|
Thầy Thái định mua ít rau, mớ cá và vài thứ lặt vặt để dùng trong ngày. Người già thường dậy sớm, tập thể dục, tranh thủ đi chợ, về nấu ăn sáng rồi tưới cây. Có bạn đến thì trà nước, đánh cờ, nói chuyện nhân tình thế thái, nghe tiếng chim hót. Một cái thú đã thành thương hiệu của thầy. Bỗng có tiếng ai đó gọi: “Dạ, cho con hỏi có phải thầy là thầy Thái không ạ?”. Thầy Thái quay lại. Người kia như reo lên: “Đúng là thầy rồi”. Thầy còn nhìn, ngẫm ngợi, túi cá trên tay cứ nặng dần. “Chào anh. Anh là ai?”. “Dạ, thưa thầy, con là Quyết. Quyết có biệt danh là Quyết quýt đây ạ. Lâu rồi con không gặp, thầy cũng không già đi nhiều”. Thầy chợt nhớ ra. “Phải rồi, tôi nhớ ra rồi. Anh Quyết ở xã Vân Hà đây mà. Thế lâu nay làm ăn thế nào hả anh Quyết? Sao lại đi chợ, lại xuất hiện ở đây thế này?”. “Dạ, sau nhiều năm lăn lộn ở ngoài đời, bây giờ con quyết định về quê mình, nương vào sông quê, trồng rau sạch, tham gia mấy dự án làm nấm. Hôm nay gia đình có làm cơm, mời anh em đã vất vả cùng gây dựng trang trại ạ”.
Thầy Thái mời Quyết hôm nào rảnh đến chơi. Quyết xin vâng, hẹn thầy vào một ngày gần nhất. Thầy quay về nhà, gió thu mát rượi. Thầy ấn tượng bởi cậu học trò giỏi văn, nhưng khá tinh nghịch năm xưa, có mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Trong thầy hiện lên, rõ mồn một những ký ức về một cậu học trò đã lan tỏa cho chính công việc của thầy trên bục giảng.
***
Ngày xưa thầy dạy cấp ba thuần túy. Nhiều năm thầy chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi văn, chuyên thi huyện, thành phố và quốc gia, gặt được khối thành tích kếch xù. Nhưng môi trường giáo dục, đâu phải lúc nào cũng êm thấm. Đâu phải đồng nghiệp nào cũng nghĩ và làm với tư duy trong veo như giọt nước. Thầy Thái, với ngờm ngợp nhiệt huyết, sau bao năm cố gắng giảng dạy, cống hiến cũng được giao trọng trách tổ trưởng tổ văn. Thầy còn nấu rượu để bán cho các mối quen, và làm thơ. Người ta bảo cả ba thứ ấy đều làm cho đời thầy không thể nhạt được. Dạy môn văn cho thầy sự lai láng trẻ trung, với rất nhiều bài học được tưới tắm nhiệt huyết, giúp học trò trở nên yêu môn học và tâm hồn được bồi bổ. Chúng cho thầy chất liệu sống và sự an nhiên. Rượu là chất xúc tác mà bao đời qua con người vịn vào để cuộc sống trở nên đậm đà lãng mạn. Với thầy, việc nấu rượu còn cho thầy thêm thu nhập. Còn thơ, rõ ràng, được chưng cất từ rất nhiều thứ cộng lại, trong đó có cả sự sum vầy tình cảm của học trò và rượu. Ai cũng thấy thầy phơi phới lạc quan, dù thầy lúc đó đang đi qua một khúc sông buồn. Vợ thầy lắm tật nhiều bệnh. Thầy phải cố gắng gánh vác con thuyền gia đình, tận tâm tận lực chạy chữa. Nhưng ở trường có sự thay đổi. Thầy Đào, tổ phó tổ văn luôn đố kỵ tài năng thầy Thái. Thầy Thái nhận được sự kính yêu của trò, sự tin cậy của phụ huynh học sinh. Thầy Đào mong chiếm lĩnh vị trí đó. Có điều, tài năng và vầng hào quang của một người giỏi giang, đâu dễ bị xóa đi. Thế là thầy Đào tìm cách xin anh trai mình - tân hiệu trưởng, cất nhắc mình lên thay. Muốn thay được phải tìm cách làm giảm uy tín thầy Thái. Sau bao chuyện, cuối cùng, thầy Đào lên thay. Nhưng đám học trò lúc nào cũng yêu quý, mến mộ. Một hôm trong tiết văn, sau khi phát biểu xong về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Quyết có nói về thầy: “Thầy Thái tỏa ra một luồng hào quang, như thực như ảo”. Thầy hỏi: “Sao anh lại nói vậy?”. Quyết thưa: “Dạ, vì thầy đã truyền dạy cho chúng em nụ cười lạc quan, trên mọi hoàn cảnh. Và còn giữ khí chất nữa”. Cả lớp vỗ tay hoan hô. Thầy cười. Thầy đoán được tâm trạng của các học trò. Đúng là chúng cũng biết phân biệt phải trái, trắng đen.
