớn tại TP HCM và trên địa bàn tỉnh Bình Định, cùng 400 banner các loại tại các đường phố chính của TP.Quy Nhơn. Ban tổ chức cũng đã quán triệt với Điện lực về điện chiếu sáng. Kịch bản chương trình khai mạc và bế mạc Festival cũng đã được UBND tỉnh thông qua. Các công tác chuẩn bị khác cũng đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai mạc...

Ban tổ chức kỳ vọng, tổ chức thành công của Festival LSVN lần thứ nhất sẽ là tiền đề để xây dựng Festival LSVN trở thành sự kiện định kỳ mang tầm quốc gia, là ngày hội của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà DN và đồng bào hoạt động trong ngành lâm sản Việt Nam.

Thanh Thanh

Đọc thêm