Về nhà, càng nghĩ, thầy càng thấy mình chẳng làm gì nên tội. Vậy thì chẳng phải giải thích, chẳng phải ghen ghét. Thầy như cái cây, cứ làm xanh cho đời. Từ đó, thầy càng nhiệt tình với công việc, đối xử tốt với đồng nghiệp và cả người đã gieo họa cho mình. Thân mẫu ông Đào mất, thầy nhiệt tình làm nghĩa tử. Thế đã sao nào. Đến ngày nhận quyết định nghỉ hưu, ông Đào đã gặp trực tiếp, tỏ lòng xin lỗi vì đã có những hành xử chưa đẹp với thầy Thái. Ông ấy còn rành rọt: “Tôi ân hận lắm. Và thú thật, tôi đã bôi nhọ thầy, nhưng càng bôi thầy Thái càng sáng”. Thầy nói với ông ấy rằng, mình không để bụng, cũng không bao giờ hằn học. Sau cùng chính ông Đào là chỗ tâm giao với thầy Thái. Ông ấy còn giúp kết nối, cho cháu nội thầy có việc làm.
***
Không gian lặng lẽ nhưng không u sầu. Đó là cách thầy Thái tạo dựng cho thế giới của mình. Màu xanh và tiếng chim luôn là những thứ được thầy chăm chút nhất, vì nó giúp thầy tĩnh tại. “Nào, anh chàng vào đây”. Con bồ câu mổ lích chích trong không khí, bên cạnh chậu nguyệt quế trổ những đóa hoa nhỏ xinh.
- Ta dùng trà nhé - thầy nói rồi mời Quyết ngồi xuống ghế.
Hương trà sen thơm tỏa. Làn gió mát dội lại, phả trong không gian cảm giác an lành.
- Này nhé, tôi nhớ lắm, ngày xưa, chính những người như anh đã làm thầy tôi ở một khía cạnh đấy. Không có các anh chị quý mến, chắc tôi đã không giữ được hòa khí. Mà thiếu hòa khí thì dễ làm liều. Thế nào, những năm qua, anh đã đi những đâu, làm những gì?
Ngày mới đi làm, Quyết nhiệt tình bao nhiêu thì từ khi bị o ép trở nên hờ hững, trễ nải trong phấn đấu bấy nhiêu. Ở cơ quan, chuyện thay đổi cán bộ là thường. Nhưng với Quyết sao nó nặng nề thế. “Ông sếp” trước đó quý anh bao nhiêu thì đến ông này lại để ý, tủn mủn bấy nhiêu. Những người được cho là vây cánh của viện trưởng mới cũng hách dịch, thích thể hiện, luôn tìm cách đốt cho không khí trở nên nóng bừng, ngột ngạt. Anh nghĩ đến chuyện buông bỏ. Ai nói gì cũng mặc. Ai làm gì cũng kệ. Việc của mình chỉ cố cho xong. Chẳng cống hiến gì nữa. Anh nghĩ đến điều tiêu cực: Chẳng nghe, chẳng nói, chẳng thấy. Đó là tư duy “tam tật”. Mấy chị ở phòng, trước đó coi anh như “mì chính cánh” thì nay thấy sự thay đổi của Quyết, cũng thấy buồn lòng.
Một lần, Quyết thấy một người ngồi trên xe lăn bán rong vài thứ lặt vặt được treo quanh người. Người này dò dẫm đi lao đầu vào phía ô-tô. May chiếc xe phanh kịp. Chiếc xe lăn vẫn từ từ lăn bánh. Nó hướng về cái hố sâu. Anh hét lên, nhưng người đó không nghe thấy. Sao thế nhỉ? Quyết thắc mắc. Sau cùng anh chạy đến giữ chiếc xe lăn lại. “Này anh kia, đi đứng kiểu gì nguy hiểm thế?”. Anh không thấy có phản ứng. Trời ơi, anh ta còn mù mắt nữa. Lúc này, một người lành lặn chạy đến, cảm ơn rối rít. Quyết hỏi: “Anh ta làm sao mà hết lao vào xe ô-tô, giờ lại muốn lao xuống hố?”. Người kia nói: “Khổ quá. Em chỉ đi vệ sinh tí xíu, mà… À. Đây là anh trai em. Anh ấy vừa câm, mù, lại điếc. Đi bán hàng như này đều phải em đẩy xe. Anh ấy không biết gì đâu”. “Sao không để anh ấy ở nhà nghỉ?”. Người kia trả lời: “Ở nhà thì lấy gì mà ăn. Em phải đưa anh ấy đi, người ta thương, mua cho ít đồ…”.
Quyết mua hàng giúp họ. Mặt anh trở nên đờ đẫn khi nghĩ đến người tàn tật. Trời ơi, câm mù điếc. Lại còn liệt chân. Vậy là “tứ tật” chứ không còn “tam nữa”. Thế mà họ vẫn khát sống, vẫn đi bán hàng để tồn tại. Mình sức dài vai rộng. Sao mình hèn thế! Từ đó, Quyết yêu mến cả người đã ghét bản thân mình, hành hạ, xấc xược với anh.
- Con có lúc cũng nghĩ, năm xưa thầy còn chịu nhục, đối đãi tốt với người nói xấu mình, vậy chuyện cỏn con ở cơ quan con có là gì.
- Thế là hai chúng ta có điểm giống nhau đấy - thầy Thái cười thật tươi - Rồi sao anh lại bỏ về quê, đi trồng rau sạch?
- Dạ, nguồn cơn là thế này ạ. Con bị đẩy vào miền trung làm đại diện cho viện. Mọi người đối đãi không tốt, xấc xược thế nào con cũng bỏ qua. Họ càng không tử tế con càng tốt lại. Với cấp trên con vẫn hằng mua quà biếu. Thế rồi, người ta thấy lạ lùng, người ta đặt câu hỏi với con. Khi biết con chẳng có lòng dạ nào đối đầu với họ, bản tính khiêm nhu, nên buộc họ phải thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử. Thế là ban lãnh đạo lại đưa con về bắc sau một năm “đi xứ”. Nhưng con vẫn thấy dù làm gì mình cũng không thể có của ăn của để. Vậy là, nhờ những người anh em tâm huyết, khởi nghiệp động viên, con đã quyết định về đây.
- Được gần quê cũng là cái thú, anh nhỉ? Anh chuẩn bị đến đâu rồi?
Quyết lại đưa thầy về với câu chuyện anh đã nỗ lực vượt qua chính mình. Có chút vốn liếng trở về, anh bị nhiều người phản đối. Trời ơi, bao năm học hành để thoát khỏi cảnh đồng ruộng, thế mà một anh cán bộ lại về đầu tư trồng rau, đầu tắt mặt tối. Quyết bỏ ngoài tai tất cả. Dấn thân cho một lĩnh vực mới, không thể tránh những ý kiến trái chiều. Để chắc chắn, Quyết tính toán kỹ lưỡng đầu ra. Nhờ những năm lăn lộn ngoài đời, anh có vài mối quan hệ thân tình. Đầu ra của sản phẩm dễ dàng được đón nhận. Anh cũng phải chịu sự chê bai, ỷ ôi của nhiều người. Song với ai anh cũng chỉ cười.
- Năm đầu thắng lợi, bây giờ ai cũng nể con lắm thầy ạ.
***
Từ hôm đó, có thời gian rảnh là Quyết sang chơi với thầy Thái. Thầy cởi mở, đón tiếp nồng hậu bởi thầy thấy ở Quyết có nhiều điểm chung. Những năm qua, thầy Thái nghỉ hưu, nhưng vẫn dạy phụ đạo cho học sinh trong xóm làng. Thầy viết sách về giáo dục, đức hy sinh cũng như lòng tri ân tổ tiên, tình yêu quê hương đất nước. Thầy Thái vừa in xong cuốn “Yêu thiên nhiên, làm người tốt” mà thầy ấp ủ suốt những năm tháng còn đứng lớp. Bây giờ mới có thời gian, chỉnh sửa và đưa in. Hôm nay thầy gọi Quyết đến tặng sách. Nâng niu cuốn sách trong tay, mắt Quyết sáng lên:
- Em cảm ơn thầy, em sẽ đọc kỹ và hôm gần nhất, em xin được chia sẻ ạ.
Trong khoảng sân rộng, thầy vẫn giữ nào cây vối, khế, mẫu đơn, trạng nguyên, hoàng lan, ngọc lan… Những thứ cây gắn bó suốt tuổi thanh xuân, suốt đời nhà giáo đang dâng hương, dâng sắc diệp lục. Những thứ cây lớn lên cùng bao lớp học trò thầy dạy dỗ, không chỉ gợi sự mộc mạc về tình yêu quê, mà còn để lan truyền giá trị mùi hương, giá trị làm người.